Bảy mươi năm sau khi lực lượng hải quân Nhật bị đẩy ra khỏi biển Đông, Nhật Bản đang lặng lẽ trở lại vùng biển này, bằng cách tăng cường hợp tác an ninh với Philippines và Việt Nam, trong bối cảnh cả hai quốc gia Đông Nam Á này đang nỗ lực đương đầu với những tham vọng chủ quyền của Trung Quốc.
Hợp tác quân sự của Tokyo rất rộng: Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra trên biển cho hai nước, cùng lúc Nhật dự kiến tổ chức tập trận hải quân chung với Philippines trong vài tháng tới.
Ngoài ra, bác sĩ quân y Nhật tư vấn cho các sĩ quan trên tàu ngầm của Việt Nam cách ứng phó với trạng thái mệt mỏi do giảm áp suất. Nhật còn hỗ trợ hai nước trong nhiều hoạt động khác, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin từ Nhật cho biết.
Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền với bất kỳ đảo hay vùng biển nào tại biển Đông, song nguy cơ bị cô lập một khi Trung Quốc độc chiếm tuyến hàng hải vốn có vai trò rất quan trọng với vận chuyển đường biển của Nhật khiến Tokyo lo ngại. Hiện Nhật cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại phía bắc biển Hoa Đông.
Sự hỗ trợ của Nhật Bản với Việt Nam và Philippines là động thái tiếp nối tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng năm, trong đó ông nói Nhật sẽ giúp đỡ Đông Nam Á duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Sự hợp tác này cũng phù hợp với chính sách an ninh có phần cứng rắn hơn trước do ông Abe khởi xướng cũng như chính sách “tái cân bằng" của Mỹ tại châu Á.
“Xu hướng đang trở nên rõ ràng và tôi cho rằng Nhật Bản sẽ không lùi bước, bất chấp lo ngại từ phía Trung Quốc”, ông Ian Storey, chuyên gia an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, nói.
Hiện Trung Quốc đang xây dựng trái phép nhiều đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các chuyên gia tin rằng các đảo này sẽ cho phép Trung Quốc xây dựng và kiểm soát một vùng nhận diện phòng không (ADIZ), trong đó các máy bay phải báo cáo với chính quyền Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh vẫn phủ nhận dự đoán này của các chuyên gia.
Việc Trung Quốc xây dựng vùng nhận diện phòng không tại biển Hoa Đông cuối năm 2013 đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và Nhật Bản. Lực lượng quân sự của cả hai nước đều lờ vùng nhận diện này, tức không báo cáo như Trung Quốc đòi hỏi.
Song các chuyên gia cho rằng các nước nhỏ hơn tại Đông Nam Á có thể sẽ không dễ dàng bỏ qua vùng nhận diện của Trung Quốc nếu nước này thực sự thiết lập tại biển Đông.
“Một vùng nhận diện phòng không thực sự sẽ là một thảm họa. Nó sẽ hạn chế hoạt động hàng không và hàng hải một cách nghiêm trọng,” một nhà lập pháp cấp cao của Nhật bình luận.
Kế hoạch Nhật Bản tập trận chung với Philippines là một phần của thỏa thuận an ninh hai bên ký hồi tháng một năm nay. Trong đó, hai bên cũng thỏa thuận tổ chức hội đàm cấp thứ trưởng quốc phòng một cách thường xuyên và trao đổi sĩ quan cao cấp.
Nhật Bản cũng dự kiến bàn giao cho Philippines tàu cảnh sát biển đầu tiên trước cuối năm nay. Nước này đang đóng tổng cộng 10 chiếc cho Philippines.
Nhật Bản có thể cũng sẽ hỗ trợ tài chính để Philippines nâng cấp hạ tầng của một căn cứ quân sự của nước này tại đảo Palawan.
Người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Restituto Padilla, nói “sẽ là tự nhiên khi Nhật Bản và Philippines hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo an ninh tại các tuyến đường biển này”.
Theo: BizLive