Cuộc chiến Nga-Grudia và những điều chưa biết

Chiến tranh Nam Ossetia 2008 là cuộc xung đột giữa một bên là Gruzia và một bên là các khu vực ly khai, Nam Ossetia và Abkhazia, cùng với Nga. Những cuộc chạm súng lẻ tẻ đã bùng nổ thành một cuộc chiến vào sáng ngày 7/8/2008, mở đầu bằng cuộc tấn công của quân đội Gruzia vào khu vực Nam Ossetia.
Cuộc chiến Nga-Grudia và những điều chưa biết

Ngày hôm sau quân đội Nga đã tấn công các đơn vị Gruzia tại Nam Ossetia rồi sau đó tiến sâu vào lãnh thổ Gruzia.

Ngày 15/8/2008. Quân đội Nga đã tuyên bố một kế hoạch rút quân trong vòng 10 ngày ra khỏi các vị trí đóng quân. Vào ngày 26/8, trong khoảng thời gian đình chiến, Nga đã chính thức công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia

Tiếng súng giao tranh giữa Mátxcơva và Tbilixi đã tạm lắng khi ngày 16/8/2008, Tổng thống Nga, Dmitry Medvedev, đặt bút kí vào thoả thuận ngừng bắn do Pháp làm trung gian, vốn đã có sẵn chữ kí của người đồng cấp phía Grudia, Mikhail Saakashvili. Trong khi những cuộc ngoại giao con thoi vẫn đang tiếp tục nhằm vãn hồi hoà bình ở khu vực Caucasus, bình tâm suy xét, người ta thấy cuộc chiến tranh chớp nhoáng giữa Nga và Grudia vừa qua hé lộ rất nhiều điều. Đó không chỉ là một “sai lầm chiến lược” của ông Saakashvili, mà còn là dịp để Mátxcơva phô diễn sức mạnh và làm xuất hiện những nhân tố mới trên bàn cờ Nga-phương Tây.

 Sai lầm chiến lược 

Tbilixi đã tạo ra một sự bất ngờ khi quyết định mở màn một cuộc chiến tranh tổng lực nhằm thu hồi vùng lãnh thổ li khai Nam Ossetia vào ngay đêm trước lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Nhưng chưa đầy ba ngày sau, với sự can thiệp quyết liệt của Nga, quân đội Grudia đã mất đi thế chủ động ban đầu, bị đánh bật khỏi những vị trí đã chiếm được, phải lùi sâu về tuyến sau.

Đau đớn hơn, Tổng thống Mikhail Saakashvili, người muốn biến Tbilixi thành tiền đồn chống Nga ở châu Âu, lật đổ ảnh hưởng của Nga ở khu vực Caucasus bằng một cuộc chiến, lại phải chấp nhận những nguyên tắc xử lý xung đột Grudia-Nam Ossetia do Paris (trong vai trò trung gian hoà giải) và địch thủ – Mátxcơva – đưa ra.

Cuộc chiến Nga-Grudia và những điều chưa biết ảnh 1

Theo đó, quân đội Grudia phải trở lại vị trí trước giao tranh. Đồng thời, Tbilixi cũng bị tước đi biện pháp vũ lực để giải quyết vấn đề Nam Ossetia và Abkhazia. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là việc Mátxcơva đang cho cả thế giới thấy những gì mà Mỹ và EU áp dụng tại Kosovo sẽ được tái hiện ở Nam Ossetia và Abkhazia, kể cả việc tố cáo Grudia thực hiện chính sách thanh lọc sắc tộc, phá hoại thoả thuận hoà bình. Một khi quá trình thảo luận quốc tế về tương lai, cách thức bảo đảm an ninh cho Nam Ossetia và Abkhadia bắt đầu như theo thoả thuận ngừng bắn đã kí, không khó để người ta nhận thấy trong tương lai hai khu vực li khai này sẽ không còn là thực thể trong lòng Grudia nữa. Con đường mà Mátxcơva hướng tới cho Nam Ossetia và Abkhazia: hoặc nhập vào Nga hoặc độc lập đang đi đúng quỹ đạo của nó.

