Putin giành thế thượng phong trong thỏa thuận ngừng bắn Ukraine

Kết quả đạt được từ cuộc đàm phán 4 bên về khủng hoảng Ukraine có thể là chiến thắng của Tổng thống Putin, do các điều kiện dường như có lợi cho phe ly khai và vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng.
Tổng thống Putin trong cuộc đàm phán 4 bên tìm hướng giải quyết khủng hoảng Ukraine hôm 11/2 tại Minsk, Belarus. Ảnh: Reuters
Tổng thống Putin trong cuộc đàm phán 4 bên tìm hướng giải quyết khủng hoảng Ukraine hôm 11/2 tại Minsk, Belarus. Ảnh: Reuters

Dù Tổng thống Nga nổi tiếng với thói quen bắt mọi người chờ đợi, ông Putin hôm 11/2 đến sớm trong cuộc họp đàm phán 4 bên tìm hướng giải quyết khủng hoảng Ukraine tại Belarus. Ông cũng là người đầu tiên ra khỏi phòng khi kết thúc cuộc họp. Trông ông hơi xanh xao và mệt mỏi nhưng về tổng thể, ông có vẻ khá hài lòng. "Đó không phải là đêm tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi", tổng thống Nga nhận xét với một nụ cười khi ông xuất hiện trước camera của các phóng viên. "Nhưng buổi sáng thì tốt", ông nói.

Không giống như đối tác Ukraine trong các cuộc đàm phán, Putin chịu ít rủi ro trong cuộc đàm phán. Các vấn đề trọng tâm trong thỏa thuận ngừng bắn còn khá mơ hồ. Putin cẩn thận nhấn mạnh khi thông báo với truyền thông rằng ông không ký bất kỳ thỏa thuận nào mà việc đó sẽ để cho lãnh đạo phe ly khai ở Ukraine thực hiện. "Ông Putin vẫn nắm lá bài quyết định trong cuộc đàm phán này", cây bút Andrew Higgins của New York Times viết.

thỏa thuận mới rõ ràng có lợi cho phe ly khai thân Nga. Kiev không lấy lại được "toàn quyền kiểm soát" hàng trăm km biên giới với Nga cho đến sau cuộc bầu cử tại vùng Donetsk và Luhansk. Phiến quân sẽ chỉ từ bỏ quyền kiểm soát biên giới nếu Ukraine sửa đổi hiến pháp để cấp thêm nhiều quyền hạn hơn cho phe ly khai, trong đó bao gồm cả quyền thành lập lực lượng cảnh sát riêng và tự do thương mại với Nga. Không chỉ vậy, Kiev còn phải chi trả tiền trợ cấp và phúc lợi xã hội cho miền đông. Những điều kiện này phải được thực hiện trước khi hết năm 2015.

Người dân Ukraine có thể sẽ thấy các điều khoản này đáng xấu hổ và trách cứ Tổng thống Petro Poroshenko, người ngồi đối diện với Putin ở Minsk. Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 6 với hứa hẹn gây dựng hòa bình với Nga, Poroshenko phải đối mặt với chỉ trích từ cả các đồng minh và đối thủ chính trị, cũng như những người biểu tình trên đường phố Kiev vì ông đã để cho phe ly khai kiểm soát quá nhiều khu vực. Để sửa đổi hiến pháp theo yêu cầu nói trên, ông Poroshenko phải có được sự ủng hộ từ quốc hội, điều ông không thể dễ dàng đạt được. Ngoài ra, việc phải thanh toán phúc lợi cho miền đông Ukraine sẽ khiến ông Poroshenko có nguy cơ đối mặt một cuộc nổi dậy. Ông ngồi lên chiếc ghế quyền lực một năm trước đây nhờ một cuộc đảo chính, và lịch sử có thể lặp lại một lần nữa. 

Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite, nước ở vùng Baltic rất lo ngại về tình hình Ukraine cho rằng đây là một thỏa thuận yếu kém. "Không hề đạt được thỏa thuận cụ thể về kiểm soát biên giới và đây là điều yếu nhất", bà nói với các phóng viên tại Brussels trong một cuộc họp hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu. "Đây là một giải pháp chưa đến nơi đến chốn", bà nói thêm. "Chúng ta đã từng không thực hiện được thỏa thuận Minsk lần thứ nhất, hãy chờ xem Minsk lần thứ hai có làm được gì không".

