Chuyến công du Trung Quốc 3 ngày của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kết thúc với một loạt thỏa thuận được ký kết. Làm thế nào thu hút đầu tư của Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ, nhưng đồng thời cũng phải kìm hãm được đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, là hai vấn đề ông Modi cần phải giải quyết được với Bắc Kinh, RFI bình luận.
"Ấn Độ và Trung Quốc : đối thủ truyền kiếp, đối tác bắt buộc" là tiêu đề của Le Monde. Mặc dù cả hai quốc gia này đều là những cường quốc đông dân nhất tại Châu Á, nhưng nền kinh tế của Ấn Độ kém trọng lượng hơn Trung Quốc đến 5 lần.
Cách đâu 27 năm, ông Đặng Tiểu Bình từng nói với ông Rajiv Gandhi, Thủ tướng Ấn lúc bấy giờ "Một thế kỷ 21 Châu Á chỉ có thể xảy ra nếu như Ấn Độ và Trung Quốc hợp lại với nhau". Giờ đây, New Dehli đang nhìn thấy thế kỷ Châu Á đang vuột khỏi tầm tay và tạo thuận lợi cho Trung Quốc.
Do đó, để chống lại các tham vọng của Trung Quốc, ông Modi đề xuất các mối liên minh mới. Đầu tiên hết là chuyến công du Nhật Bản hồi tháng 9/2014, ngầm chỉ trích "chính sách bành trướng" của Trung Quốc.
Tiếp đến tuyên bố chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân chuyến công du Hoa Kỳ hồi tháng Giêng năm nay, nhấn mạnh đến "tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh hàng hải và đảm bảo quyền tự do lưu thông trên biển, nhất là tại Biển Đông".
Bởi lẽ hành động bành trướng của Trung Quốc tại Châu Á đang làm sống lại nỗi sợ hãi từ cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962.
Bắc Kinh hiện đang xâu từng chiếc hạt cho chuỗi dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có nhiều chương trình rất gần với phía mặt biển của Ấn Độ, để hình thành hai con đường tơ lụa, trên biển và trên bộ. Sợ rằng một ngày nào đó sẽ bị xiết chặt bởi "xâu chuỗi ngọc" đó, Ấn Độ liên tục gia tăng đối tác với nhiều đảo quốc trong khu vực Ấn Độ Dương, như Maurice, Seychelles và Sri Lanka hồi tháng Ba năm nay.
Nhưng có lẽ đáng lo nhất là sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan. Chuyến công du chính thức Islamabad của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4 vừa qua đã được New Dehli theo dõi sít sao.
Trung Quốc cam kết đầu tư 46 tỷ đô-la để xây dựng một hành lang kinh tế nối cảng Gwadar và Thiên Tân. Dự án khổng lồ này, đối với Ấn Độ là một sự can dự lớn về mặt hậu cần và an ninh. Không những vậy, Bắc Kinh còn gia tăng hợp tác quân sự và cảnh sát với Islamabad để bảo vệ kiều dân của mình.
Dù sao, mối quan hệ đó cũng có mặt tích cực cho Ấn Độ. Theo quan điểm của Andrew Small, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford: "Các dự án về kinh tế hành lang Trung Quốc - Pakistan và các áp lực của Trung Quốc lên Pakistan có thể sẽ khiến cho quốc gia này giữ một vai trò có chừng mực và thậm chí có tính xây dựng hơn. Do Pakistan trở nên ‘bình thường’ hơn về mặt kinh tế và chính trị, nên quốc gia này cũng trở thành một láng giềng dễ bảo hơn đối với Ấn Độ".
Trở lại với chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh : dù có rất nhiều bất đồng, nhưng Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều lên đến 70 tỷ đô la một năm. Có điều cán cân thương mại lại nghiêng về phía Trung Quốc.
Theo: BizLive