Ngược dòng thời gian, sau khi Kosovo tuyên bố độc lập, Grudia hiểu rằng triển vọng lập lại sự toàn vẹn lãnh thổ của họ càng trở nên mù mịt. Tình thế buộc Tbilixi phải chọn cách hành động mạnh nhằm thu hút sự chú ý của các đồng minh phương Tây. Giới chức Grudia cũng coi mục tiêu xích lại gần hơn với NATO và tương lai gia nhập tổ chức quân sự này là một công cụ cho phép họ đảm bảo an ninh cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ lâu dài. Quan điểm này của Tbilixi được Washington chia sẻ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là trong trường hợp khẩn cấp, phương Tây sẽ hỗ trợ Grudia bằng con đường quân sự. Trong thế giới mạnh vì khí đốt, bạo vì dầu mỏ này, không ai dại gây hấn với thế lực nắm quyền đóng van đường ống dẫn dầu dẫn khí như Nga.

Vừa đánh bại lực lượng đối lập vốn bị chia rẽ bởi các vấn đề nội bộ trong cuộc bầu cử Tổng thống ở Grudia hồi tháng 5, trên đà chiến thắng và với bản tính ưa mạo hiểm như chuyên gia hàng đầu về khu vực Caucasus, Jonathan Wheatley đánh giá, ông Saakashvili đã quyết định dấn thêm một bước trong việc thực hiện mục tiêu lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình: củng cố sự toàn vẹn lãnh thổ của Grudia.

Nhưng theo nhiều nhà phân tích, đó là nước cờ sai lầm. Nó không chỉ làm hàng nghìn người dân ở Nam Ossetia và Grudia thiệt mạng, hàng chục vạn người khác phải ly tán, hàng trăm nghìn căn nhà bị phá hủy và bốc cháy, mà còn khiến đa số người dân ở Nam Ossetia, Abkhazia mất hy vọng vào một sự hoà giải với chính phủ Grudia, làm mục tiêu trên của ông Saakashvili càng trở nên xa vời.

Trong khi đó, bằng cách cắt đứt quyền kiểm soát của Grudia lên các vùng lãnh thổ khác nhau thuộc Nam Ossetia và Abkhazia, Mátxcơva hoàn toàn có thể biến cuộc chiến tranh chớp nhoáng với Tbilixi thành một vết cứa vào giới chức phương Tây như cách họ đã làm với Nga trong cuộc xung đột Kosovo năm 1999. Tuy nhiên, Mátxcơva cũng mắc phải sai lầm khi hành xử mạnh tay với Grudia. Bởi sau khi cuộc chiến tranh nổ ra, Grudia càng quyết tâm gia nhập NATO. Các nước vệ tinh thuộc Liên Xô cũ cũng đẩy nhanh quá trình tìm kiếm sự bảo trợ của Mỹ.

Bằng chứng rõ nét nhất là trường hợp của Ba Lan. Đang “làm giá” với Washington, chiến tranh Nga-Grudia nổ ra, Vácxava nhanh chóng đứng về phía phương Tây và chấp thuận ký, phê chuẩn thoả thuận phòng thủ tên lửa với Mỹ, cho phép Lầu Năm góc đặt 10 tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) của Mỹ trên lãnh thổ của mình. Không chỉ có vậy, Nga còn đứng trước nguy cơ bị ra khỏi G8, đình chỉ tư cách tham gia các cuộc họp chung với NATO và sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại hơn trên lộ trình đến với WTO.

Sau cuộc họp khẩn cấp tại Brúcxen (Bỉ) ngày 19/8, các quốc gia thành viên NATO tuyên bố họ không thể tiếp tục các mối quan hệ bình thường với Nga chừng nào quân đội của Mátxcơva vẫn có mặt tại Grudia. Tổng Thư ký NATO, Jaap de Hoop Scheffer, khẳng định mặc dù chưa có một chương trình hợp tác nào giữa Nga và NATO bị cắt bỏ, nhưng vấn đề này sẽ được đưa ra xem xét. Ông Scheffer cũng cho biết, các nước thành viên NATO đã đồng ý thành lập một ủy ban NATO-Grudia nhằm thắt chặt quan hệ giữa tổ chức quân sự này với Tbilixi.

Tại sao Mỹ không can dự quân sự bênh Grudia? 

