Nhiều tháng qua, chính quyền châu Âu lo ngại về khả năng những tay súng có nguồn gốc Đông Nam Á sẽ tấn công quê nhà sau khi trở về từ các cuộc xung đột.
Hàng loạt vụ nổ và tiếng súng ngày 14/1 đã làm rung chuyển thủ đô Jakarta của Indonesia sau 6 năm thành phố này ở trong trạng thái yên bình nhờ sự kiểm soát của chính phủ, làm suy yếu các mạng lưới Hồi giáo nguy hiểm nhất nước này.
Vụ tấn công liên hoàn tại Jakarta diễn ra chỉ vài tuần sau khi Indonesia phát lệnh cảnh báo ở mức cao và bắt giữ nhiều kẻ tình nghi, trong đó có những tên thuộc các nhóm có liên hệ với IS. Vụ việc đã chứng thực mối lo ngại của Đông Nam Á về khả năng IS tấn công khu vực này.
Nguy cơ IS tấn công Đông Nam Á có từ bao giờ?
Tại Diễn đàn An ninh châu Á Đối thoại Shangri-La tháng 5/2015, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo nguy cơ Đông Nam Á có thể trở thành một trung tâm tuyển mộ quan trọng cho IS, với hơn 500 người Indonesia và hàng chục công dân Malaysia đã gia nhập nhóm khủng bố này.
“Ý nghĩ IS có thể biến Đông Nam Á thành một tỉnh của đế chế Hồi giáo trên toàn thế giới là một giấc mơ hão huyền. Nhưng việc IS có thể thiết lập căn cứ ở nơi nào đó trong khu vực không phải là điều quá xa vời. Điều này đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với toàn khu vực Đông Nam Á”, ông Lý nói.
Ông Lý cũng cảnh báo IS tại Iraq và Syria đã tăng cường các hoạt động ở Đông Nam Á một cách hiệu quả đến nỗi chúng đã có một nhóm khủng bố được tuyển mộ từ Indonesia, Malaysia và Singapore. Khoảng hơn 500 người Indonesia và vài chục người Malaysia là thành viên của nhóm khủng bố. “Đông Nam Á là khu vực quan trọng đối với hoạt động tuyển người của IS. Số lượng chiến binh Indonesia và Malaysia của IS nhiều đến nỗi những phần tử này tự thành lập một lực lượng mang tên Đơn vị Chiến đấu Quần đảo Mã Lai”, ông nói.
Tháng 11/2015, Thủ tướng Singapore nhận định, nguy cơ IS vươn tới Đông Nam Á đang ngày một gần, theo The Australia. Ông nhắc tới Indonesia khi nhiều vùng ở quốc gia này nằm quá xa và không chịu nhiều ảnh hưởng từ chính phủ trung ương. “Nếu những phần tử cực đoan thành lập một trại nhỏ ở đây và tự xưng là chi nhánh của IS tại Đông Nam Á hay một cái tên đại loại như thế, trại của họ sẽ trở thành điểm thu hút các tín đồ, giống như thánh địa Mecca”, ông lập luận.
Tháng 12/2015, George Brandis, Bộ trưởng Tư pháp Australia, cảnh báo IS đang tìm cách thiết lập một “đế chế từ xa” tại Indonesia theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Ông Brandis đề cập tới Bahrun Naim, một trong những tân binh của IS ở Syria có nguồn gốc từ Indonesia. Trên trang blog của Naim hồi năm 2015, tên này cổ xúy vụ tấn khủng bố liên hoàn tại Paris hồi tháng 10/2015 và thúc giục các đối tượng tại Indonesia lên kế hoạch, tổ chức và “can đảm” như các tay súng trong vụ khủng bố "kinh đô ánh sáng" của nước Pháp.
