Phải nói ngay rằng, đây là những dự án quốc phòng đáng nể, chưa rõ hiệu quả ra sao nhưng giá thành thì cao ngất ngưởng "ném tiền qua cửa sổ", vừa được tờ Wearethemighty của Mỹ cập nhật.
Rất đa dạng như sản xuất máy bay, xe tăng, hay tàu chiến, ngốn hàng tỷ USD. Năm 2011, chính phủ Mỹ đã chi tới 718 tỷ USD cho quốc phòng, chiếm gần một nửa tổng chi tiêu quân sự trên hành tinh, lớn hơn cả chi phí của 13 quốc gia đứng đầu khác cộng lại (695 tỷ USD).
Trong khi ngân sách được trải đều, thì một số dự án lại được ưu tiên vốn khủng. Ví dụ, dự án sản xuất hệ thống tàu ngầm Virginia, riêng chi phí mua sắm đã lên tới 76,6 tỷ USD hay dự án sản xuất máy bay "chim ưng biển" V-22 Osprey tăng vọt tới 95,2 tỷ USD. Tuy tốn kém, song các dự án này vẫn chưa thấm vào đâu so với 5 siêu dự án dưới đây :
1. Bức tường Đại Tây Dương của Đức quốc xã
Bức tường Đại Tây Dương (Atlantic Wall, hay Atlantikwall tiếng Đức) là tuyến phòng thủ quân sự khổng lồ do Đức quốc xã xây dựng dọc bờ biển Đại Tây Dương phía tây châu Âu giai đoạn 1942 - 1944 thời Thế chiến thứ hai để chống lại quân Đồng minh từ Anh kéo vào chiếm cứ châu Âu.
Bức tường Đại Tây Dương đoạn Longues-sur-Mer ở Pháp
Bức tường do Fritz Todt thiết kế tuyến Siegfried chạy dọc biên giới Pháp - Đức. Hàng ngàn người bị cưỡng bức lao động để xây dựng lô cốt, boong ke và các công trình phòng thủ dọc bờ biển Manche trên đất Hà Lan, Bỉ và Pháp.
Đầu năm 1944, thống chế Đức quốc xã Erwin Rommel được đưa sang tăng cường cho dự án Atlantic Wall, củng cố thêm hàng loạt lô cốt bê tông dọc bờ biển để chứa lính, súng lớn, súng chống tăng....đồng thời đặt mìn và dựng cọc chống tàu chiến ngầm bên ngoài bãi biển.
Mục đích của các cọc này là làm vỡ tàu đổ bộ, không cho quân Đồng minh tràn lên bờ. Vào thời điểm quân Đồng minh đổ bộ vào Normandie hồi tháng 6/1944, quân Đức đã đặt 6 triệu mìn tại miền bắc đất Pháp, nhiều ụ súng pháo dọc các tuyến giao thông từ bờ biển vào đất liền.
Còn ở những bãi đất trống có thể dùng để đáp loại máy bay lượn, Rommel cho dựng những cọc cao và nhọn, gây khó khăn cho không quân Đồng minh. Những dòng sông cạn cũng bị làm ngập lụt để ngăn cản cuộc hành quân của Đồng minh.
Theo xếp hạng của Wearethemighty, dự án Bức tường Đại Tây Dương của Phát xít Đức được xếp đầu bảng, cho dù chi phí chính thức chưa bao giờ được tiết lộ, nhưng riêng phần của Pháp tham dự đã lên tới 200 tỷ USD, có tính đến yếu tố lạm phát.
2. Dự án phòng thủ tên lửa quốc gia
Dự phòng thủ tên lửa quốc gia (National Missile Defense), viết ngắn NMD của Mỹ được xếp vị trí thứ 2, với chi phí hiện tại 300 tỷ USD và còn tiếp tục tăng nữa.
Mục tiêu xây dựng dự án NMD là để bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước sự thâm nhập của tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhất là từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và Iran. Tên lửa có thể bị chặn bằng các tên lửa khác hoặc cũng có thể bằng kỹ thuật lazer, ở gần bệ phóng, trong giai đoạn bay ngoài tầm khí quyển hoặc ở giai đoạn cuối đi vào Trái Đất.