Mỹ rất muốn tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực Caucasus để biến khu vực này thành bàn đạp sát sườn chĩa vào Nga. Điều đó giải thích vì sao Washington lại ủng hộ việc thành lập một lực lượng quân sự nước ngoài làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Caucasus. Bản thân tổng thống Grudia Mikhail Saakashvili cũng đã rất hy vọng vào việc Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào cuộc chiến giữa họ với nước láng giềng khổng lồ, Nga, thậm chí còn coi nó là “bước ngoặt” của toàn bộ cuộc xung đột, nhất là trong việc bảo vệ các cảng biển và sân bay của nước này.

Bởi giới chức chóp bu Nhà Trắng đã chẳng úp mở mà rằng Mỹ coi Grudia là bạn, Mỹ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Grudia và Mỹ kiên quyết ủng hộ Grudia gia nhập NATO. Tuy nhiên, từ lời nói đến việc làm là một khoảng cách khá xa. Thực tế đã khiến ông Saakashvili thất vọng. Chính vì thế trong một lần phỏng vấn qua điện thoại gần đây, vị Tổng thống 41 tuổi này đã lên tiếng chỉ trích Mỹ và cho rằng việc Washington không cứu viện Grudia là một hành động vô cùng sai lầm.

Bản đồ chiến sự trong cuộc giao tranh Nga – Grudia.

Đáng lý ra ông Saakashvili phải là người hiểu hơn ai hết lý do mình phải ngậm ngùi nhìn Croatia và Anbani trở thành thành viên NATO. Mỹ đã không khó để nhận ra những lợi ích to lớn từ lời đề nghị tăng cường hợp tác với NATO của Mátxcơva (tất nhiên kèm theo điều kiện tổ chức này không kết nạp thêm Ucraina và Grudia). Đó là việc NATO sẽ tiết kiệm hàng tỉ euro cho một cuộc chiến mà họ đang sa lầy do Nga cho mượn lãnh thổ cũng như vùng trời để vận chuyển vũ khí, trang bị hậu cần sang Ápganixtan.

Không chỉ có vậy, Mátxcơva còn đưa ra dự án vốn có từ thời Nga hoàng là xây dựng đường hầm nối liền Nga với châu Mỹ qua eo biển Bêrinh. Công trình dự tính tiêu tốn 65 tỉ USD nếu được thực hiện thì cái giá chính trị đạt được thật khó đong đếm. Những lợi ích lớn đang gặp nhau và đương nhiên “chuyện nhỏ” Grudia sẽ bị yếu thế. Đấy là chưa kể những hậu quả khủng khiếp đối với cả Mỹ và thế giới nếu xảy ra đối đầu trực tiếp giữa hai quân đội hùng mạnh nhất hành tinh này. 

Tổng thống Grudia Saakashvili (giữa) hoảng hốt được các vệ sĩ đưa đi trú ẩn ở thành phố Gori, khi có tin máy bay Nga chuẩn bị oanh kích ngày 11/8.

Và thế là Washington đã không điều bất cứ một binh sĩ nào của mình đến Grudia. Tuy vậy Mỹ vẫn tố cáo Nga đã làm cho tình hình trở nên ngày càng căng thẳng với những “hành động gây hấn hung hăng và hiếu chiến”. Nhưng ai cũng hiểu ngoài mục đích hạ thấp hình ảnh Nga trên trường quốc tế, Mỹ lớn tiếng chẳng qua vì vai trò siêu cường quân sự duy nhất của họ đang bị thách thức nghiêm trọng khi Mátxcơva sử dụng vũ lực như một cách để giải quyết xung đột giống như Washington. Ấy là chưa tính tới việc chính sách đối ngoại của Mỹ hiện đã trở nên thực dụng hơn nhiều.

Mỹ đang cần Nga trong vấn đề hạt nhân Iran vốn được coi là ưu tiên số một của Washington. Mỹ cũng rất bận rộn với việc chuẩn bị bầu cử tổng thống và chìm trong những khó khăn kinh tế do vỡ nợ tín dụng, lạm phát cao do giá dầu leo thang. Do vậy, Mỹ đã chọn cách tránh đối đầu trực tiếp với Nga trên chiến trường. Mỹ chỉ có thể tuyên bố hỗ trợ Grudia về chính trị và kinh tế mà không dám có những hành động về mặt quân sự, giống như cách họ có thể làm với Ucraina và các nước cộng hòa Bantích vốn đang khao khát hướng về phía Washington.

