Ghế phóng thoát hiểm của phi công Su-30 hoạt động như thế nào?

Sau khi phóng ra, chiếc ghế phóng (nặng 120 kg) sẽ tự tách khỏi thân phi công và phi công dính chặt với chiếc ghế mềm, chiếc hộp trên đầu chiếc ghế nhẹ này bung dù đưa phi công đáp xuống đất hoặc mặt nước an toàn.

Ghế phóng thoát hiểm giúp phi công thoát ra khi một máy bay Su-35 bị sự cố
Ghế phóng thoát hiểm giúp phi công thoát ra khi một máy bay Su-35 bị sự cố

Sáng ngày 15.6.2016, phi công Nguyễn Hữu Cường đã được tàu đánh cá của Hà Tĩnh tìm thấy trên vùng biển cách đảo Mắt (Nghệ An) khoảng 28 hải lý về hướng đông bắc. Thiếu tá Cường và thượng tá Trần Quang Khải sáng 14.6 khi đang bay huấn luyện trên tiêm kích Su-30MK2 số hiệu 8585 của Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 ở Thanh Hoá thì mất liên lạc trên vùng biển Thanh Hoá - Nghệ An do máy bay bị sự cố, hai phi công phải nhảy dù.

Theo các thông tin, phi công Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của Hà Tĩnh tìm thấy khi trên người mặc áo phao, trong xuồng cao su màu cam và tỉnh táo. Phi công Trần Quang Khải vẫn chưa được tìm thấy đến chiều 15.6.

Áo phao và xuồng cao su chính là các dụng cụ cứu sinh đi kèm loại ghế thoát hiểm do công ty Zvezda (Sao Đỏ) sản xuất, trang bị cho các chiến đấu cơ của Liên Xô và Nga. Với loại Su-30, thì đó là ghế ngồi kiêm ghế thoát hiểm K-36D-3.5 của công ty Zvezda.

Ghế phóng thoát hiểm của phi công Su-30 hoạt động như thế nào? ảnh 1

Bên trái: Phần khung ghế phóng thoát hiểm K-36D 3.5. Bên phải: Ghế thoát hiểm hoàn chỉnh gồm ghế "mềm" phía trên, bên dưới là ghế phóng thoát hiểm - Nguồn: Zvezda

Theo NDTV (Ấn Độ), máy bay Su-30MKI của Ấn Độ do Nga phát triển từ dòng Su-27 và Ấn Độ lắp ráp, có trang bị ghế thoát hiểm của Zvezda. Website của Zvezda cũng cho biết loại ghế thoát hiểm K-36D-3.5E (loại xuất khẩu) được Nga cung cấp cho Không quân Ấn Độ, Việt Nam, Algeria dùng trên máy bay MiG-29, Su-27, Su-30.

Ghế thoát hiểm là hệ thống cuối cùng để cứu mạng phi công khi máy bay gặp trục trặc. Lúc tình huống khẩn cấp, phi công kéo một cần gạt nằm giữa hai chân thì cơ chế tự động kích hoạt: các khớp nối lập tức bung ra ép chặt thân và chân của phi công vào chiếc ghế, thiết bị bảo vệ đầu và ngực được kích hoạt bảo vệ phi công, và chiếc ghế trượt tới trước khỏi thanh ray cố định. Sau đó khối thuốc nổ (hoặc động cơ rocket) dưới ghế sẽ phát nổ, tống cả ghế và người vọt lên, bung vỡ nắp buồng lái, lao lên cao. Toàn bộ sự việc chỉ diễn ra không quá 0,45 giây.

Sau khi phóng ra, chiếc ghế phóng (nặng 120 kg) sẽ tự động tách khỏi thân phi công. Lúc này phi công dính chặt với 1 chiếc ghế mềm, chiếc hộp trên đầu chiếc ghế nhẹ này bung dù đưa phi công đáp xuống đất hoặc mặt nước an toàn. Trong hộp này còn có hệ thống dưỡng khí phục vụ phi công nếu phải dùng ghế thoát ở độ cao hàng km so mặt đất.

Khi đáp xuống đất (hoặc mặt nước), phi công sẽ sử dụng bộ dụng cụ thoát hiểm khẩn cấp ở dưới ghế, chứa tất cả các món cần thiết để sống sót, nặng độ 10 kg.

Bộ dụng cụ này đựng trong một chiếc bao đựng đặc biệt màu cam, và chiếc bao sẽ biến thành 1 chiếc bè hoặc một túi ngủ không thấm nước. Trong bộ dụng cụ có áo phao, ăng ten, gương báo hiệu, súng bắn pháo hiệu, 1 dao phát cây, máy liên lạc vô tuyến, nồi nấu ăn, chai nước uống, đường viên, hộp cứu thương, diêm, cồn khô…

Ghế phóng thoát hiểm của phi công Su-30 hoạt động như thế nào? ảnh 2

Ghế phóng thoát hiểm của phi công Su-30 hoạt động như thế nào? ảnh 3

Chuẩn bị bộ dụng cụ thoát hiểm và sinh tồn dưới ghế thoát hiểm cho máy bay Su-30SM của Nga ở Latakia, Syria - Ảnh: russiadefence.net

Đài RT của Nga hồi cuối năm 2015 đã quay phóng sự về bộ dụng cụ sinh tồn của phi công Nga lái máy bay Su-30SM ở Latakia, Syria. Bộ dụng cụ này đi kèm ghế thoát hiểm loại K-36D-3.5 của Zvezda.

Công ty NPP Zvezda, trụ sở gần Moscow, đã có hơn 60 năm kinh nghiệm sản xuất ghế thoát hiểm cung cấp cho Không quân Liên Xô và Nga. Ghế thoát hiểm của Zvezda còn trang bị cho cả tàu con thoi Buran của Liên Xô, và thiết bị Orlan cho các nhà du hành vũ trụ Nga đi bộ ngoài không gian trên tàu vũ trụ ISS.

Thậm chí Zvezda còn trang bị ghế phóng thoát hiểm cho cả trực thăng, áp dụng với loại Ka-50 của hãng Kamov. Trước khi ghế này phóng ra, hệ thống sẽ khiến các cánh quạt văng khỏi trực thăng rồi ghế mới bay ra.

Ghế phóng thoát hiểm của phi công Su-30 hoạt động như thế nào? ảnh 4

Đồ hoạ hoạt động ghế thoát hiểm trên máy bay Su-27/Su-30 của Nga

Zvezda cho biết loại ghế thoát hiểm của hãng bảo đảm an toàn cho phi công khi đang bay tốc độ từ 0 đến 1.300 - 1.400 km/giờ (thậm chí cả tốc độ Mach 2.5), ở độ cao từ 0 - 20 km.

Loại ghế thoát hiểm dòng K-36 của Zvezda từng chứng tỏ hiệu quả trong vụ tai nạn máy bay MiG-29 của Liên Xô đâm xuống đất ở triển lãm hàng không Paris năm 1989, cứu mạng phi công Anatoly Kvochur dù bay ra ở độ cao thấp. Năm 1993, hai chiếc MiG-29 của Nga đâm nhau tại sự kiện hàng không ở Fairford (Anh), cả hai phi công Nga dùng ghế phóng thoát ra an toàn.

Xem ghế thoát hiểm dành cho tiêm kích tàng hình T-50 PAK FA của Nga (Nguồn: Truyền hình quân đội Nga)

Theo Thanh niên