Xôn xao vụ công ty Pháp nhờ Mỹ giúp xử lý nguy cơ sự cố rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Truyền thông Mỹ đưa tin công ty Pháp Framatome đã cầu cứu chính phủ Mỹ giúp xử lý sự cố rò rỉ vật liệu phóng xạ sắp xảy ra tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, Quảng Đông. Tuy nhiên Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ.
Toàn cảnh Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, Quảng Đông liên doanh giữa Pháp với Trung Quốc (Ảnh: Guancha).
Toàn cảnh Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, Quảng Đông liên doanh giữa Pháp với Trung Quốc (Ảnh: Guancha).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 14/6, truyền thông Mỹ CNN cùng ngày đưa tin, chính phủ Mỹ đã nhận được báo cáo rằng vật liệu phóng xạ đã bị rò rỉ tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan) ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Framatome, một nhà sản xuất lò phản ứng hạt nhân của Pháp, đối tác cùng vận hành nhà máy điện hạt nhân này đã cảnh báo rằng "các mối đe dọa phóng xạ sắp xảy ra" và cũng đề cập rằng Trung Quốc nhằm che giấu nguy cơ rò rỉ để tránh nhà máy này bị đóng cửa, đã liên tục nâng cao các tiêu chuẩn rò rỉ hạt nhân có thể chấp nhận được.

CNN có được một bức thư cảnh báo do Framatome gửi tới Bộ Năng lượng Mỹ, nhưng nguồn tin chỉ ra rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng nhà máy điện hạt nhân này vẫn chưa đạt đến "mức nguy hiểm". Bức thư đầu tiên của Framatome được gửi tới vào ngày 3/6, yêu cầu Washington cho phép họ chia sẻ hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ để giải quyết vấn đề an toàn khẩn cấp do rò rỉ khí phân hạch hạt nhân của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn. Vào thứ Ba tuần trước (ngày 8/6), Framatome đã gửi thư cho Bộ Năng lượng Mỹ một lần nữa, yêu cầu đẩy nhanh việc phê duyệt hỗ trợ chia sẻ kỹ thuật.

Hội đồng An ninh Quốc gia (United States National Security Council, NSC) của Mỹ trong tuần qua đã tổ chức nhiều cuộc họp về vấn đề này; nhóm của chính phủ Biden đã tham khảo ý kiến ​​của Pháp và các chuyên gia liên quan về tình hình, và cũng đã liên hệ với phía Trung Quốc. Phía Mỹ vẫn chưa hồi đáp về kết quả đánh giá. Các quan chức từ NSC, Bộ Ngoại giao và Bộ Năng lượng Mỹ nhấn mạnh rằng nếu người dân Trung Quốc phải đối mặt với bất kỳ rủi ro nào, Mỹ cần phải tiết lộ tai nạn hạt nhân do bị ràng buộc bởi các điều khoản.

Vị trí của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, nằm gần Hồng Kông (Ảnh: Wiki).

Vị trí của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, nằm gần Hồng Kông (Ảnh: Wiki).

Framatome đã phản hồi sau đó, nói rằng những tư liệu họ có được là nhà máy điện hạt nhân vẫn đang hoạt động an toàn, nhưng họ không muốn trả lời các bức thư liên quan. Mức độ bức xạ gamma môi trường của Hồng Kông trên trang web của Đài thiên văn Hồng Kông hiện không có bất thường. Công ty TNHH liên doanh điện hạt nhân Đài Sơn tối 13/6 đã đưa ra phản hồi trước những lo ngại của giới truyền thông trên trang web chính thức của mình, nói rằng qua theo dõi liên tục dữ liệu môi trường cho thấy nhà máy điện hạt nhân và các chỉ số môi trường xung quanh nó vẫn bình thường; nhấn mạnh nhà máy điện hạt nhân từ khi đưa vào vận hành thương mại đã thực hiện đúng hồ sơ giấy phép vận hành, quy trình kỹ thuật kiểm soát vận hành tổ máy, các chỉ tiêu của hai tổ máy đều đáp ứng các yêu cầu của quy định về an toàn hạt nhân và thông số kỹ thuật nhà máy điện.

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn nằm ở phía tây Hồng Kông, vào ngày 8/4 năm nay, Văn phòng Ủy ban Khẩn cấp Hạt nhân Quảng Đông đã thông báo cho Cục An ninh Hồng Kông về một sự cố liên quan đến hoạt động của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, cho biết trong thời gian vận hành hệ thống xử lý khí thải của Tổ máy số 1, hệ thống quan trắc cho thấy tạm thời có một lượng rất nhỏ khí thể thoát ra nhưng sự cố đã được xử lý kịp thời. Theo kết quả quan trắc phóng xạ của Đài thiên văn Hong Kong, mức độ phóng xạ môi trường ở Hong Kong vẫn ở mức bình thường kể từ khi vụ việc xảy ra.

Thông báo của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn phủ nhận về nguy cơ sự cố (Ảnh: Guancha).

Thông báo của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn phủ nhận về nguy cơ sự cố (Ảnh: Guancha).