Cuộc chiến Nga-Grudia và những điều chưa biết ảnh 4

Không can dự quân sự trực tiếp hỗ trợ Grudia trong cuộc chiến với Nga, nhưng với những gì đã và đang làm, Mỹ sẽ vẫn nỗ lực hết sức để bảo vệ chính quyền thân Washington, duy trì vai trò ứng cử viên NATO của Grudia. Để khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Tbilixi, người Mỹ cũng sẽ có mặt nhiều hơn ở Grudia và không loại trừ khả năng đó là những quân nhân mặc thường phục thực hiện sứ mệnh nhân đạo. Có tin Mỹ đã cử 6 cố vấn quân sự, không mang vũ khí, không mặc quân phục đến Grudia trợ giúp việc huấn luyện kỹ năng tác chiến cho các quân nhân nước này. Nếu đúng như vậy, những nhân tố mới đã bắt đầu xuất hiện ở khu vực và nó sẽ khiến tình hình nơi đây đã nóng càng thêm nóng.

Bốn sức mạnh quân sự mới của Nga

Một ngày sau khi quyết định tham chiến, các đơn vị chiến thuật của Nga đã hoàn toàn giải phóng thành phố Tskhinvali (thủ phủ của tỉnh Nam Ossetia) khỏi tay quân đội Grudia. Trong cuộc xung đột với Grudia ở Nam Ossetia, quân đội Nga đã thể hiện một diện mạo mới, khiến người Mỹ phải kinh ngạc. Diện mạo ấy được hình thành từ bốn trụ cột sau:

1. Nhanh chóng thích ứng với một cuộc chiến tranh chớp nhoáng

Một thời gian dài sau khi Liên Xô tan rã, trang bị vũ khí của quân đội Nga xuống cấp nghiêm trọng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lực lượng vũ trang nước này phải nếm trái đắng trong cuộc chiến tranh Chchnya lần thứ nhất (1994-1996), làm 2.837 lính Nga thiệt mạng và 13.270 người bị thương. Trong lần xung đột này với Grudia, Nga đã sử dụng chiến thuật lấy “chiến tranh chớp nhoáng” để đối phó với “chiến tranh chớp nhoáng”. Ngay sau khi quân Grudia đột nhập vào Nam Ossetia, Nga đã nhanh chóng điều động 20.000 lính, 500 xe tăng và một số máy bay chiến đấu như: SU-24, SU-25, SU-27 và TU-22 tham chiến.

Xe tăng Grudia bị phá hủy ở Tskhinvali

Mặc dù đã tập trung nhiều nhất số vệ tinh trinh sát có thể và nhiều máy bay do thám chà đi sát lại khu vực bắc Caucasus, nhưng Mỹ vẫn không phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Nga điều động quân ra tiền tuyến. Do đó, sau khi quân Grudia bị giáng trả, phía Mỹ đã rất ngạc nhiên. Theo Lầu Năm góc, hoặc là trình độ ngụy trang của quân Nga quá cao hoặc là khả điều động lực lượng của Nga đã vượt quá sức tưởng tượng của họ.

Chính vì vậy, trong khi các nước phương Tây còn chưa kịp thống nhất lập trường, xung đột giữa Nga và Grudia đã kết thúc. Cái giá mà quân đội Nga phải trả cũng rất thấp: chỉ có 18 người chết, 52 người bị thương, 14 người mất tích và 4 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 1 chiếc TU-22. Mức độ phản ứng nhanh của quân đội Mátxcơva đã khiến Tbilixi và phương Tây trở tay không kịp, bảo đảm cho Nga có được một chiến thắng với thiệt hại ít nhất.

2. Chú trọng tác chiến hiệp đồng đa quân chủng

Trong cuộc chiến tranh với Grudia, Nga đã huy động 4 quân chủng: hải quân, không quân, lục quân và đổ bộ đường không. Sau khi tập đoàn quân số 58 (lục quân) mở chiến dịch tấn công ở phía đông Grudia, hạm đội Biển Đen cũng đã tới bờ biển Abkhazia. Lực lượng mặt đất của Nga, dưới sự yểm hộ của không quân, cũng đánh chiếm nhiều cứ điểm quân sự quan trọng ở phía tây Grudia, buộc Tbilixi phải căng ra trên hai mặt trận. Trong khi đó, gần như đồng thời, lực lượng đổ bộ đường không của Nga cũng chiếm những điểm trung tâm trên trục cao tốc đông tây của Grudia, cắt Grudia làm hai phần, bao vây cô lập lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Grudia (khoảng 1.500 người).