Với hơn 250 triệu tín đồ, Đông Nam Á là trung tâm Hồi giáo lớn thứ hai của thế giới sau khu vực Trung Đông. Hiện trong khu vực Đông Nam Á, tới 30 nhóm khủng bố địa phương cam kết trung thành với IS. Trong đó, 3 quốc gia chịu ảnh hưởng và gây lo ngại lớn nhất là Indonesia, Malaysia và Philippines. Một số nhóm đã tuyên bố trung thành với IS, gồm Abu Sayyaf ở Philippines và Mujahidin Timor hay Jamaah Anshorul Tauhid ở Indonesia. Điều này cho thấy, nguy cơ Đông Nam Á trở thành nơi tuyển mộ chiến binh mới của IS là rất cao.
Mức độ nghiêm trọng khi IS ở Đông Nam Á?
AFP dẫn lời Kumar Ramakrishna, chuyên gia về các nhóm phiến quân Đông Nam Á tại Đại học Công nghệ Nam Dương của Singapore, cho hay mối đe dọa từ những chiến binh Đông Nam Á trở về sau khi bị cực đoan hóa ở khu vực Iraq/Syria là điều đáng lo ngại, bên cạnh khả năng xuất hiện "những con sói đơn độc" có tư tưởng cực đoan.
Soufan Group, cơ quan tư vấn an ninh có trụ sở ở New York (Mỹ), ước tính từ 500 đến 700 công dân Indonesia xuất ngoại để gia nhập IS ở Syria và Iraq. Rất nhiều người trong số đó đã trở về quê nhà.
Mối đe dọa từ những phiến quân từng chiến đấu ở nước ngoài không còn là điều mới đối với Indonesia. Theo người đứng đầu đơn vị chống khủng bố của Indonesia, công dân nước này từng chiến đấu cùng nhóm chiến binh Hồi giáo ở Afghanistan những năm 1990 đã trở lại và tấn công khủng bố quê nhà, gồm vụ đánh bom thành phố Bali năm 2002 khiến 202 người thiệt mạng.
Chuỗi vụ nổ và xả súng ở thủ đô Jakartar hôm 14/1 có thể báo hiệu sự hồi sinh của chiến dịch tấn công đẫm máu, thường nhằm vào những biểu tượng của phương Tây, vốn gây nhiều phiền phức cho Indonesia trong hơn một thập kỷ qua, theo New York Times.
Trong khi đó, tháng 12/2015, cảnh sát Malaysia ước tính ít nhất 50.000 người ủng hộ tổ chức IS ở nước này. Bộ trưởng Giao thông Malaysia Datuk Seri Liow Tiong Lai nói: “Nếu chỉ 1% trong số này chuyển sang xu hướng cực đoan và nếu họ tấn công bất cứ khu vực nào của Malaysia, chúng ta sẽ gặp rắc rối”. Ông cảnh báo Malaysia không thể bỏ qua mối đe dọa chủ nghĩa cực đoan ở nước này.
Theo một nghiên cứu của tổ chức quốc tế Pew, cứ 10 người Malaysia thì có một người ủng hộ IS. Hồi tháng 4/2015, chính quyền Malaysia bắt 17 nghi phạm khủng bố, gồm hai người vừa trở về từ Syria, dính líu tới âm mưu tấn công Kualar Lumpur. Trước đó 3 tháng, Malaysia bắt giữ 120 người nghi liên quan tới IS hoặc tìm cách du lịch Syria hay Iraq để gia nhập nhóm khủng bố.
Tháng 8/2015, nhà chức trách Singapore từng bắt hai thanh niên, 17 và 19 tuổi, vì họ có ý định tới Syria. Thanh niên 19 tuổi muốn ám sát các quan chức chính phủ Singapore nếu anh ta có thể tới Trung Đông.
Ngày 10/1, tờ Sydney Morning Herald của Australia cho biết, 4 nhóm cực đoan Philippines, trong đó có tổ chức khủng bố khét tiếng Abu Sayiaf, đã sáp nhập và thề sẽ trở thành một chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở khu vực này.
