Clip 25 năm tàu sân bay Nga và 9 điều lý thú

Ngày 20.1.2016 này là đúng 25 năm tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov phục vụ Hải quân Nga. Trong thời gian đó có những điều lý thú với con tàu sân bay duy nhất này của Nga, như có nhiều tên gọi nhất, hay lần đào thoát ly kỳ khỏi Ukraine về Nga khi Liên Xô tan rã…
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trên Đại Tây Dương ngày 18.1.2008 - Ảnh: Hải quân Nga
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov trên Đại Tây Dương ngày 18.1.2008 - Ảnh: Hải quân Nga

Trang tin Russia Beyond The Headlines ngày 18.1 liệt kê 9 điều lý thú về con tàu này.

1. Tàu sân bay kiêm tuần dương hạm

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay kiêm chức năng tuần dương hạm, hay nói cách khác là tàu sân bay với hoả lực tên lửa hùng hậu. Nga là nước duy nhất có tàu sân bay vũ trang hạng nặng, trong khi tàu sân bay các nước khác chỉ đơn thuần là sân bay nổi trên biển.

2. Con tàu lớn nhất của Liên Xô và Nga

Đây là tàu chiến lớn nhất được đóng ở Liên Xô và Nga ngày nay, với lượng choán nước đến 62.000 tấn.

3. Tàu có nhiều tên nhất

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov giữ kỷ lục về đổi tên nhiều lần nhất trong lịch sử hải quân Nga. Ban đầu tàu được đặt tên là Liên Xô khi đóng năm 1982 ở Ukraine, lúc hạ thuỷ năm 1985 thì đổi tên là Riga, rồi Leonid Brezhnev, rồi Tbilisi và đến năm 1990 đổi tên Đô đốc Kuznetsov (tên vị đô đốc Liên Xô là Nikolai Kuznetsov).

4. Tàu dùng kỹ thuật ván nhảy (ski jump), không dùng máy phóng máy bay

Lẽ ra tàu Kuznetsov có thể lắp đặt máy phóng máy bay như tàu sân bay Mỹ, tuy nhiên do lý do kinh tế nên giới chức quân sự Liên Xô quyết định dùng kỹ thuật “ván nhảy” tức sàn máy bay hếch lên một góc 12 độ ở đằng mũi để máy bay cất cánh.

5. Máy bay huấn luyện trên bờ

Thời Liên Xô xây dựng một trung tâm đào tạo máy bay cho tàu sân bay ở Crimea với đường cất cánh y hệt của tàu sân bay. Sau này trung tâm đào tạo này do Ukraine quản lý. Đến năm 2014 khi Crimea sáp nhập vào Nga, trung tâm này thuộc quyền kiểm soát của Nga.

Clip 25 năm tàu sân bay Nga và 9 điều lý thú ảnh 1

Trên boong tàu là 9 chiếc tiêm kích Su-33, 2 chiếc Su-25UTG và 5 trực thăng Ka-27/29 - Ảnh: Hải quân Nga

6. Tự bảo vệ với dàn vũ khí hùng hậu

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vũ trang hùng hậu, cũng có tàu hộ tống nhưng không nhiều như tàu sân bay Mỹ. Tàu Kuznetsov có thể tự bảo vệ mình khi cần thiết với 12 tên lửa hành trình diệt hạm cỡ lớn Granit, 6 pháo bắn nhanh tự động AK-630 (30 mm), 2 dàn phóng bom chống ngầm Udav (60 quả), hệ thống tên lửa phòng không Kinzhal (24 ống phóng), 1 hệ thống pháo – tên lửa phòng không tầm gần Kortik diệt mục tiêu tầm gần trên không và dưới mặt nước.

