“Số liệu cho thấy nhu cầu đơn hàng cả trong và ngoài Trung Quốc đều yếu kém, với số lượng doanh nghiệp xuất khẩu mới giảm sút lần đầu tiên trong vòng 3 tháng tính đến tháng 12”, theo báo cáo của tạp chí tài chính Tài Tân (Trung Quốc).
“Hậu quả là các nhà sản xuất Trung Quốc đã phải tiếp tục cắt giảm nhân sự và giảm thiểu hoạt động mua bán”, Tài Tân cho hay.
PMI (Purchasing Managers' Index) là chỉ số tổng hợp dùng để đánh giá khái quát về hoạt động trong ngành sản xuất.
Chỉ số này được hình thành từ các chỉ số phổ biến riêng biệt đo lường sự thay đổi về sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp và lưu kho hàng hóa mua.
PMI dưới 50 điểm cho thấy nền kinh tế, sản xuất nhìn chung giảm sút; trên 50 điểm có nghĩa là phát triển.
Giới phân tích đã gia tăng lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc khi nước này chuyển hướng tập trung từ sản xuất sang dịch vụ. Trung Quốc hiện ngập trong nợ nần, lĩnh vực tín dụng đen bùng nổ, thị trường bất động sản cho thấy có hiện tượng bong bóng và các ngành công nghiệp chủ đạo đang chững lại.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 3 đã giảm xuống mức 6,9% và đây cũng là lần đầu tiên mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nằm dưới 7% tính từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2015 dự kiến sẽ ở mức 6,8%, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra hồi tháng 10. IMF cũng dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu trong năm 2016, vào khoảng 6,3%.
Theo Thanh Niên