Bê bối chấn động Hải quân Mỹ

 Vụ việc một thuỷ thủ Mỹ đổi bí mật quân sự lấy tiền đã cho thấy tính chất đơn giản và táo bạo của thủ đoạn này, dấy lên lo ngại rằng các vụ việc tương tự có thể dễ dàng xảy ra.
Soái hạm USS Blue Ridge. Ảnh:Hải quân Mỹ
Soái hạm USS Blue Ridge. Ảnh:Hải quân Mỹ

Ngày 21/1, trong phiên xét xử tại Toà án liên bang ở San Diego, Daniel Layug trở thành người đầu tiên bị kết án sau cuộc điều tra bê bối chấn động Hải quân Mỹ năm 2013. 

Theo hồ sơ của toà án liên bang, trong khoảng ba năm, thuỷ thủ Daniel Layug đã liên tục tải các tài liệu mật và thông tin nhạy cảm về hoạt động của hải quân nước này tại khu vực châu Á, sau đó trao đổi thông tin cho công ty Glenn Defense Marine Asia (GDMA). Công ty đã cung cấp dịch vụ cảng cho hàng trăm tàu hải quân trong 25 năm hợp tác với Lầu Năm Góc.

Daniel Layug (phải) trong một hoạt động tình nguyện năm 2010. Ảnh:Washington Post

Daniel Layug (phải) trong một hoạt động tình nguyện năm 2010. Ảnh:Washington Post

Năm 2010, Layug được giao nhiệm vụ tại tàu USS Blue Ridge, soái hạm của Hạm đội 7, Hải quân Mỹ tại Nhật Bản. Một năm sau, Layug được chuyển sang Trung tâm Hậu cần của Hạm đội Hải quân Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản, hỗ trợ hậu cần cho các tàu hải quân khắp Thái Bình Dương.

Ở các vị trí trên, Layug dễ dàng tiếp cận hai thứ mà GDMA mong muốn là thông tin tối mật về hoạt động của tàu hải quân và bí mật thương mại về chi phí cạnh tranh để cung cấp dịch vụ cho những tàu này. 

Theo các nhà điều tra liên bang, mua chuộc thủy thủ không quá tốn kém. Ban đầu, GDMA cấp cho Layyg một chiếc điện thoại di động. Khi Layug chứng minh sự hợp tác, các nhà thầu quốc phòng sẽ mua chuộc bằng thiết bị điện tử tiêu dùng như iPad, máy chơi game Wii, điện thoại Blackberry, máy tính xách tay VAIO và một máy ảnh kỹ thuật số Nikon D5200.

Họ còn chuẩn bị khách sạn hạng sang cho Layug và đồng nghiệp trong các chuyến đi đến cảng Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và Indonesia. Từ tháng 5/2012, Layug bắt đầu nhận "trợ cấp" 1.000 USD mỗi tháng từ GDMA, thường bằng phong bì tiền mặt. Đổi lại, Layug đã trao đổi thông tin mật về lịch trình của tàu hải quân ít nhất 5 lần. 

Để thu thập tài liệu, thủy thủ chỉ cần vào phòng an ninh trên tàu USS Blue Ridge, đăng nhập thiết bị đầu cuối máy tính và in các lịch trình. Tất cả tài liệu trong phòng an ninh được in trên giấy màu hồng để nhận biết là đã được phân loại. Layug chỉ cần kẹp một tấm bìa trắng, bước ra khỏi tàu và mang tài liệu về nhà. 

Theo Washington Post, Layug chỉ là một hạ sĩ nhất làm nhiệm vụ tại căn cứ hải quân Mỹ ở Nhật Bản. Do đó, vụ việc của Layug không thu hút sự quan tâm của dư luận như trường hợp các nhân viên cấp cao hơn, những người từng thừa nhận nhận hối lộ dưới hình thức gái mại dâm, các kỳ nghỉ dưỡng, những bữa tiệc xa hoa hay phong bì nhét đầy tiền mặt.

"Anh ta đã đẩy Hải quân Mỹ vào tình huống bối rối, nguy cơ bị lợi dụng, tấn công và tệ hơn thế nữa. Với hành động đó, Layug đã lừa gạt tất cả các thuỷ thủ đã đề bạt anh ta", Mark W. Pletcher, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ viết trong hồ sơ. Tuy nhiên, chứng cứ thu thập được từ vụ Layug cho thấy tính chất đơn giản và táo bạo của thủ đoạn hối lộ, bao gồm cách dễ dàng ăn cắp bí mật và làm thế nào để không bị phát hiện trong nhiều năm.

Layug thừa nhận tội nhận hối lộ và không phủ nhận các bằng chứng của công tố viên. Theo hai luật sư bào chữa Ezekiel Cortez và Joshi Valentine, thân chủ của họ cảm thấy xấu hổ và hối hận vì hành động đã gây ra. Họ lập luận rằng Layug xuất thân từ hoàn cảnh nghèo khó và không vượt qua được cám dỗ. 

Luật sư biện hộ thân chủ của họ nên được hưởng án treo và khẳng định Layug đang hợp tác với các nhà điều tra. Tuy nhiên, các công tố viên đưa ra mức án tù 27 tháng, nhấn mạnh việc Layug trao đổi thông tin quân sự bí mật, bao gồm lịch trình di chuyển của tàu chiến đã được lên kế hoạch trước một năm, gây nguy cơ đe doạ đến an ninh quốc gia.

Ngày 21/1, Layug bị tuyên án 27 tháng tù. 

7 bị cáo khác cũng đã nhận tội và sẽ chịu hình phạt trong thời gian tới. Ngoài ra, một chỉ huy của Hải quân Mỹ, một nhân viên cấp cao của Lầu Năm Góc và một cựu chuyên viên hợp đồng của Hải quân Mỹ hiện sống ở Singapore cũng nhận các cáo buộc tương tự. 

Tháng 1/2015, Leonard Glenn Francis, giám đốc điều hành của GDMA, đã nhận tội và đang hợp tác với các nhà điều tra liên bang. Các công tố viên Mỹ cáo buộc GDMA lừa đảo ít nhất 20 triệu USD. Hoạt động điều tra vẫn chưa kết thúc và họ đang tiếp tục nhắm đến các mục tiêu tình nghi khác.

 Theo Washington Post/Zing.vn