Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn Quảng Đông phải tạm ngừng hoạt động để sửa chữa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau nhiều lời qua tiếng lại xung quanh việc có hay không sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông nằm gần Hồng Kông; phía Trung Quốc đã thông báo tạm ngừng hoạt động nhà máy để sửa chữa.
Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, Quảng Đông phải tạm ngừng hoạt động để sửa chữa (Ảnh: CVA).
Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, Quảng Đông phải tạm ngừng hoạt động để sửa chữa (Ảnh: CVA).

Theo Chinatimes ngày 1/8, Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc đã ra thông báo cho biết rằng Tổ máy số 1 của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan) Quảng Đông "đã xuất hiện một lượng nhỏ nhiên liệu thiệt hại" trong quá trình vận hành. Qua trao đổi giữa các nhân viên kỹ thuật Pháp và Trung Quốc, Tập đoàn đã quyết định ngừng hoạt động để tìm nguyên nhân gây hỏng nhiên liệu và thay thế thanh nhiên liệu bị hỏng. Thông báo nhấn mạnh rằng lò phản ứng hạt nhân của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn vẫn "an toàn và có thể kiểm soát được".

Hãng tin Anh BBC đưa tin, Tập đoàn Điện tử Pháp (Électricité de France, EDF) – công ty phía Pháp trong liên doanh Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn đã ra tuyên bố cho biết quyết định của Công ty Liên doanh Điện hạt nhân Đài Sơn phù hợp với các quy trình của EDF về quản lý điện hạt nhân ở Pháp.

Vào giữa tháng 6 năm nay, sự an toàn của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn Quảng Đông, nơi được cho là có công suất tổ máy đơn lớn nhất thế giới, đã bị thế giới bên ngoài nghi ngờ về tính an toàn, giới truyền thông Mỹ phanh phui khi hãng cung ứng sản phẩm Framatone thuộc Tập đoàn EDF từng nhờ Bộ Năng lượng Mỹ giúp đỡ, mô tả nhà máy điện hạt nhân này đang đối mặt với "Mối đe dọa rò rỉ phóng xạ sắp xảy ra". Thông tin này đã khiến dân chúng Hồng Kông lo lắng.

Truyền thông cho biết sau khi vụ việc bị phanh phui, phía Nhà máy điện Hạt nhân Đài Sơn đã nhấn mạnh rằng nhà máy và các chỉ số môi trường xung quanh đều bình thường; đồng thời đặt câu hỏi về "tin đồn" và "thổi phồng" của các cơ quan truyền thông phương Tây. Nhưng hai bên thuộc liên doanh Trung – Pháp đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt để điều tra và EDF sau đó đã thừa nhận rằng các khí hiếm được phát hiện bên trong Tổ máy số 1 là krypton và xenon, sự tích tụ của chúng dường như liên quan đến việc một số thanh nhiên liệu có vấn đề, nhưng mức độ tích tụ khí là dưới mức giới hạn tối đa mà chính phủ Trung Quốc cho phép.

Tuyên bố mới nhất của Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc cho biết Tổ máy 1 và 2 của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn kể từ khi đưa vào vận hành đã hoạt động an toàn và ổn định. an toàn hạt nhân và an toàn môi trường được bảo đảm.

Tuy nhiên, tuyên bố của họ cũng thừa nhận rằng "một lượng nhỏ thiệt hại nhiên liệu" đã xảy ra trong quá trình hoạt động của Tổ máy số 1, nhưng cho rằng mức độ thiệt hại nằm trong phạm vi cho phép. Tuy nhiên, Tập đoàn xem xét đến việc Tổ máy số 1 sử dụng công nghệ lò phản ứng thủy áp (European Pressurized Reactor, EPR) đầu tiên trên toàn thế giới đưa vào hoạt động, nên đã quyết định thận trọng “an toàn là trên hết”, ngừng hoạt động Tổ máy 1 để bảo dưỡng, tìm nguyên nhân hư hỏng nhiên liệu và thay thế nhiên liệu bị hỏng.

Đài Sơn là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới sử dụng lò phản ứng ERP. Ba nhà máy khác đang hoặc sẽ áp dụng công nghệ này là Tổ máy số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Flamanville của Pháp, Tổ máy số 3 của Nhà máy điện hạt nhân Olkiluoto của Phần Lan và Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ở Anh do Tổng công ty điện hạt nhân Trung Quốc đầu tư.

Công nghệ ERP được Framatome thiết kế vào giữa những năm 1990, mỗi lò phản ứng dự kiến ​​sẽ có tuổi thọ sử dụng là 60 năm. Nhà máy tuyên bố rằng ưu thế của nó là sử dụng các công nghệ tiên tiến hiệu quả về năng lượng và an toàn, đồng thời tạo ra ít chất thải hơn so với các lò phản ứng kiểu truyền thống.

Nhà máy đã tạm ngừng hoạt động để kiểm tra và thay thế nhiên liệu bị hỏng (Ảnh: Đông Phương).

Nhà máy đã tạm ngừng hoạt động để kiểm tra và thay thế nhiên liệu bị hỏng (Ảnh: Đông Phương).

Hãng tin Anh Reuters ngày 1/8 khi đưa tin về việc Nhà máy Đài Sơn thông báo ngừng hoa để kiểm tra, bảo trì tìm ra nguyên nhân hỏng thanh nhiên liệu và thay thế, đã cho biết thêm:

Hôm Thứ Năm tuần trước (29/7), Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) cho biết nếu sự cố bịt kín thanh nhiên liệu tương tự xảy ra ở Pháp, họ sẽ cho ngừng vận hành lò phản ứng hạt nhân ở Nhà máy điện Đài Sơn liên doanh với đối tác Trung Quốc. Điều này nhằm cho thấy nhà máy nên tạm dừng hoạt động.

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn gồm hai tổ máy điện hạt nhân EPR (Lò phản ứng công nghệ thủy áp tiên tiến của Châu Âu). Tổ máy số 1 được vận hành thương mại hóa vào ngày 13/12/2018 và Tổ máy số 2 được thương mại hóa vào ngày 7/9/2019.

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn là dự án hợp tác quan trọng trong lĩnh vực năng lượng giữa Trung Quốc và Pháp. Vào tháng 6/2021, Đài CNN đưa tin rằng Mỹ đang đánh giá về vụ rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn và nói Trung Quốc đang nâng mức giới hạn giám sát phóng xạ bên ngoài nhà máy điện hạt nhân này để tránh phải đóng cửa nhà máy.

Sau đó, Cục An toàn Hạt nhân quốc gia Trung Quốc ngày 16/6 trả lời, nói qua giám sát thấy mức phóng xạ trong mạch sơ cấp của Tổ máy số 1 có tăng cao, nhưng điều này "hoàn toàn khác với tai nạn rò rỉ phóng xạ", khẳng định tin của CNN là không đúng sự thật và có quan niệm sai trái.

Cổ phiếu A của Tổng công ty Điện hạt nhân Trung Quốc, công ty nắm giữ cổ phần của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn khi đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ Sáu (30/7) có mức 2,54 NDT, đã bị giảm 4,9% trong 1 tháng qua và mất đứt 6,3% trong ba tháng qua; cổ phiếu H ở mức 1,68 đô la Hồng Kông khi đóng cửa giao dịch hôm thứ Sáu, giảm 6,9% trong 1 tháng và sụt mất 10,5% trong ba tháng qua.