Rõ ràng, nếu so với cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, khả năng tác chiến hiệp đồng đa quân chủng của Nga đã được nâng lên rất nhiều. Còn nhớ, trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất, do không có sự yểm trợ của bộ binh và không quân, nên đại đa số xe tăng tham chiến của Nga đã bị phiến quân Chechnya bắn cháy. Tương tự, phần lớn bộ binh của Nga cũng bị các phiến quân Chechnya bao vây tiêu diệt. Kết cục, Nga đã không thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến tranh này.

Binh lính và chiến cụ của Nga đang đổ về Nam Ossetia.

3. Đòn tấn công có độ chính xác cao

Trong cả hai cuộc chiến tranh ở Chechnya, quân đội Nga đều mắc phải chung một chứng bệnh là hỏa lực sử dụng thiếu độ chính xác. Điều này không chỉ gây lãng phí về vũ khí trang bị, mà còn khiến nhiều thường dân chết oan, làm Nga mất đi sự ủng hộ của người địa phương và lâm vào thế bị động trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong 8 năm trên đỉnh cao quyền lực, ông Putin rất chú trọng tới việc nghiên cứu, phát triển vũ khí có độ chính xác cao, trang bị cho quân đội cũng như huấn luyện nâng cao khả năng tác chiến chính xác.

Do đó, trong cuộc chiến với Grudia lần này, tuy mục tiêu trọng điểm oanh tạc của máy bay chiến đấu của Nga là cầu, đường, trạm ra đa, sân bay, cảng biển và đều ở nơi tập trung đông dân cư, nhưng số thường dân Grudia bị thương vong bởi hỏa lực của quân đội Nga tương đối thấp (theo phía Grudia là hơn 100 người). Ngược lại, khi tấn công vào Nam Ossetia, quân Grudia đã khiến trên 2.000 người dân ở đây thiệt mạng. 

4. Khả năng tác chiến mạng cao

Trước khi tiếng súng giao tranh ở Nam Ossetia vang lên, các chuyên gia an ninh mạng của Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã phát hiện thấy cuộc chiến tranh qua mạng giữa Nga và Grudia đã bắt đầu từ lâu. Theo tiết lộ của công ty an ninh mạng Lexington, trước và sau ngày 20/7, trang web của chính phủ Grudia đã bị tê liệt trong khoảng 24 giờ do nhận được quá nhiều thư điện tử với nội dung: “Chiến thắng + tình yêu sẽ nằm trong lòng nước Nga”. Không chỉ có vậy, nội dung trên trang thông tin điện tử chính thức này của Tbilixi cũng bị tin tặc thay đổi và ảnh của Tổng thống Saakashvili bị dỡ xuống, thay vào đó là ảnh của trùm phát xít Hitler. Các chuyên gia an ninh mạng của Mỹ cho rằng, hành động tấn công quy mô lớn này có tổ chức và mục đích rõ ràng. 

Sau khi quân đội Nga bắt đầu hành động quân sự chống Grudia toàn diện, toàn bộ mạng internet của Grudia lại bị tấn công, làm hầu hết các trang web của nước này tê liệt. Theo các hãng truyền thông của Grudia, việc hệ thống thông tin và giao thông vận tải của nước này bị tê liệt đã khiến Tbilixi thiệt hại nặng nề, trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng điều tiết chiến tranh. Qua hơn một tuần, các nhà nghiên cứu an ninh mạng quốc gia Mỹ đó có được những bằng chứng ban đầu về việc có một nhóm người núp sau mạng kinh tế Nga (RBN) đã nhúng tay vào vụ này. Grudia buộc tội Nga gây ra những vụ tấn công trên nhưng Mátxcơva đã bác bỏ.

Nga sòng phẳng với Mỹ

Cuộc chiến trên chiến trường giữa Nga và Grudia đã kết thúc sau khi hai bên đặt bút kí vào thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Mátxcơva chỉ có thể được công nhận là người chiến thắng nếu đưa Tbilixi trở lại phạm vi ảnh hưởng của mình.

