“Tôi nghĩ nội dung bên trong là một tin đồn," cô chia sẻ với tờ Washington Post trong ngày Chủ Nhật tuần trước. "Phản ứng của tôi là chuyện này không thể có thật. ”
Bức thư đề địa chỉ trả về nếu không có người nhận là Tổ chức Trump. Bên trong có 3 trang photo chứa thông tin chấn động: chúng là các hồ sơ hoàn thuế của ông Donald Trump, được đệ trình hồi năm 1995.
Sự khởi đầu có vẻ "công nghệ thấp" này đã châm ngòi cho một trong những câu chuyện gây chấn động bậc nhất tại mùa bầu cử Mỹ 2016.
Cuối ngày thứ Bảy tuần trước (1/10), tờ Times hé lộ rằng ông Trump đã khai báo thua lỗ 916 triệu USD riêng trong năm 1995. Khoản lỗ này khiến Trump không phải nộp bất kỳ khoản thuế nào trong năm đó, đồng thời giúp ông tránh đóng thuế trong 18 năm sau.
Bài viết rất đặc biệt, giúp lấp đầy một bí ẩn đã tồn tại lâu nay xung quanh các khoản thuế của Trump.
Sau khi tham gia tranh cử, Trump từ chối tiết lộ các hồ sơ hoàn thuế gần đây nhất của mình, khiến đối thủ Hillary Clinton tuyên bố ông đang che giấu thông tin có thể gây hại cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Nhưng bản thân bài viết của Times cũng là một sự kiện hiếm hoi. Đó là một quả bom tấn dựa trên một nguồn tin lạ, với danh tính người cung cấp chưa được xác định.
Ngay cả tờ Times cũng không biết ai đã gửi cho họ lá thư chấn động. Cần biết rằng dù các phóng viên Mỹ vẫn thường nêu nguồn tin vô danh khi trích dẫn thông tin nhạy cảm, họ luôn biết rõ ai đã cấp tin cho mình.
Tuy nhiên trong vụ tiết lộ hồ sơ hoàn thuế của ông Trump, chuyện lại diễn ra hoàn toàn khác biệt.
Và điều thú vị là trong 4 nhà báo tham gia sản xuất bài viết, ngoài Craig còn có David Barstow, một phóng viên điều tra đã giành tới 3 giải Pulitzer danh giá.
Trong khi Craig từ chối thảo luận với tờ Post về việc có biết ai đã gửi các hồ sơ hoàn thuế về ông Trump hay không, Phó Tổng biên tập Matt Purdy lại khẳng định một cách chắc chắn: "Chúng tôi không biết danh tính của nguồn tin."
Tuy nhiên theo Tổng biên tập tờ Times, ông Dean Baquet, nguồn tin là ai dường như chỉ là câu hỏi dễ nhất đằng sau các tài liệu mà Craig nhận được trong ngày 23/9.
Thách thức chủ chốt nằm ở việc kiểm tra xem 3 trang tài liệu có phải là thật hay không và thấu hiểu chiến lược thuế của ông Trump vào thời điểm 1995. Ông đánh giá các tài liệu trông khá "thật," nhưng vẫn nghi ngờ nó.
Trong bài viết về sự việc, Times mô tả 3 trang tài liệu này là những trang đầu thuộc về 3 hồ sơ hoàn thuế khác nhau: một hồ sơ hoàn thuế thu nhập dành cho cư dân bang New York, một hồ sơ hoàn thuế cho người không thường trú ở bang New Jersey và một hồ sơ hoàn thuế cho người không thường trú ở Connecticut.
Một trong các trang này có ghi số tiền lên tới 9 con số mà Trump nói là khoản lỗ của ông. Trong đó, 2 số đầu tiên (9 và 1) được gõ với bộ font khác hoàn toàn các số còn lại, theo lời phóng viên Megan Twohey.
Điều này làm dấy lên khả năng các tài liệu hoàn thuế là giả. Để xác minh, ngoài việc tham khảo các thông tin đã được công bố, như số an sinh xã hội của ông Trump, tờ Times còn thuê vài chuyên gia thuế tới kiểm tra. Họ cho rằng những tài liệu này khớp với các quy định trong luật thuế liên bang ban hành năm 1995.
Nhân tố chủ chốt trong hoạt động xác thực là một kế toán có tên Jack Mitnick, người đã chuẩn bị và ký vào hồ sơ hoàn thuế 1995 của ông Trump. Barstow đã lần ra Mitnick tại Nam Florida và sau "một cuộc uống cà phê ăn bánh ngọt," như Craig kể lại, các phóng viên xác định Mitnick đúng là người chuẩn bị các hồ sơ thuế cho Trump, gồm 3 trang tài liệu mà ai đó đã gửi tới Times.
Mitnick còn giải thích vì sao 2 con số 9 và 1 dùng bộ font khác các số còn lại. Ông nói với Barstow rằng hai số này phải được đóng thủ công vào trong hồ sơ hoàn thuế, bởi có một lỗi trong quá trình truyền dữ liệu khiến chúng liên tục bị xóa mất.
Dựa trên các thông tin của Mitnick và nhiều dữ liệu khác do Barstow, Craig, Twohey cùng phóng viên Russ Beuttner thu thập, Baquet quyết định rằng câu chuyện có đủ sức nặng và căn cứ để xuất bản.
Và điều này đã diễn ra dù luật sư của Trump, ông Marc E. Kasowitz, đánh hơi thấy sự việc nên gửi thư đe dọa kiện Times ra tòa nếu xuất bản các tài liệu thuộc sở hữu của ông Trump khi chưa xin phép.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Post, Baquet không hề hồi tiếc với quyết định của mình. Ông đánh giá chạy đua vào ghế tổng thống Mỹ là hoạt động quan trọng và cử tri cần phải được tiếp cận với các thông tin hoàn thuế bị ông Trump giấu diếm lâu nay.
Về phần mình, Craig vẫn không hiểu vì sao lại được nguồn tin tín nhiệm gửi cho phong bì chứa tài liệu. Rất có thể bởi nguồn tin biết rằng cô có kinh nghiệm đưa tin về Phố Wall do đã có cả thập kỷ làm việc tại tờ Wall Street Journal và tờ Times.
Cũng có thể vì cô đã liên tục khai thác và đưa tin về sự nghiệp kinh doanh của Trump trên tờ Times trong suốt 9 tháng qua, gồm một cuộc điều tra vào Hè này cho thấy các doanh nghiệp của Trump có số nợ lớn gấp đôi thông tin ông đã công bố.
Dù trong tình huống nào, Craig cho biết cô rất hoan nghênh vì phong thư đó đã tới với mình. "Nó nằm ngay trong hòm thư và tôi thì thường xuyên kiểm tra hòm thư của mình," cô chia sẻ với tờ Post. "Bạn chẳng bao giờ có thể biết thứ gì sẽ nằm trong đó".