Top 5 không quân mạnh nhất thế giới vào năm 2030

VietTimes -- Mỹ thực sự có 3 lực lượng đường không cánh cố định: Không quân Mỹ, Hải quân Mỹ và Thủy quân lục chiến Mỹ. Giống như hiện nay, đến năm 2030 họ vẫn sẽ là "không quân"  mạnh nhất thế giới.
Chiến cơ F-22 của Không quân Mỹ.
Chiến cơ F-22 của Không quân Mỹ.

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 24/7 dẫn tờ nguyệt san The National Interest Mỹ ngày 21/7 đăng bài viết "Top 5 không quân mạnh nhất năm 2030" của tác giả  Kyle Mizokami. 

Bài viết cho rằng đến năm 2030, các lực lượng không quân mạnh nhất thế giới sẽ là những lực lượng được dư luận quen biết. Đứng trong danh sách này chủ yếu là những cường quốc không quân truyền thống, nhất là Mỹ, Nga và Anh.

Trung Quốc sẽ trở thành nhân vật mới trong danh sách. Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng lực lượng không quân tương xứng với vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mỹ 

Máy bay tiêm kích 15 Eagle
Máy bay tiêm kích 15 Eagle

Mỹ thực sự có 3 lực lượng đường không cánh cố định: Không quân Mỹ, Hải quân Mỹ và Thủy quân lục chiến Mỹ. Giống như hiện nay, đến năm 2030 họ vẫn sẽ là "không quân" (nói chung) mạnh nhất thế giới.

Đến năm 2030, Không quân Mỹ sẽ sở hữu 187 máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor. Họ sẽ còn sở hữu 178 máy bay chiến đấu F-15C đã được nâng cấp lớn về radar và bộ cảm biến hồng ngoại. 

Không quân Mỹ khi đó sẽ lấy phần lớn trong số 1.763 máy bay chiến đấu tấn công liên hợp đặt mua để thay thế cho máy bay F-16C và A-10.

Không quân Mỹ sẽ còn sử dụng 100 máy bay tiếp dầu trên không KC-46 Pegasus để đổi mới một phần đội máy bay tiếp dầu của họ. Máy bay ném bom tàng hình thế hệ thứ hai B-21 lúc đó đã được đưa vào sản xuất, đơn đặt hàng cuối cùng khoảng 100 chiếc.

Đồng thời, máy bay chiến đấu tấn công liên hợp trang bị cho tàu sân bay (F-35C) và máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet sẽ trở thành “tiêu chuẩn”. 

Máy bay tiếp dầu không người lái trang bị trên tàu chiến là MQ-25 Stingray cũng sẽ được biên chế, từ đó mở rộng hành trình của máy bay chiến đấu có người lái. 

Trong khi đó, máy bay vận tải cánh xoay nghiêng V-22 Osprey sẽ vận chuyển vật tư tiếp tế và bưu phẩm cho tàu sân bay hoạt động trên biển. Đến khi đó, Thủy quân lục chiến có thể sở hữu một đội máy bay F-35B/C (mỗi loại 50%).

Trung Quốc

Lực lượng không quân Trung Quốc bao gồm không quân và lực lượng đường không hải quân (không quân hải quân). Tổng số máy bay quân sự của Trung Quốc sẽ giảm đi, nhưng chất lượng máy bay quân sự đang tăng lên, trong đó gồm có các máy bay chiến đấu như Su-30, J-11, J-15 và J-10.

Tuy nhiên, những máy bay chiến đấu này nhiều nhất thuộc thế hệ 4+. Muốn đuổi kịp Mỹ và các cường quốc khác, Trung Quốc phải phát triển thành công các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như J-20 và J-31.

Máy bay chiến đấu chỉ là một bộ phận. Không quân Trung Quốc còn có máy bay vận tải tầm xa tự nghiên cứu phát triển đầu tiên là Y-20, đến năm 2030 Y-20 sẽ có khả năng vươn tới các khu vực trên toàn cầu.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đang mở rộng đội máy bay chi viện, bao gồm máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu trên không. 