Ngược lại, trong trường hợp Grudia gia nhập NATO, Nga lại trở thành kẻ đại bại. Khả năng thứ ba là hai bên duy trì trạng thái trước ngày 7/8, người hân hoan, không ai khác ngoài NATO mà cụ thể là Mỹ. Và hòa bình thế giới cũng có cơ hội đội vòng nguyệt quế nếu sau cuộc chiến tranh này, Tbilixi đi theo con đường trung lập.

Một người dân Nam Ossetia trước một khu phố ở thủ phủ Tskhinvali bị tàn phá khi quân đội Grudia tấn công vào đây.

Nhìn dưới góc độ quân sự và ngoại giao, cuộc chiến tại Nam Ossetia đã được ông Saakashvili chuẩn bị rất kỹ, từ việc tập trung lực lượng, tính toán thời điểm tấn công cũng như những biện pháp kêu gọi sự can thiệp của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, kết quả dường như không được như Tbilixi mong muốn. Quân đội nước này đã không hoàn toàn kiểm soát được Nam Ossetia trước khi Nga can thiệp. Phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ và NATO, chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng thất bại trong việc đưa ra một nghị quyết về vấn đề Grudia. Ý đồ quốc tế hóa cuộc xung đột này của Tbilixi vấp phải sự phản đối quyết liệt từ Mátxcơva.

Rõ ràng, cuộc xung đột ở Nam Ossetia không đơn giản là một cuộc tranh chấp dân tộc nhỏ bé mang tính cục bộ. Phương Tây có thói quen làm mọi thứ trong khi người khác không có quyền. Bằng hành động vừa rồi, Nga đã chứng tỏ họ không có ý định tuân theo luật chơi do phương Tây áp đặt. Nga muốn sòng phẳng với Mỹ. Cuộc chiến tranh giữa Nga và Grudia không chỉ làm khu vực Caucasus mất ổn định hơn, mà còn khiến quan hệ vốn đã nhiều căng thẳng giữa Nga, EU và Mỹ thụt lùi hàng chục năm. Đã có một số nhà phân tích đề cập tới sự trở lại của Chiến tranh Lạnh. Nhưng, phải thấy rằng, thế giới đã thay đổi, trở nên đa cực với các cường quốc toàn cầu đang nổi lên như Trung Quốc và Ấn Độ. Sự tái hiện của “bức màn thép” là không thể.

Còn nhớ, sau sự kiện 11/9/2001, Nga đã giúp đỡ Mỹ rất nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng thay vì biết ơn và tìm cách trả ơn, Washington tiếp tục đẩy mạnh kế hoạch mở rộng NATO sang phía Đông, đặt hệ thống phòng thủ tên lửa sát nách Nga, thúc giục các đồng minh châu Âu giúp đỡ và công nhận nền độc lập của Kosovo, tách khỏi Xécbia bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Nga. Nước cờ sai lầm của ông Saakashvili đã đem đến cho Mátxcơva một cơ hội tuyệt vời để sử dụng ngón đòn “dùng gậy ông đập lưng ông”. “Vở kịch Kosovo” đang được dàn dựng tại Nam Ossetia và Abkhazia, chỉ khác đạo diễn giờ đây là Nga chứ không phải Mỹ. 

Ngày 17/2/2008, Kosovo tuyên bố độc lập. Chương cuối trong quá trình tan rã của Liên bang Nam Tư cũ khép lại, nhưng lại là sự mở màn nguy hiểm cho một cuộc vẽ lại bản đồ thế giới của những thế lực lớn với những quốc gia không đủ sức tự vệ và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Nga đã cảnh báo về tiền lệ Kosovo tại Nam Ossetia và Abkhazia. Quả thực, hơn nửa tháng sau cái ngày 17/2 đó, hai vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia và Nam Ossetia thuộc Grudia đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận độc lập của họ.

Ngày 21/8/2008, người dân Nam Ossetia và Abkhazia lại xuống đường ủng hộ đề nghị của lãnh đạo hai khu vực li khai này về việc yêu cầu Nga và cộng đồng quốc tế công nhận nền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia. Sau Kosovo, Nam Ossetia và Abkhazia tiếp tục châm ngòi cho một phản ứng dây chuyền tiêu cực ở nhiều nơi khác. Và thế là bức màn về thời kì mong manh nguy hiểm trong đời sống chính trị thế giới đã được vén lên.

Theo Tin tức