Nhiều quốc gia khốn đốn vì giá dầu giảm

Giá dầu giảm đang gây ra những hệ lụy không tưởng tượng nổi ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu.
Nhiều quốc gia khốn đốn vì giá dầu giảm

Giá dầu đang tiếp tục đà giảm và được dự báo sẽ giảm thêm do nhiều yếu tố, một trong số đó là thỏa thuận Iran vừa đạt được, giúp đưa dầu thô của Iran ra thị trường. Ở khía cạnh tích cực, giá dầu giảm khiến nhiên liệu rẻ hơn, số tiền mỗi người phải trả cho mỗi bình xăng để đi lại mỗi ngày cũng sẽ ít đi. Ở khía cạnh quốc gia, việc nhiên liệu rẻ hơn khiến chi phí vận tải, chi phí sản xuất cũng ít hơn.

Những tưởng đó là khía cạnh tích cực nhưng không hẳn như vậy bởi không phải nước nào cũng chịu tác động như nhau.

Các quốc gia sản xuất dầu mỏ ngày càng chịu những tác động tiêu cực về việc dầu giảm giá . Điều này đang khiến ngân khố của nhiều quốc gia hao hụt do nguồn thu từ việc bán dầu suy giảm. Có thể lấy ví dụ từ câu chuyện ở Nigieria, quốc gia sản xuất dầu nhiều nhất châu Phi nhưng đang được xếp vào danh sách "nạn nhân" của việc dầu giảm giá. Sống trên bể dầu nhưng nhiều người dân ở đây không có nhiên liệu để chạy xe, nhân viên nhà nước cũng không được nhận lương trong nhiều tháng liền.

Edwin Obina, công nhân xưởng máy ở Lagos, Nigieria, cho biết: “Khi không có dầu trong xe thì động cơ không hoạt động được vì động cơ cần có dầu để hoạt động. Không có dầu thì chẳng làm được gì hết. Nền kinh tế và đồng tiền của chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ”.

“Giờ tôi không còn tiền để lo cho bữa ăn của cả gia đình” – anh Edwin Obina nói tiếp – “Năm ngoái tôi còn có nhiều việc để làm, lúc nào cần tiền là tôi có việc để kiếm được. Nhưng năm nay tôi không thấy có hy vọng gì”.

Đối với anh Obina, mong ước lớn nhất là làm sao nền kinh tế Nigieria có thể vực dậy được sau cơn khủng hoảng do giá dầu giảm, để từ đó có một nguồn thu nhập ổn định cho cuộc sống.

Là quốc gia sản xuất dầu nhiều nhất châu Phi nhưng việc giá dầu trên thị trường thế giới giảm đã để lại những tác động tiêu cực trên nền kinh tế Nigieria. Đồng tiền của nước này đã rớt giá xuống mức thấp kỷ lục và đầu tư từ nước ngoài cũng bị đình trệ, kéo theo đó là tình trạng thiếu nhiên liệu trên khắp đất nước. Và những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những người dân lao động.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng chính phủ Nigieria vẫn chưa có kế hoạch nào rõ ràng để giải quyết tình hình khủng hoảng kinh tế như hiện nay.

“Chính phủ Nigieria cần phải tuyên truyền về những chính sách kinh tế mà họ định tiến hành, nhằm giúp các nhà đầu tư có thể điều chỉnh kế hoạch sao cho phù hợp” – ông Dolapo Oni, chuyên gia phân tích về năng lượng nói – “Để từ đó dòng vốn ngoại hối sẽ lại đổ về Nigieria. Đáng tiếc chính phủ Nigieria hiện vẫn chưa thực hiện được điều đó”.

Không chỉ có Nigieria là "nạn nhân" duy nhất của tình trạng này. Dầu giảm giá và những tác động đến nền kinh tế là câu chuyện thời sự ở nhiều nước hiện nay.

Theo VTV