Các nhóm này đã tuyên thệ trung thành với thủ lĩnh của IS là Abu Bakr al-Baghdadi, bầu ra lãnh đạo chi nhánh ở Philippines là Isnilon Hapilon - thủ lĩnh của nhóm khủng bố Abu Sayiaf, đồng thời công bố về việc thiết lập "một tiểu vương quốc Hồi giáo" trên đảo Mindanao của Philippines.
Đông Nam Á chuẩn bị như thế nào để đối phó IS?
Các nước Đông Nam Á đã tăng cường hợp tác chống khủng bố bằng cách đẩy mạnh hoạt động chia sẻ thông tin về những công dân bị tình nghi. Trung Quốc lo ngại rằng công dân của họ đang dùng các tuyến đường du lịch Đông Nam Á để tới Syria. Kuala Lumpur cho biết 300 chiến binh Trung Quốc đã coi Malaysia như một điểm trung chuyển để gia nhập IS. Do đó, kiểm soát biên giới đang được nâng cao. Tháng 12/2014, biên phòng Malaysia chặn ít nhất 12 người Indonesia khi đang trên đường tới Syria.
Malaysia đang thành lập một trung tâm chống bạo lực cực đoan (CVE) tại Kuala Lumpur với sự hỗ trợ từ Mỹ và theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Indonesia cũng nên học theo nước láng giềng.
Indonesia đang tập trung nguồn lực trong việc chống hoạt động tuyển dụng của IS trong các trại giam. Nước này có kế hoạch thành lập một nhà tù duy nhất để tách nghi phạm khủng bố khỏi những tù nhân phạm tội khác. Tuy nhiên, kế hoạch này còn bị bỏ ngỏ.
Tại Singapore, một tổ chức phi lợi nhuận mang tên “Nhóm Hồi phục tôn giáo” được thành lập. Tổ chức gồm các giới chức tôn giáo, có nhiệm vụ giúp các phần tử Hồi giáo cực đoan cải tà quy chính.
Theo CSIS, dù sự hợp tác trong khu vực về chống khủng bố được cải thiện đáng kể từ năm 2002, điều này chưa đủ và các nước cần tăng cường hoạt động này. Thành viên của IS có thể sang các nước láng giềng và ở lại đó. Do vậy, chia sẻ thông tin giữa Indonesia, Malaysia với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Việt Nam là điều rất cần thiết.
Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, đã phát động chiến dịch đàn áp nhằm triệt tiêu các mạng lưới khủng bố. Gần đây, nước này đã cấm mọi hoạt động hỗ trợ IS và hệ tư tưởng của nhóm cực đoan. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, luật pháp Indonesia không đủ mạnh để giải quyết mối đe dọa mới và các nước trong khu vực không thể sát cánh cùng nhau.
Rohan Gunaratna, chuyên gia về khủng bố khu vực Đông Nam Á, nhận định: "Các chính phủ trong khu vực phải phối hợp để ngăn chặn việc IS thành lập một khu vực vệ tinh vì nếu điều đó thành sự thật, mối đe dọa tại Đông Nam Á sẽ lớn hơn". Theo Gunaratna, nhiều nhóm ở Indonesia và Philippines thề trung thành với IS và bọn chúng cần bị tiêu diệt.
Bên cạnh đó, Indonesia và cả khu vực Đông Nam Á còn là mục tiêu của al-Qaeda. Thủ lĩnh mạng lưới khủng bố này là Ayman al-Zawahiri tuần qua kêu gọi người Hồi giáo trong khu vực "dẫn dắt cuộc chiến tư tưởng và chính trị nhằm vào những kẻ thù của tôn giáo".
Để ngăn chặn nguy cơ mới, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, ông Ng Eng Hen, đề nghị các nước Đông Nam Á ưu tiên chia sẻ thông tin tình báo, đồng thời đánh bật tận gốc tư tưởng cực đoan, đặc biệt là phát huy vai trò then chốt của cộng đồng Hồi giáo và các tổ chức tôn giáo.
Theo Zing