Sau khi kiểm tra, xác nhận lượng khí thải ra trong thời gian ngắn chỉ chiếm 0,00044% giới hạn cho phép/năm.Theo bảng phân loại sự cố hạt nhân quốc tế và các quy định về an toàn hạt nhân, sự cố hôm đó được xác định là sai lệch cấp 0, có ý nghĩa quyết định đối với hoạt động an toàn của tổ máy và nhân viên vận hành, không ảnh hưởng đến sức khỏe công chúng xung quanh và môi trường.

Ông Lưu Trai Phong (Liu Zhifeng), Tổng giám đốc tổ chức bảo vệ môi trường “Trái đất xanh” của Hồng Kông cho biết, do Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn nằm ở phía tây Hồng Kông nên cần phải chú ý đến hướng gió gần đây. Ông chỉ ra rằng Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đã thiết lập cơ chế thông báo về các vụ tai nạn hạt nhân, nhưng cho rằng ngay cả khi sự cố rò rỉ không nghiêm trọng, cũng cần được chủ động thông báo cho công chúng để tránh làm dư luận lo lắng. Ông nhấn mạnh rằng chính phủ có trách nhiệm bảo đảm tính mạng và sức khỏe của cư dân và cư dân cũng có quyền được biết tình hình.

Cục An ninh Hồng Kông trả lời rằng chính quyền Hồng Kông và Văn phòng Ủy ban Khẩn cấp Hạt nhân Quảng Đông có quan hệ hợp tác và liên lạc chặt chẽ với nhau, đã thiết lập một cơ chế thông báo cho Nhà máy Điện hạt nhân Quảng Đông. Từ đầu năm đến nay đã nhận được hai thông báo. Đối với các sự cố vận hành xảy ra vào ngày 21/2 và 5/4, cả hai sự cố đều thuộc sai lệch cấp 0, không ảnh hưởng đến hoạt động an toàn của tổ máy, sức khỏe của nhân viên, dân chúng xung quanh và môi trường; chính quyền Hồng Kông sẽ tiếp tục duy trì hợp tác và liên lạc với Văn phòng Quản lý Khẩn cấp Hạt nhân Quảng Đông.

Trang tin Guancha (Người quan sát) chiều 14/6 đăng tin: Vào ngày 13/6, trang web của Công ty TNHH Liên doanh Điện hạt nhân Đài Sơn, Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc đã công bố "Tình hình hoạt động của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn", cho biết gần đây, một số tổ chức và phương tiện truyền thông đã quan tâm và hỏi về tình hình của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn. Tình trạng mới nhất của hai tổ máy của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn như sau:

Hai tổ máy điện hạt nhân EPR (Lò phản ứng nước điều áp tiên tiến theo tiêu chuẩn Châu Âu) đã được xây dựng tại Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn. Tổ máy số 1 vận hành thương mại vào ngày 13/12/2018 và tổ máy số 2 vận hành thương mại vào ngày 7/9/2019.

Tổ máy số 1 đã bước vào chu trình nhiên liệu thứ hai và hiện đang hoạt động hết công suất. Tổ máy số 2 đã hoàn thành đại tu theo kế hoạch và hòa lưới thành công vào ngày 10/6/2021. Đây là lần đại tu đầu tiên của Tổ máy 2 Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn sau khi đưa vào vận hành thương mại. Hiện tại, các dữ liệu môi trường theo dõi liên tục cho thấy các chỉ số môi trường của Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn và môi trường xung quanh đều bình thường.

Trang tin Đông Phương đưa tin về vụ việc này với tiêu đề Nguy cơ rò rỉ phóng xạ với hình ảnh nhà máy và bản đồ đánh dấu vị trí nhà máy Đài Sơn, Ma Cao và Hồng Kông (Ảnh: Đông Phương).

Trang tin Đông Phương đưa tin về vụ việc này với tiêu đề Nguy cơ rò rỉ phóng xạ với hình ảnh nhà máy và bản đồ đánh dấu vị trí nhà máy Đài Sơn, Ma Cao và Hồng Kông (Ảnh: Đông Phương).

Mặc dù phía Trung Quốc đã bác bỏ, nhưng điều bất thường ở đây là, một công ty Pháp đơn phương liên hệ với chính phủ Mỹ nhờ giúp đỡ khi đối tác là công ty quốc doanh Trung Quốc của họ chưa thừa nhận sự tồn tại của vấn đề. Kịch bản này có thể đẩy Mỹ vào một tình huống phức tạp nếu vụ rò rỉ tiếp tục diễn ra hoặc trở nên nghiêm trọng hơn mà không được khắc phục.

Tuy nhiên, mối lo ngại đủ lớn đến mức Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) đã tổ chức nhiều cuộc họp vào tuần trước khi họ theo dõi tình hình, trong đó có hai cuộc họp ở cấp thứ trưởng và một cuộc họp khác ở cấp trợ lý bộ trưởng vào thứ Sáu, do Giám đốc cấp cao về Trung Quốc Laura Rosenberger và Giám đốc cấp cao về Kiểm soát vũ khí Mallory Stewart của NSC dẫn đầu.

Các nguồn tin cho biết chính quyền Joe Biden đã thảo luận về tình hình với chính phủ Pháp và các chuyên gia của họ tại Bộ Năng lượng. Các quan chức Mỹ cho biết Mỹ cũng đã liên hệ với chính phủ Trung Quốc, mặc dù mức độ của cuộc tiếp xúc đó chưa rõ.