Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ cùng những người đồng cấp của các nước châu Á và châu Âu tham dự Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương, tại Singapore ngày 29 - 31/5.
Ông Alexander Neill, chuyên gia cấp cao về an ninh khu vực của Đối thoại Shangri-La, cho hay hải quân Mỹ đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về hoạt động xây dựng ở quần đảo Trường Sa cũng như những nỗ lực cản trở tự do lưu thông của Trung Quốc tại đây.
Tại diễn đàn hôm nay, ông Carter cũng chắc chắn sẽ nhắc lại quan điểm trên và có thể "nói thẳng thắn hơn về những gì Mỹ mong muốn nhằm giảm leo thang hoặc tránh những hành động thù địch".
Bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter tại Đối thoại Shangri-La cũng có thể sẽ đặt ra đường hướng cho mối quan hệ tương lai giữa Washington và Bắc Kinh trong căng thẳng Biển Đông.
"Liệu ông Carter sẽ dùng giọng điệu hòa giải cho mối quan ngại của Mỹ hay cứng rắn và khiêu khích thì chúng tôi không biết", Stars and Stripes dẫn lời ông Neill nói.
Hôm 27/5, ông Carter thẳng thắn lên án Trung Quốc "đi ngược lại những tiêu chuẩn quốc tế" và yêu cầu nước này dừng ngay hoạt động cải tạo các đá, chấm dứt hành vi quân sự hóa tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Ông chủ Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ tiếp tục điều tàu chiến và máy bay quân sự đến Biển Đông, bất chấp cảnh báo của Trung Quốc.
Tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông cũng là chủ đề nóng của Đối thoại Shangri-La năm ngoái. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khi đó và các quan chức khác đã lên án mạnh mẽ những hành động vũ lực và cưỡng chế của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền trên Biển Đông. Còn trung tướng Vương Quán Trung, trưởng đoàn Trung Quốc, tỏ ra bị động, không đưa ra được luận điểm biện minh cho hành động ngang ngược của mình và quay sang chỉ trích giọng điệu của Mỹ, Nhật là "đầy đe dọa."
Tuy nhiên, dường như năm nay Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị kỹ càng hơn để sẵn sàng đối phó với những công kích từ các bên.
"Phái đoàn Trung Quốc năm nay rõ ràng mạnh hơn so với những năm trước cộng lại", ông Neill nhận định. "Đó là một đoàn đại biểu có quyền lực khá cao".
Đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân, sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu 29 thành viên của Trung Quốc.
"Ông Tôn nắm chắc luật biển quốc tế và chiến lược hàng hải dài hạn của Trung Quốc. Ông ta sẽ biện hộ về kế hoạch mở rộng đảo của Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như nhiệm vụ tương lai của hải quân Trung Quốc trên biển với các đối tác nước ngoài", Li Jie, một chuyên gia hải quân người Bắc Kinh nói.
Năm nay, Đối thoại Shangri-La có Bộ trưởng Quốc phòng của 26 nước tham dự như Australia, Nhật Bản, Anh, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia... Trong đó, nhiều Bộ trưởng Quốc phòng lần đầu có mặt ở sự kiện này và có thể đưa ra những tư duy mới mẻ.
Shangri-La 2015 diễn ra trong bối cảnh không gian chiến lược ở châu Á có ba diễn biến quan trọng. Thứ nhất là chính sách tái cân bằng của Mỹ trong khu vực đang tiến triển ổn định. Thứ hai, Nhật Bản và Ấn Độ củng cố vai trò trong an ninh. Yếu tố thứ ba là hầu hết các nước trong khu vực đều gia tăng chi tiêu quân sự.
Thủ tướng Singpore Lý Hiển Long sẽ có bài phát biểu quan trọng tối nay, tại lễ khai mạc diễn đàn thường niên dài ba ngày do Viện Nghiên cứu An ninh Quốc tế (IISS) tổ chức.
"Chính sách chiến lược của các nước lớn và tác động của chúng đối với các nước châu Á-Thái Bình Dương gần như chắc chắn sẽ là chủ đề thảo luận chính tại Đối thoại Shangri-La IISS 2015", tiến sĩ Tim Huxley, giám đốc điều hành tại châu Á của IISS, nhận định.
Theo ông Huxley, kiểm soát xung đột leo thang, giải quyết xung đột hiệu quả hơn, các hình thức hợp tác an ninh và xây dựng liên kết an ninh với các khu vực khác cũng sẽ là chủ đề của các phiên thảo luận.
Những hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông và các động thái nhằm áp đặt "đường 9 đoạn" sẽ một lần nữa được nêu ra tại Shangri-La.
"Lần đầu tiên sẽ có một phiên họp đặc biệt tập trung vào những quan ngại an ninh của các nước nhỏ", ông Huxley cho biết.
Theo: VnExpress