Phương Tây "dìm hàng" sức mạnh Nga

Quân đội Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin gần đây đã có những màn trình diễn ấn tượng tại đông Ukraine, Crimea và hiện nay là chiến trường Syria. Nga cũng đang tập trung phóng chiếu quyền lực tại châu Á-Thái Bình Dương và Bắc Cực.
Phi công Nga thực thi nhiệm vụ tại chiến trường Syria
Phi công Nga thực thi nhiệm vụ tại chiến trường Syria

Quân đội Nga đang được xây dựng lại và có kế hoạch trang bị các xe tăng, tàu sân bay và tàu ngầm mới. Phải chăng Gấu Nga đã trở lại? Bao nhiêu đàm luận về sự trỗi dậy của quân đội Nga chỉ là đàm luận và bao nhiêu là thực tế? Nhà phân tích an ninh Kyle Mizokami cho rằng không nên thổi phồng sức mạnh quân sự Nga.

Theo ông Mizokami phân tích trên The Week, Nga là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ 4 thế giới với 54 tỷ USD cho năm 2015. Chi tiêu quân sự của Nga có xu hướng tăng sau hàng thập kỷ thiếu thốn ngân sách sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và nền kinh tế ốm yếu.

Phần lớn trang bị vũ khí Nga thuộc về thời kỳ này. Hầu hết tất cả các xe tăng của lục quân Nga và xe bọc thép được sản xuất từ những năm 1980. Tàu sân bay duy nhất của Nga, Đô đốc Kuznetsov biên chế vào năm 1990. Cả ba loại máy bay ném bom chiến lược mới đây tham gia chiến dịch quân sự tại Syria đều được chế tạo từ thời Liên xô và Nga chỉ là người thừa kế.

Vào năm 2010, chính phủ Nga thông báo một chương trình đầy tham vọng nhằm thay thế 70% trang bị thời Chiến tranh lạnh bằng các loại vũ khí mới vào năm 2020. Chương trình mua sắm này sẽ ngốn ít nhất 700 tỷ USD, bao gồm một thế hệ xe tăng chiến đấu mới, một lớp tàu sân bay mới và thế hệ máy bay ném bom hạng nặng mới.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc khủng hoảng Ukraine và sáp nhập Crimea, cũng như giá dầu lao dốc đã nhanh chóng tác động nặng nề tới kinh tế. Nền kinh tế Nga lâm vào cảnh suy thoái với GDP tụt dốc 4% trong vòng 12 tháng qua.

Kinh tế tuột dốc đã ảnh hưởng tới chi tiêu quân sự. Trong năm 2015, ngân sách quốc phòng Nga tăng 33%. Tuy nhiên, trước khi hết năm, một số khoản chi đã phải co lại và mức tăng chi quốc phòng giảm xuống còn 25%. Chưa thể dự báo khi nào các vấn đề kinh tế của Nga sẽ kết thúc và có lẽ ngân sách quốc phòng năm 2016 sẽ bị cắt giảm.

Không cần thiết phải nói rằng tham vọng của Nga dành 600 tỷ USD để trang bị vũ khí sẽ có kết cục như Julius Caesar (chính khách và tướng  lĩnh nổi tiếng thời La Mã), theo ông Mizokami.

Trong khi đó, các dự án quân sự của Nga đang vật lộn để đáp ứng chiến tranh thế kỷ 21 cũng đang gặp khó khăn. Dự án chế tạo máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 PAK-FA được thiết kế để cạnh tranh với chiến đấu cơ F-22 của Mỹ bị sa lầy trong các vấn đề kỹ thuật. Và kế hoạch mua sắm phi đội chiến đấu ban đầu của Nga hiện chỉ còn một phần mười. Nga hứa hẹn sẽ chế tạo hàng không mẫu hạm mới và một thế hệ máy bay ném bom hạng nặng mới cũng vẫn là những lời hứa.

Siêu tăng Armata của quân đội Nga
Siêu tăng Armata của quân đội Nga

Các lệnh trừng phạt cũng sẽ ảnh hưởng tới sản xuất quốc phòng. Nga không tự chế tạo được một số lớn các thiết bị công nghệ cao và phụ thuộc vào các nhà cung cấp quốc tế - khi xưởng đóng tàu Sevmash tân trang một tàu sân bay cho Ấn Độ, một lượng lớn trang thiết bị có nguồn gốc phương Tây và Nhật Bản. Nguồn cung dạng này nay sẽ không tiếp tục nữa.

Bị tác động bởi các lệnh trừng phạt, sản phẩm quốc phòng Nga sẽ bị tổn hại do thiếu ngành công nghiệp công nghệ cao. Chẳng hạn, các chiến đấu cơ hiện đại và xe tăng Armata cần sử dụng các màn hình LCD để truyền đạt thông tin cho kíp lái. Tuy nhiên, không như Hàn Quốc, Nga không có ngành công nghiệp sản xuất màn hình LCD.

Cuối cùng, quan trọng là phải hiểu sức mạnh quân sự Nga liên quan với phần còn lại của thế giới. Ngân sách quốc phòng Nga chỉ bằng 1/10 của Mỹ và kém ¼ so với ước tính chi tiêu quân sự của Trung Quốc. Nga chỉ có duy nhất tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov so với 10 cụm tác chiến tàu sân bay của Mỹ.

Một điểm sáng với Nga đó là bộ ba răn đe hạt nhân. Vũ khí hạt nhân chỉ bảo vệ đất nước trước những đe dọa hiện tồn như một cuộc xâm lược hoặc tấn công bằng hạt nhân, nhưng lại vô dụng trong bối cảnh rộng lớn của các cuộc xung đột trong hình thức chiến tranh hiện đại ngày nay.

Theo ông Mizokami, quân đội Nga là một quân đội mạnh nhưng không phải là một siêu cường và có thể Nga sẽ không bao giờ lấy lại được vị thế này. Và quan trọng hơn là hiện người ta đã chứng tỏ rằng trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, những nước như Liên bang Nga có thể được kiềm chế bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế-tài chính để các nước khác chứng kiến và rút ra bài học.

Thục Ninh