7. Đào thoát ngoạn mục khỏi Ukraine khi Liên Xô tan rã

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ukraine tuyên bố sở hữu tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Năm 1991, con tàu này được giao cho Hạm đội Phương Bắc, khi đó đang trải qua các thử nghiệm với Hạm đội Biển Đen ở Feodosia, trong lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, phó tư lệnh thứ nhất của Hạm đội Phương Bắc đã bay đến Ukraine và ra tay can thiệp. Ông ra lệnh nhổ neo tàu và lập tức cho tàu khởi hành đi về Severodvinsk của Nga. Tắt hết đèn đuốc, con tàu âm thầm rời bến với chỉ 1/3 thuỷ thủ đoàn (số còn lại đang nghỉ phép) và không có chiếc máy bay nào trên tàu. Mất 3 tuần lênh đênh trên biển, tàu Kuznetsov mới đến được Severodvinsk của Nga.

Sau khi đã cứu được tàu sân bay cho Nga, vị phó tư lệnh đã đánh giá đúng rằng số thuỷ thủ còn lại đã đi xe lửa về căn cứ ở Nga, và số máy bay trên bờ cũng đã được các phi công Nga lái bay về sau đó hội ngộ với tàu.

Clip 25 năm tàu sân bay Nga và 9 điều lý thú ảnh 2

Clip 25 năm tàu sân bay Nga và 9 điều lý thú ảnh 3

Khoang chứa tiêm kích Su-33 và trực thăng trên tàu - Ảnh: Hải quân Nga

8. Con tàu sống sót kỳ diệu

Nếu tàu Đô đốc Kuznetsov ở lại Ukraine, nó có thể đã phải chịu số phận bán sắt vụn như các tàu tuần dương - sân bay chị em của nó thuộc Dự án 1143. Chẳng hạn tàu tuần dương Kiev giờ là bảo tàng và khách sạn nổi ở Trung Quốc, còn tàu Ulyanovsk bị tháo dỡ các bộ phận. Tàu Novorossiysk và Minsk được bán cho Hàn Quốc làm phế liệu, nhưng chiếc Minsk sau này được bán lại cho Trung Quốc và trở thành một bảo tàng.

Ukraine cũng bán tàu sân bay Varyag cho Trung Quốc, ban đầu nước này dự kiếm mua về biến nó thành một sòng bạc nổi. Tuy nhiên Trung Quốc đã quyết định tân trang sửa chữa và biến thành tàu sân bay Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

Clip 25 năm tàu sân bay Nga và 9 điều lý thú ảnh 4

Tiêm kích MiG-29K sẽ dần thay thế Su-33 trang bị cho tàu Kuznetsov

9. Tàu sân bay chưa thể thay thế

Năm 2015, quân đội Nga thông báo rằng sẽ mất ít nhất 5 năm trước khi quyết định đóng tàu sân bay thứ hai. Tuy nhiên, chương trình vũ khí của Nga đến năm 2020 không đề cập việc đóng tàu sân bay mới. Vì vậy tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vẫn tiếp tục là tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga trong tương lai gần.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được đóng năm 1982 tại một nhà máy ở Ukraine, hạ thủy năm 1985. Từ đầu năm 1991 tàu thuộc về Hạm đội Phương Bắc. Tàu dài 303 m, ngang rộng nhất 72 m, lượng choán nước hơn 60.000 tấn, tầm hoạt động hơn 12.000 km. Boong tàu rộng 14.700 m2, với đường cất cánh hếch lên 1 góc 12 độ.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov vừa được sửa chữa xong hồi tháng 8.2016 và đang tập luyện ở vùng biển phía Bắc nước Nga. Vũ khí chính của tàu là 14 máy bay tiêm kích Su-33 và 10 MiG-29K cùng 2 MiG -29KUB, ngoài ra còn có 8 chiếc máy bay huấn luyện Su-25UTG.

Ngoài máy bay, tàu còn trang bị hệ thống tên lửa phòng không và các vũ khí phòng thủ khác.

Xem hoạt động cất và hạ cánh trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov:

Theo Thanh Niên