Trung Quốc âm mưu khống chế toàn bộ nam biển Đông

Vừa có chuyến đi thực địa tại Trường Sa trở về, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cập nhật tình hình mới nhất về việc làm của Trung Quốc trên đảo Trường Sa tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 27-5.
Trung Quốc vừa thừa nhận xây dựng sân bay trên đá Chữ Thập ở Trường Sa
Trung Quốc vừa thừa nhận xây dựng sân bay trên đá Chữ Thập ở Trường Sa

Ráo riết “biến đá thành đảo”, xây dựng công trình lớn

“Trung Quốc đang công khai và ráo riết triển khai các hoạt động lấn biển, thi công công trình với quy mô rất lớn ở trên tất cả cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa, đặc biệt là ở năm điểm là Ga Ven, Huy Gơ, Gạc Ma, Châu Viên, Chữ Thập” - ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, trong đó đảo Chữ Thập là lớn nhất, hiện xây dựng khoảng 180 ha, còn Ga Ven 15 ha, Huy Gơ 9,2 ha, Gạc Ma 13,2 ha và Châu Viên khoảng 24 ha. Tất cả các đoàn đi kiểm tra đều phát hiện điều này, khi đến gần ba đảo, ba cấu trúc mà họ xây dựng thành đảo nhân tạo đó là Ga Ven, Huy Gơ và Gạc Ma có những lúc tàu của chúng ta đi gần vào khoảng ba hải lý thấy tàu Trung Quốc hút san hô, cát qua đường ống rất lớn để san lấp trên các hòn đảo đó. Hầu hết ở các điểm đó họ đều tạo các luồng lạch để cho các tàu ra vào. Ở một số đảo như Huy Gơ và Gạc Ma Trung Quốc xây một số công trình cao tầng, cao đến 7-8 tầng. Ngoài ra, ở đó còn có các công trình cao khác như đèn biển, trung tâm điều tiết bay.

“Việc làm của Trung Quốc bất chấp phản ứng của ta và của quốc tế. Đó là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò của nước này, không loại trừ việc nước này khống chế và kiểm soát toàn bộ phía nam của biển Đông. Vừa rồi, Trung Quốc đã ra lệnh cấm đánh bắt cá. Không loại trừ Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không. Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng tuyên bố DOC, đe dọa an ninh trên biển Đông và khu vực” - ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, các nước đã lên tiếng rất mạnh mẽ về vấn đề này. Chúng ta cũng đã nhiều lần tuyên bố lên án hành động này của Trung Quốc, khẳng định lập trường của Việt Nam với quần đảo Trường Sa và các quyền của Việt Nam với các vùng biển thềm lục địa của ta phù hợp với luật pháp quốc tế và công ước của Liên Hiệp Quốc về biển năm 1982. Chúng ta cũng đã mạnh mẽ tuyên bố bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc và nêu các quan điểm về chủ quyền biển, đảo của ta theo công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.


Các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở các bãi đá chiếm của Việt Nam tại Trường Sa nhằm mục đích áp đặt việc thực thi cái gọi là đường lưỡi bò để chiếm trọn biển Đông. Trongảnh: LàĐá Chữ Thậpcủa Việt Nam bị Trung Quốc chiếm và cải tạo đất, xây thành đảo nhân tạo. Ảnh: CSIS/IHS Jane’s

Đá Gạc Ma của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1988. Sau khi cải tạo đất và xây dựng trong năm 2014, đến đầu năm 2015 Gạc Ma đã thành đảo nhân tạo rộng lớn, có cả sân bay trực thăng. Ảnh: CSIS/IHS Jane’s

Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, việc Trung Quốc bồi đắp, xây dựng ở Trường Sa không chỉ xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, mà nó còn ảnh hưởng đến vấn đề hàng hải, hàng không đối với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều nước cũng đã lên tiếng về việc này.

“Tới đây, Chính phủ sẽ báo cáo trước Quốc hội về tình hình biển Đông. Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội mới đây và sau đó nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ phải báo cáo về việc này. Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm cập nhật thông tin báo cáo với Quốc hội. Chắc chắn rằng ở đó chúng ta sẽ được nghe đầy đủ hơn về việc làm của Trung Quốc, đánh giá sự việc này và quan điểm của ta” - ông Nên thông tin.

Ông Nên cho biết Việt Nam cũng đã có nhiều công hàm gửi trực tiếp đến Liên Hiệp Quốc để phản ứng về vấn đề Trung Quốc xây dựng trên nhiều đảo ở Trường Sa. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã nhiều lần tuyên bố về việc này.

“Vừa rồi Chính phủ Việt Nam cùng với các nước liên quan ra một tuyên bố quan ngại sâu sắc về tình hình này. Ngoại giao của các nước G7 cũng đã lên tiếng lo ngại. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc cũng đã ghi nhận và bày tỏ lo ngại. Chúng ta cũng đã làm cho cộng đồng thế giới hiểu và chia sẻ” - ông Nên cho biết.

Theo ông Nên, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ lâu đời, có nhiều mối tương đồng nhưng cũng có một số vấn đề chưa đạt. Quan điểm chung của chúng ta là những gì tương đồng thì tiếp tục phát huy xây dựng. Chúng ta có đầy đủ thiện chí để làm việc này. Còn những gì bất đồng thì chúng ta tiếp tục đấu tranh trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của nhau, chấp hành nghiêm công ước của Liên Hiệp Quốc về biển năm 1982, không làm thay đổi hiện trạng, không làm xấu đi tình hình. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hòa bình.

Theo PLTP