NATO sẽ đưa quân đồn trú đến Baltic để đề phòng Nga

NATO dự định sẽ thành lập một lực lượng quân sự mới đồn trú tại khu vực Baltic và có thể triển khai thêm quân tại Ba Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói ngày 2.5.
 Binh sĩ NATO tham gia một cuộc tập trận chung
Binh sĩ NATO tham gia một cuộc tập trận chung

"Đó là một trong những ý tưởng đã được thảo luận", ông Carter nói với các phóng viên bay với ông từ Washington đến Stuttgart - Đức, nơi ông Carter làm chủ một buổi lễ bàn giao chức vụ cấp cao của Bộ Chỉ huy châu Âu thuộc Mỹ.

Theo đó, Tướng Curtis Scaparrotti sẽ trở thành chỉ huy mới của Bộ Chỉ huy châu Âu này, thay thế cho tướng Philip Breedlove, người thường xuyên công khai gọi Nga là một mối đe dọa tiềm tàng cho sự ổn định của châu Âu.

Ông Carter nói các nước NATO đang cân nhắc triển khai một lực lượng lượng mặt đất đặc biệt luân phiên thay đổi gồm khoảng 4 tiểu đoàn, tức khoảng 4.000 quân.

Trước đó hồi tháng 2.2016, Mỹ đã tuyên bố sẽ gửi tới Đông Âu một lữ đoàn thiết giáp, tương đương với 4.200 quân. Việc triển khai bộ binh của NATO và Mỹ là khác nhau, nâng tổng số lính được triển khai đến khu vực Đông Âu, gần biên giới Nga lên tới 8.200 lính.

Ông Carter cho biết, ý tưởng thành lập một đơn vị đặc biệt mới đồn trú tại khu vực Baltic sẽ được các nước NATO thảo luận vào tháng 6 tới. 

Nga đã liên tục cáo buộc Mỹ và NATO đã trở về từ duy thời chiến tranh lạnh khi liên tục nghi ngờ và cạnh tranh quân sự với Nga.

Ông Carter thì nói Nga đã tự chọn để di chuyển theo hướng tự "cô lập" mình với phương Tây. "Vì vậy, chúng tôi không có chọn lựa nào khác ngoài việc chứng minh sự cứng rắn của mình", bằng cách cải thiện sức mạnh quân đội Mỹ tại châu Âu và hợp tác chặt chẽ với các đồng minh NATO, ông khẳng định.

Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói Mỹ sẵn sàng để "mở cửa nếu hành vi của Nga thay đổi" và hợp tác với Nga để đảm bảo lợi ích của cả hai nước, ví dụ như thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trong bài phát biểu trên đường đến Stuttgart, ông Carter gọi những vụ chạm mặt giữa máy bay Nga và máy bay do thám cũng như tàu chiến Mỹ tại khu vực Baltic là "không chuyên nghiệp" và nhận xét có vẻ những vụ việc này ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.

"Hành vi này rất không chuyên nghiệp vì nó tạo ra tình huống nguy hiểm", ông Carter nói.

Theo AP, Một thế giới