Mấu chốt của chuyển đổi số chính là xây dựng một nền giáo dục nhân bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Câu chuyện chuyển đổi số và phong trào chuyển đổi số tại Việt Nam đang chậm, giống như những lần trước, khi nền công nghiệp thông tin non trẻ của chúng ta chạy “bở hơi tai” đuổi theo các cơn sóng thần công nghệ.
Tác giả Nguyễn Bá Quỳnh - Phó chủ tịch cấp cao Hitachi Vantara, Tổng Giám đốc Hitachi Vantara Việt Nam

Tác giả Nguyễn Bá Quỳnh - Phó chủ tịch cấp cao Hitachi Vantara, Tổng Giám đốc Hitachi Vantara Việt Nam

Chúng ta hô hào thương mại điện tử vào thời điểm “cuối mùa” khi nền kinh tế toàn cầu sắp “sang trang” để chuyển đổi thành nền kinh tế nền tảng; doanh nghiệp đua nhau đầu tư phần cứng và đua đòi sản xuất máy tính cá nhân khi cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin toàn cầu đang dịch chuyển sang xu hướng điện toán đám mây,… Đó là hai trong vô vàn những ví dụ về sự lỗi nhịp trong việc bắt kịp xu hướng đổi thay của công nghệ đang ngày càng tăng tốc với tốc độ chóng mặt.

Từ năm 2015, IDC – Tập đoàn dữ liệu quốc tế nghiên cứu về thị trường công nghệ hàng đầu thế giới, đã đưa ra báo cáo dự đoán về ba giai đoạn phát triển trong quá trình chuyển đổi số:

Ba chu kỳ phát triển chuyển đổi số

Ba chu kỳ phát triển chuyển đổi số

Theo đó, giai đoạn 1 được ghi dấu bằng chiếc Iphone 3, lần đầu được huyền thoại công nghệ Steve Job giới thiệu vào năm 2007, một thiết bị thông minh đưa cả thế giới vào lòng bàn tay nhỏ bé của con người. Tầm nhìn siêu việt của ông đã làm tăng tốc sự phát triển của điện toán đám mây, công nghệ 3G, 4G rồi 5G cũng như sự chuyển mình của toàn bộ nền kinh tế thế giới và quả thật, đã là một cuộc cách mạng thay đổi ngoạn mục đời sống sinh hoạt của mọi người trên hành tinh chúng ta đang sống.

Giai đoạn 2 tiếp nối tầm nhìn của “quả táo” Apple, nhiều sáng tạo lan tỏa khắp mọi nơi. Thiết bị thông minh & mạng Internet đã đưa tri thức đến những quốc gia nghèo, chậm phát triển, khiến quyền được học, được tiếp cận tri thức trở thành hiện thực với hầu hết mọi người. Sự sáng tạo không còn là đặc quyền của các quốc gia giàu có. Lúc này đây, giống như chiếc đũa thần, sự sáng tạo biến cô bé lọ lem trở thành công chúa, đổi đời những bạn trẻ vùng sâu vùng xa nghèo khó; Dựa trên nền tảng số, những kẻ vô danh đang vụt sáng trở thành ngôi sao Youtuber, Tiktoker, hay chuyên gia bảo mật ngang tầm thế giới.

Giai đoạn ba theo IDC, bắt đầu từ cuối 2022, công nghệ chuyển sang giai đoạn Tự Chủ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tiến gần đến trí tuệ loài người, không chỉ dùng để thay con người cho những công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, AI đã học được phần phức tạp của con người, đó là cảm xúc; và hơn nữa, AI đã học được một phần điều làm con người ưu việt, đó là học cách sáng tạo: ChatGPT có thể làm thơ, có thể tự lập trình, … và một ngày không xa, khi nó được đưa vào CPU của Robot thì con người đã có thể vỗ ngực xưng mình có quyền năng như Thượng đế.

Đứng ở thời điểm hiện tại, có thể nói dự báo của IDC là chính xác đến mức đáng kinh ngạc. IDC thật ra đã làm đúng như những gì các nhà khoa học dữ liệu, AI đã và đang làm: họ thu thập dữ kiện quá khứ và đưa ra mô hình dự báo, suy xét về tương lai.

Quay trở lại câu chuyện chuyển đổi số Việt Nam: sự đau đáu trong tim mỗi con người chúng ta là làm thế nào để Việt Nam được bước vào hàng ngũ các quốc gia phát triển: vì sao người Việt Nam tư duy không đến nỗi tồi, nhưng mãi là quốc gia trong nhóm được gọi tên an ủi: quốc gia đang phát triển, dù cho định hướng chiến lược đúng đắn?

Câu trả lời theo tôi là “tốc độ”: chúng ta định hướng đúng nhưng hơi muộn. Chúng ta nhận thức và khuyến khích những gì hiển nhiên nhưng vào đúng thời điểm những điều hiển nhiên ấy sắp trở thành quá khứ, nhường chỗ cho những điều mới mẻ, lý thú hơn, và vòng lẩn quẩn ấy cứ lặp đi lặp lại hơn 30 năm nay.

Sắp muộn rồi, nhưng rốt cuộc thì chúng ta có nên tiếp tục quá trình chuyển đổi số? Câu trả lời chắn chắn là CÓ. Mọi công nghệ tương lai đều dựa trên những thành quả của công nghệ quá khứ và hiện tại. Chúng ta phải tạo được một nền kinh tế số, một xã hội số, một chính phủ số và quan trọng hơn cả là một nền giáo dục số để tạo ra những công dân số.

Ai đó đã nói một câu nghe hết sức hiển nhiên: Trong chuyển đổi số, yếu tố quan trọng nhất là con người. Ta có thể thay từ chuyển đổi số bằng bất cứ từ ngữ nào thì câu nói ấy đều đúng cả. Nhưng hãy nghĩ xa hơn, sâu hơn: để có một con người văn minh, phát triển, thì cách thức duy nhất đó là xây dựng một nền giáo dục văn minh, phát triển và nhân bản. Đó chính là cốt lõi của chuyển đổi số.

Chương trình“Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia được hình thành nhằm mục tiêu giúp nhận thức đúng đắn về tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ và tìm ra giải pháp cho những vấn đề và thách thức đang được đặt ra cho tiến trình chuyển đổi số, với trọng tâm xác lập định hướng đúng đắn cho tiến trình chuyển đổi số trước hết và cần thiết phải bắt đầu bằng việc kiến tạo các giải pháp hợp lý để chuyển đổi các tổ chức, không phải chỉ là đầu tư các dự án công nghệ thông tin.

Chương trình bao gồm các hoạt động: 3 Diễn đàn Quốc gia về “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia” đến 2025 và tầm nhìn 2030”; 8 Chuyên đề - Hội thảo toàn quốc về các lĩnh vực trọng điểm; Khảo sát, đánh giá, kiến tạo giải pháp và tôn vinh các đơn vị trên toàn quốc; Xuất bản bộ KỶ YẾU về TOP 500đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu tham gia “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc Gia - Lần thứ nhất”; Diện kiến Lãnh đạo Nhà nước/ Chính phủ/ Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia:Báo cáo về “Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia”; Truyền hình trực tiếp “Lễ Công bố & Tôn vinh Đơn vị, Doanh nghiệp tiêu biểu về “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đối Số Quốc Gia - Lần thứ nhất”; Xây dựng hệ sinh thái về Kiến tạo giải pháp, đào tạo nâng cao năng lực & Giải pháp Công nghệ ứng dụng các nền tảng để thực hiện Chuyển đối số thành công.