Do tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông và Biển Đông trầm trọng hơn, Trung Quốc sẽ tiếp tục xu thế tăng cường số lượng máy bay thu thập tình báo/giám sát/trinh sát và nâng cao năng lực của họ.

Nga

Đến năm 2030, triển vọng của Không quân Nga khó được xác định, sự phát triển của tình hình có nhiều khả năng. 

Trong trường hợp tốt nhất, Nga sẽ thoát được suy thoái hiện nay và khôi phục, giá xuất khẩu dầu mỏ và các mặt hàng chủ lực sẽ lên cao, phương Tây xóa bỏ trừng phạt, đến năm 2030, lấy hỏa lực để so sánh, Không quân Nga có thể mạnh thứ hai thế giới.

Hai chương trình quan trọng nhất của Không quân Nga là máy bay chiến đấu PAK-FA và chương trình máy bay ném bom chiến lược PAK-DA. PAK-FA cũng được gọi là T-50, việc sở hữu nó là cần thiết với Nga để có thể so tài với máy bay chiến đấu F-22 Raptor Mỹ. 

Chương trình máy bay ném bom chiến lược PAK-DA có mục đích là nghiên cứu chế tạo được một loại máy bay ném bom tàng hình cận âm có thể lắp bom hạt nhân. Đây là điều cần thiết để thay thế cho máy bay ném bom Tu-160 Blackjack và máy bay ném bom Tu-22M Backfire đã cũ.

Israel

Hiện nay, Không quân Israel sở hữu 58 máy bay chiến đấu F-15A và F-15C, 25 máy bay ném bom chiến đấu F-15I và 312 máy bay chiến đấu đa dụng F-16. Đến năm 2030 Không quân Israel có thể vẫn là lực lượng không quân mạnh nhất của toàn bộ khu vực Trung Đông.

Đến năm 2030, máy bay chiến đấu F-15 sẽ phải cấp bách thay thế, rất nhiều máy bay đã có tuổi thọ trên 40 năm, thậm chí cũ hơn. Điều không may là, do năm 2011 máy bay F-22 Raptor ngừng sản xuất, không có máy bay có thể trực tiếp thay thế F-15C.

Trước khi máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Mỹ ra đời, Israel sẽ buộc phải kéo dài thời hạn sử dụng F-15C hoặc chuyển nhiệm vụ của nó cho máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35.

Israel có kế hoạch xây dựng 2 phi đội máy bay chiến đấu F-35 trước năm 2021, phi đội thứ ba sẽ xây dựng trong 10 năm sau đó. Cuối cùng có thể sở hữu 1 đội máy bay F-35 trên 200 chiếc.

Anh

Đến năm 2030, năng lực của Không quân Hoàng gia Anh sẽ đạt trình độ cao nhất trong vài chục năm qua. Không quân sẽ sở hữu gần 160 máy bay chiến đấu Typhoon có tính năng cao. 

Một số máy bay chiến đấu Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh vốn được dùng để đoạt lấy ưu thế trên không, hiện có thể ném bom dẫn đường laser. Công tác nghiên cứu phát triển khả năng bắn tên lửa Brimstone cho nó cũng đang được tiến hành. 

Năm 2030, một loại máy bay tác chiến không người lái - có nguồn gốc từ máy bay không người lái Taranis - dự đoán sẽ đưa vào sử dụng, sẽ cùng tác chiến với máy bay chiến đấu có người lái của Anh.

Nói tóm lại, đến năm 2030, Không quân Hoàng gia và lực lượng đường không Hải quân Hoàng gia Anh sẽ sở hữu khoảng 300 máy bay chiến đấu, rất có thể trở thành lực lượng không quân có quy mô lớn nhất, thực lực mạnh nhất Tây Âu.