Tại sao chuyển đổi số là cuộc cách mạng về tư duy?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chuyển đổi số chính là tiến trình chúng ta thay đổi tư duy mang tính cách mạng, hình thành nên một năng lực mới – năng lực số, tư duy mới – tư duy số.
Tác giả Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số.
Tác giả Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã phát triển đến một mức độ làm thay đổi mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, từ chính trị, đến kinh tế và cả mỗi cá nhân. Trong một xã hội mới (xã hội số) tràn ngập dữ liệu, thông tin, tri thức, và các hình thức, phương tiện truyền thông ngày càng phát triển, con người ngày càng trở nên dễ mất phương hướng, phụ thuộc và thậm chí bị thao túng bởi công nghệ số và dữ liệu số. Làm thế nào để trang bị năng lực định hướng cho cá nhân, cho tổ chức của mình? Điều này đòi hỏi chúng ta phải có một sự thay đổi mang tính bước ngoặt về tư duy. Chuyển đổi số, do vậy, chính là tiến trình chúng ta thay đổi tư duy mang tính cách mạng (cuộc cách mạng về tư duy) để chuyển đổi cách nghĩ, cách sống, cách làm việc cho phù hợp với môi trường mới một cách chủ động (hình thành nên một năng lực mới – năng lực số, tư duy mới – tư duy số).

Để hình dung ra cuộc cách mạng này, chúng ta cùng tham khảo Hệ định hướng tư duy CSCI Way (*):

1/ Tầm nhìn: Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã đạt đến mức độ mà bất kỳ cá nhân, tổ chức, chính phủ nào cũng không thể tránh khỏi và đặt chúng ta vào một tình thế không thể thay đổi, buộc phải tiếp cận công nghệ - vấn đề giờ chỉ còn là tiếp cận công nghệ nào và như thế nào. Có rất nhiều thứ đúng, hợp lý trong môi trường truyền thống sẽ không còn đúng, không hợp lý trong môi trường mới. Do vậy, cần có một cách nhìn mới hướng tới tương lai,thay vì nhìn tương lai bằng khung nhận thức của quá khứ.

2/ Tri thức: Chúng ta do vậy, cũng đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi căn bản của tiến trình phát triển xã hội, một sự chuyển đổi làm thay đổi mọi thứ khi con người trở nên gắn kết với nhau hơn bao giờ hết, và sự gắn kết chặt chẽ giữa con người-máy móc (H2M – Human to Machine) làm thay đổi hầu hết cuộc sống của chúng ta, từ cuộc sống hàng ngày, đến công việc và cả cách chúng ta định hình và định vị chính mình trong xã hội. Do vậy, cần có những tri thức mới để chúng ta có thể biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu về một thế giới luôn mới mỗi ngày thông qua năng lực học hỏi liên tục và suốt đời.

3/ Cơ chế: Một thách thức lớn mà môi trường mới này đặt ra, đó chính là mọi thứ trở nên gắn kết với nhau hơn bao giờ hết, trở thành những mạng lưới đan xen, chồng lớp lên nhau và gắn kết liên tục. Môi trường mới đã tạo nên một hình thái phức hợp cho mọi tổ chức, xã hội và các tương tác liên cá nhân. Và càng phát triển, trạng thái phức hợp này càng được tăng cường, nếu không nắm được nguyên lý và cơ chế vận hành của các phức hợp, chúng ta sẽ nhanh chóng sa lầy trong các cuộc khủng hoảng cả cục bộ và cơ cấu.

4/ Lợi ích: Mỗi cá nhân, tổ chức, xã hội sẽ chỉ đạt được lợi ích của mình thông qua các hiệu ứng mạng lưới bằng khả năng quản lý hiệu quả các hình thái phức hợp mà mình vừa là một cấu phần (nut) chịu ảnh hưởng vừa là những tác nhân (factor) tác động đến mạng lưới. Những cá nhân, tổ chức không học hỏi và kiến tạo được năng lực quản lý này sẽ trở nên bị quá tải, trì trệ, kém hiệu quả và có thể bị loại trừ khỏi các mạng lưới xã hội.

5/ Định vị: Trong một xã hội mạng lưới, hơn bao giờ hết, bản sắc, năng lực thích ứng và thích nghi hiệu quả trở nên có một giá trị quan trọng và mang tính sống còn cho mọi cá nhân, tổ chức. Không định vị được mình trong mạng lưới thông qua bản sắc, cá nhân hay tổ chức sẽ không thể biết mình cần phải thích ứng và thích nghi như thế nào để tồn tại và phát triển hiệu quả. Do vậy, cá nhân hay tổ chức cần phải học cách định vị được mình trong một xã hội mạng lưới bằng việc kiến tạo nên bản sắc, nhưng không phải như một ngôi sao sáng lẻ loi, mà phải hài hòa với các mạng lưới xã hội.

