Mua vũ khí Mỹ, phải ký cam kết không sử dụng bừa bãi

Mỹ sửa chính sách để bán máy bay không người lái quân sự và dân sự (gọi chung là UAS) cho đồng minh và các nước thân thiện với Mỹ, nhưng ra điều kiện nước mua vũ khí Mỹ phải ký cam kết không sử dụng bừa bãi.
Máy bay không người lái Predator MQ-1
Máy bay không người lái Predator MQ-1

Điều kiện chính cho quốc gia mua vũ khí Mỹ phải ký cam kết không sử dụng bừa bãi: chỉ được sử dụng trong các chiến dịch quân sự được cộng đồng quốc tế cho phép, như trường hợp tự vệ. 

Và không sử dụng UAS vào việc do thám trái phép và vào việc chống lại dân thường.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 17/2 cho biết: Mỹ sửa chính sách để bán UAS cho đồng minh và các nước thân thiện với Mỹ, nếu các chính phủ này đáp ứng một số điều kiện và hứa không sử dụng trái phép, như vừa nêu trên.

Mỗi thương vụ sẽ được xem xét kỹ, và sẽ có giám sát sự tuân thủ cam kết đã ký hay không.

Bộ Ngoại giao Mỹ khi công bố sự sửa đổi chính sách được chờ đợi từ lâu này cho biết: nó cho phép xuất khẩu UAS quân sự theo những điều kiện nghiêm ngặt, gồm việc mua phải có trong kế hoạch cấp chính phủ.

Các quan chưc Bộ từ chối bình luận, về đề nghị cấp thêm vũ khí cho loại UAS “Thần chết” (Reaper) mà Ý đang sử dụng, hoặc về đề nghị bám một UAS trang bị vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nói các đề nghị này sẽ được xem xét.

Từ lâu, các hãng General Atomics (tư nhân, sản xuất chiếc UAS “Chim săn mồi”), Northrop Grumman Corp và các hãng sản xuất vũ khí khác đã đề nghị Mỹ nới lỏng những quy định nghiêm khắc về xuất khẩu UAS, với lý do:

Israel cùng các nước khác đã qua mặt các công ty Mỹ ở thị trường UAS đang tăng trưởng rất nhanh trên toàn cầu.

Trước đây, việc chuyển giao UAS được quản lý bằng những quy định, vốn nêu rõ các đề nghị mua sẽ bị từ chối,ngoại trừ nơi đề nghị mua “lâm hoàn cảnh bất thường cao”.

Một số UAS trang bị vũ khí có tầm bay 300km và có thể tải 500kg vẫn thuộc diện bị hạn chế này.

Chính phủ Mỹ nói sẽ có những sửa đổi, để bảo đảm UAS quân sự được sử dụng hợp pháp và có tinh thần trách nhiệm.

Chính sách mới cũng là một phần trong chiến lược Mỹ hợp tác với các nước khác, để lập tiêu chuẩn toàn cầu cho việc bán, chuyển giao và sử dụng UAS.

Chính sách mới sẽ cho phép các chính phủ nước ngoài mua phương tiện chống khủng bố.

Mỹ đã sử dụng UAS vào các chiến dịch săn lùng lãnh đạo khủng bố ở Pakistan, Afghanistan, Iraq, Yemen….Chương trình này do Bộ quốc phòng và Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) điều hành song song.

Nhưng UAS cũng gây tranh cãi vì sự phàn nàn rằng dân thường vô tội bị chết oan trong các vụ tấn công vào những mục tiêu khủng bố.

Hiện UAS là một trong những phương tiện hiệu quả nhất trên chiến trường, giúp quân lính “có mắt trên trời”, và UAS là một vũ khí có thể bay liên tục trên những điểm nóng, phóng tên lửa mà không gây nguy hiểm cho người điều khiển.

Trong cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq và Afghanistan, số lần yêu cầu UAS yểm trợ của các chỉ huy quân tăng vọt, Lầu Năm Góc chật vật đáp ứng yêu cầu.

Mỹ cũng gánh nặng trong các chiến dịch quân sự chống IS ở Iraq, Syria, gồm cấp UAS giám sát và thu thập tin tình báo và tấn công các mục tiêu khi cần.

Các quan chức Lầu Năm Góc và không quân Mỹ từ lâu thừa nhận: họ bị ép phải có UAS trong toàn bộ các chiến dịch và vị trí cần đến loại phương tiện này.

Việc cung cấp UAS cho các đồng minh sẽ giảm các gánh nặng trên. Các quan chức không cho biết các nước nào sẽ có thể được nhận UAS, nhưng một số nước tiềm năng là Israel, Ai Cập, thậm chí các nước Đông Âu đang e ngại Nga.