Theo báo New York Times ngày 13-10, giới chuyên gia đánh giá chiến dịch không kích cho thấy khả năng tác chiến ở xa biên giới của quân đội Nga, đồng thời cũng là màn “chào hàng” các loại vũ khí, chiến thuật và chiến lược quân sự mới.
Matxcơva sử dụng một số loại máy bay chiến đấu chưa từng được thử nghiệm trên chiến trường trước đây như chiến đấu cơ Sukhoi Su-34.
Nga cũng gây ngạc nhiên khi phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian qua gần 1.500 km vào Syria. Máy bay Nga tấn công hỗ trợ quân đội Syria trên chiến trường và sắp tới có thể sẽ hỗ trợ chiến dịch của lực lượng Iran ở tỉnh Aleppo.
Các quan chức quân sự Mỹ nhận định sự điều phối đó cho thấy Nga đã chuẩn bị kỹ càng trong nhiều tháng trước khi thực hiện chiến dịch quân sự đầu tiên bên ngoài biên giới Liên Xô cũ kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Từ cuộc chiến Gruzia
Trong báo cáo vừa trình lên Hội đồng Đối ngoại châu Âu, cựu quan chức quân sự Áo Gustav Gressel khẳng định Tổng thống Nga Putin đã thực hiện công cuộc hiện đại hóa quân đội nhanh chóng nhất kể tư thập niên 1930.
“Nga hiện là cường quốc quân sự có thể khiến bất kỳ quốc gia láng giềng nào choáng ngợp nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây” - ông Gressel nhấn mạnh. Hiện máy bay Nga không kích ở Syria với cường độ không kém liên quân chống Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ lãnh đạo.
Chiến trường Syria đang trở thành địa điểm để Nga “khoe” vũ khí và sức mạnh quân sự mới, như chính ông Putin thừa nhận. “Việc các chuyên gia biết Nga sở hữu những vũ khí này là một chuyện, chuyện khác là họ được lần đầu tiên chứng kiến các loại vũ khí này hoạt động, rằng ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi sản xuất ra chúng, rằng chúng có chất lượng cao và chúng tôi có nhân lực trình độ cao để sử dụng chúng” - ông Putin tuyên bố trên truyền hình.
Không giống như các chiến dịch âm thầm ở Crimea và miền đông Ukraine, cuộc không kích tại Syria được Bộ Quốc phòng Nga quảng bá rộng rãi với video và hình ảnh. Đó là cơ hội để các chuyên gia quân sự phương Tây nghiên cứu về lực lượng vũ trang Nga từng xuống cấp trầm trọng vì nạn tham nhũng thời sau khi Liên Xô sụp đổ.
“Chúng tôi tìm hiểu được trong những ngày qua nhiều hơn 10 năm qua” - chuyên gia Micah Zenko thuộc Hội đồng Đối ngoại cho biết.
Giới chuyên gia cho biết sức mạnh hiện nay của quân đội Nga bắt nguồn từ cuộc chiến ngắn ngày tại Gruzia năm 2008. Dù Nga nhanh chóng đánh đẩy quân đội Gruzia ra khỏi vùng li khai Nam Ossetia, bộ binh và không quân Nga thể hiện khá nghèo nàn.
Nga mất ba máy bay tiêm kích và một máy bay ném bom trong ngày giao tranh đầu tiên, và thiệt hại tổng cộng bảy máy bay. Bộ binh Nga phối hợp và liên lạc thiếu hiệu quả, dẫn đến một số tình huống bắn nhầm nhau.
Khi đó, ông Putin trong vai trò thủ tướng bắt đầu chương trình hiện đại hóa quân sự không chỉ bao gồm việc mua vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu, tàu chiến và tên lửa, mà còn tái cơ cấu tổ chức, đào tạo của quân đội. Bất chấp giá dầu giảm và cấm vận của phương Tây, chi tiêu quân sự Nga liên tục tăng lên tới 81 tỷ USD hồi năm ngoái, tương đương 4,2% GDP.
Chiến dịch tốc độ cao
Các chuyên gia đánh giá sự tiến bộ quốc phòng của Nga không chỉ thể hiện ở các loại vũ khí hiện đại, mà còn ở tính chuyên nghiệp và sự sẵn sàng cao.
Nga lập đại bản doanh ở căn cứ không quân gần Latakia tại tây bắc Syria chỉ trong ba tuần, đưa hàng chục máy bay chiến đấu, trực thăng, hàng chục xe tăng và tên lửa phòng không, hệ thống nhà di động đủ chứa 2.000 binh sĩ. Đây là chiến dịch triển khai quân sự quy mô lớn nhất của Nga tới Trung Đông kể từ thập niên 1970.
“Điều gây ấn tượng nhất là họ thực hiện chiến dịch ở khoảng cách xa cực nhanh” - tướng Ben Hodges, tư lệnh lực lượng Mỹ ở châu Âu, cho biết.
Không quân Nga khởi đầu chiến dịch không kích với vài đợt ném bom mỗi ngày rồi tăng nhanh lên 90 đợt một ngày, sử dụng nhiều loại bom định vị và không định vị, bao gồm cả bom xuyên phá boongke. Các nhà phân tích Mỹ cũng cho biết Nga điều đến Syria lực lượng hậu cần dồi dào, cho thấy ý đồ chiến lược lâu dài.
“Nga cho thấy họ đủ khả năng triển khai một lực lượng viễn chinh đáng kể” - chuyên gia Jeff White, cựu chuyên viên Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ, nhận định. Nhà phân tích Michael Kofman thuộc tổ chức CNA Corporation cho rằng hiện Nga đã đuổi kịp năng lực quân sự của Mỹ.
“Không kích ban đêm, dùng máy bay không người lái đánh giá mức độ thiệt hại là bước nhảy vọt của Nga” - ông Kofman nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho biết ngạc nhiên lớn nhất là việc Nga trình diễn công nghệ tên lửa khi bắn hàng chục quả tên lửa hành trình từ biển Caspian vào Syria. Loại tên lửa này mới chỉ được thử nghiệm hồi năm 2012.
Chuyên gia Kofman đánh giá kể cả việc bốn tên lửa Nga rơi xuống Iran là có thật thì đó vẫn là bước tiến công nghệ lớn của Nga, khiến NATO phải lo ngại. “Đó là loại vũ khí mới phi thường” - ông Kofman ca ngợi. Truyền hình Nga cũng khẳng định từ biển Caspian, tên lửa nước này có thể vươn tới vịnh Ba Tư, bán đảo Ả Rập và cả Địa Trung Hải.
“Nga đang tận dụng chiến dịch Syria làm nơi chứng minh năng lực quân sự” - tướng không quân Mỹ David Deptula kết luận.
Một địa điểm ở Syria bị máy bay Nga đánh bom - Ảnh: Reuters |
Theo Tuổi trẻ