Ông Poroshenk có biểu cảm nghiêm nghị hơn người đồng cấp Nga khi ông trả lời báo chí. Trong phát biểu của mình, tổng thống Ukraine chọn cách nhấn mạnh những tác động trực tiếp nhất của thỏa thuận ngừng bắn. Giao tranh phải ngừng trước nửa đêm 15/2 và vũ khí hạng nặng phải được rút khỏi tiền tuyến. Tất cả tù binh chiến tranh sẽ được thả hoặc trao đổi với bên kia. Tất cả  "nhóm bất hợp pháp" phải giải trừ vũ khíToàn bộ chiến binh và lính đánh thuê nước ngoài phải rời khỏi Ukraine.

Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh này nhóm bất hợp pháp chính xác là gì? Lính đánh thuê và chiến binh nước ngoài là ai? Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc Nga điều động trái phép hàng nghìn binh sĩ để giúp phe ly khai chiến đấu chống lại quân đội Ukraine. Trong khi đó Nga bác bỏ cáo buộc này và tuyên bố rằng quân đội Ukraine trong thực tế là một "quân đoàn nước ngoài" của phương Tây. Vì vậy, khó có thể mong đợi rằng các phe sẽ sớm đạt được đồng thuận về định nghĩa như thế nào là chiến binh nước ngoài hoặc lính đánh thuê trong cuộc xung đột này.

Theo New York Times, đó tiếp tục là lợi thế cho ông Putin. Điều quan trọng với ông là duy trì được cái nhìn từ bên ngoài rằng ông sẵn sàng và có khả năng thỏa hiệp. "Putin khiến mọi người chao đảo, ông ấy đang chơi một ván bài dài", Fiona Hill, cựu quan chức tình báo hàng đầu về Nga của Mỹ nói. "Ông ấy đang đấu trên nhiều mặt trận. Khi chúng ta bắt đầu nói về một phản ứng quân sự, thì ông ấy sẽ bắt đầu nói về biện pháp ngoại giao".

Các bên còn lại được gì

Dù có nhiều bất lợi, ông Poroshenko không ra về tay trắng. Thỏa thuận cho phép Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiến hành viện trợ bổ sung cho Ukraine, thỏa thuận được công bố ngay sau khi cuộc đàm phán kết thúc. "Tôi nghĩ là ai đó đã nói với Ukraine rằng gói viện trợ của IMF có đến tay Ukraine hay không phụ thuộc vào thỏa thuận ngừng bắn Minsk. Không ngừng bắn nghĩa là không có thỏa thuận IMF", Timothy Ash, một nhà kinh tế tại Standard Bank ở London suy đoán. Ukraine sẽ nhận được thêm 17,5 tỷ USD hỗ trợ tài chính từ phương Tây trong 4 năm tới, khoản tiền này sẽ vừa đủ để cứu nền kinh tế.

Các lãnh đạo châu Âu khác liên quan đến cuộc đàm phán không cố gắng che đậy những trở ngại phía trước. Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi thỏa thuận này là một "tia hy vọng", trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Frank-Walter Steinmeier thừa nhận rằng "rõ ràng không có bước đột phá". EU tuyên bố có thể áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Nga nếu thỏa thuận ngừng bắn được thông qua giữa Ukraine và phe ly khai không được tuân thủ. Với thỏa thuận này, các cuộc tranh luận về việc vũ trang cho Ukraine chắc chắn sẽ dịu bớt. Đó tiếp tục là một lý do để Putin có thể nghỉ ngơi thư giãn.

Theo cây bút Lucian Kim của New York Times, Putin không có gì để mất. Nếu chính quyền Obama tiếp tục thúc đẩy phương án vũ trang cho Ukraine, Mỹ sẽ hiện lên là một nước hiếu chiến, không chỉ với người Nga mà còn với nhiều người châu Âu.

Bà Hill, người hiện là giám đốc Trung tâm về Mỹ và châu Âu tại viện Brookings và đồng tác giả cuốn "Putin: hoạt động tại điện Kremlin", dự đoán rằng thỏa thuận ngừng bắn mới sẽ "chỉ mang tính tạm thời như thỏa thuận trước đó", vì ông Putin liên tục thay đổi giữa các lựa chọn ngoại giao và quân sự, tùy thuộc vào phương án ông coi là đem về cho Nga nhiều lợi thế nhất.

Giống như các chuyên gia, người Ukraine chào đón tin tức về thỏa thuận này với sự hoài nghi. "Chúng tôi từng có một lệnh ngừng bắn nhưng nó không được tuân thủ gần như ngay từ đầu, Dmitri Kolesnik, sinh viên 18 tuổi ở Kharkiv, đông nam Ukraine nói. "Vì vậy, làm sao chúng tôi có thể đặt nhiều niềm tin vào thỏa thuận mới được?".

Theo: VnExpress