6/ Văn hóa: Sự chuyển đổi là tất yếu, không thể tránh khỏi, nhưng để chuyển đổi được hành động, phải chuyển đổi được tư duy, và để chuyển đổi tư duy phải bắt đầu từ nền tảng văn hóa. Văn hóa, do vậy, đóng một vai trò căn bản trong tiến trình chuyển đổi.

Thay đổi nền tảng văn hóa là thay đổi những nhận thức về giá trị, thay đổi các hệ thống cũ đã định hình nên cách tư duy và hành động, cùng những hệ quy ước mang tính rào cản, để tiến tới một nền tảng nhận thức giá trị mới, kiến tạo những hệ thống mới và chuyển hóa các quy ước thành những quy ước mới. Cần phải hình thành một văn hóa của sự chuyển đổi để thích ứng với môi trường mới, một văn hóa của sự dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

7/ Giá trị phát triển: Môi trường xã hội mới mà cuộc cách mạng kỹ thuật số tạo ra là một môi trường “không thể quên lãng” cho dù chúng ta có thể, muốn hoặc cố tình quên lãng. Từng dấu vết của mỗi cá nhân hay tổ chức sẽ được ghi dấu lại ngay từ lúc khai sinh, được hệ thống hóa, lưu trữ trong những mạng lưới dữ liệu trên toàn cầu. Và do vậy, càng ngày, những cách thức hành động thiếu tính chiến lược và không nhận thức được tính phức hợp của các mạng lưới xã hội sẽ để lại những hệ quả tiêu cực cho mọi cá nhân, tổ chức. Cần phải học cách tiến triển một cách có chiến lược, bằng cách hội nhập hiệu quả vào một môi trường phức hợp để cải cách căn bản những yếu tố cấu thành xã hội từ các hệ thống thứ bậc, sang các mạng lưới ngang hàng.

8/ Môi trường: Các bên liên quan trở thành một một mạng lưới xã hội phức hợp bao quanh mỗi cá nhân, tổ chức, hình thành nên môi trường mà trong đó, cá nhân, tổ chức vận hành. Nếu không có năng lực hiểu biết sâu rộng về mạng lưới phức hợp này, chúng ta sẽ không có năng lực làm chủ các nguồn lực để vận dụng hiệu quả cho sự vận hành, phát triển và tồn tại của chính mình. Để hình thành năng lực này, cách thức tốt nhất và hiệu quả nhất đó là biết được rõ lấy con người làm trung tâm là gì, để nắm chắc khả năng cộng tác hiệu quả, mà hiểu sâu được cách hài hòa những xung đột lợi ích.

(*) CSCI (Complex of Strategy, Communications and Investment – Phương thức tư duy phức hợp giữa chiến lược, truyền thông và đầu tư) là công cụ để giúp cá nhân, tổ chức định hình nền tảng cho tương lai thông qua việc xác lập Nền tảng căn bản; Cơ chế phát triển; Cách thức phát triển; Các phương tiện giúp triển khai hiệu quả. Bằng việc nhìn tổ chức như một nền tảng với đặc tính phẳng, có thể rã khối và tái liên kết để tạo ra khả năng thích ứng cao, tương ứng với năng lực cạnh tranh động, CSCI có thể được nghiên cứu ứng dụng vào việc xây dựng chiến lược và lộ trình triển khai chuyển đổi số cho tổ chức, doanh nghiệp.

(**) Tác giả Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số.

Bài viết được hình thành dựa trên cảm hứng và gợi ý khi đọc Navigating into the Unknown của Fredmund Malik.

Chương trình“Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia được hình thành nhằm mục tiêu giúp nhận thức đúng đắn về tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ và tìm ra giải pháp cho những vấn đề và thách thức đang được đặt ra cho tiến trình chuyển đổi số, với trọng tâm xác lập định hướng đúng đắn cho tiến trình chuyển đổi số trước hết và cần thiết phải bắt đầu bằng việc kiến tạo các giải pháp hợp lý để chuyển đổi các tổ chức, không phải chỉ là đầu tư các dự án công nghệ thông tin.

Chương trình bao gồm các hoạt động: 3 Diễn đàn Quốc gia về “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia” đến 2025 và tầm nhìn 2030”; 8 Chuyên đề - Hội thảo toàn quốc về các lĩnh vực trọng điểm; Khảo sát, đánh giá, kiến tạo giải pháp và tôn vinh các đơn vị trên toàn quốc; Xuất bản bộ Kỷ yếu về TOP 500 đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu tham gia “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia - Lần thứ nhất”; Diện kiến Lãnh đạo Nhà nước/ Chính phủ/ Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia:Báo cáo về “Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia”; Truyền hình trực tiếp “Lễ Công bố & Tôn vinh Đơn vị, Doanh nghiệp tiêu biểu về “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đối Số Quốc gia - Lần thứ nhất”; Xây dựng hệ sinh thái về Kiến tạo giải pháp, đào tạo nâng cao năng lực & Giải pháp Công nghệ ứng dụng các nền tảng để thực hiện Chuyển đối số thành công.