Vai trò của việc phòng thủ chống lại các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân là một chủ đề quân sự và chính trị nóng bỏng trong một vài thập kỷ trở lại đây. Đến nay, Mỹ mới triển khai 30 tên lửa đánh chặn ở Alaska và California.
3. Tàu khu trục tên lửa dẫn hướng DDG-51
Tàu khu trục tên lửa dẫn hướng USS Arleigh Burke (DDG-51) là dự án đắt đỏ thứ ba, riêng chi phí phần mua sắm đã ngốn hết 87,3 tỷ USD.
Tàu khu trục tên lửa dẫn hướng USS Arleigh Burke (DDG-51)
Sở dĩ dự án có mức chi phí khủng là do được trang bị nhiều hệ khí tài hiện đại, nhất là hệ radar phòng không thế hệ mới, phù hợp với tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke.
Tàu khu trục USS Arleigh Burke (DDG-51), được trang bị radar phòng không và phòng thủ tên lửa (AMDR) mới, độ nhạy cao, hiệu quả quét cao gấp 30 lần so với các hệ thống radar được trang bị trên các phiên bản DDG-51 hiện tại. Giúp radar của tàu quét được nhiều mục tiêu, trong phạm vi rộng và chính xác hơn nhiều. Tốt hơn so với radar AN/SPY-1D được trang bị trên các tàu khu trục truyền thống.
Dự kiến, việc chế tạo và lắp đặt các hệ thống AMDR đầu tiên cho các tàu khu trục DDG 51 Flight III sẽ được bắt đầu vào năm 2016 và radar mới sẽ được đưa vào thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trên các tàu khu trục vào trước năm 2023.
4. Dự án hàng không mẫu hạm Gerald R. Ford
Theo Wikipedia, dự án hàng không mẫu hạm Gerald R. Ford (USS Gerald Ford Aircraft Carrier hay CVN-78) là sản phẩm tiên phong thuộc nhóm siêu mẫu hạm của Hải quân Mỹ.
Hàng không mẫu hạm Gerald R. Ford
Tàu được đặt tên theo Tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, Gerald R. Ford, người từng phục vụ hải quân hồi Chiến tranh thế giới thứ II trên hàng không mẫu hạm hạng nhẹ USS Monterey ở chiến trường Thái Bình Dương.
Hàng không mẫu hạm Gerald R. Ford được hạ thủy phần sống thuyền vào ngày 13/9/2009 khi hãng Northrop Grumman tổ chức nghi lễ cắt một tấm sắt 15 tấn sẽ được lắp vào một phần vỏ của chiếc tàu. Tàu được khánh thành và hạ thủy chính thức vào ngày 9 /9/2013. Theo tiến độ, Gerald R. Ford sẽ gia nhập hạm đội Hải Quân Hoa Kỳ vào tháng 3/2016 và thực hiện nhiệm vụ đầu tiên vào năm 2019.
Gerald R. Ford sẽ tham gia hạm đội, thay thế tàu đã dừng hoạt động USS Enterprise (CVN-65), có thâm niên 51 năm trong biên chế tính đến tháng 12/2012. Chi phí đầu tư cho mỗi mẫu hạm Gerald R. Ford giá lên tới 13 tỷ USD.
5. Máy bay tiêm kích tấn công F-35
Máy bay tiêm kích tấn công F-35
Dự án máy bay tiêm kích tấn công F-35 được phát triển dựa trên phiên bản X-35 của Dự án máy bay tiêm kích tấn công kết hợp (JSF). Đây là loại máy bay một chỗ, có khả năng tàng hình, đa năng, đa nhiệm như yểm trợ trên không, ném bom chiến thuật và chiến đấu không đối không.
Dự án được dựa vào năng lực tài chính của Mỹ, Anh và các chính phủ liên minh. Do Lockheed Martin, BAE Systems và Northrop Grumman đồng nghiên cứu thiết kế, chế tạo. Máy bay đã được đưa ra trình diễn năm 2000, mô hình mẫu đã được sản xuất thử và cất cánh lần đầu trung tuần tháng 12/2006.
Dự án hay chương trình F-35 không được như mong muốn, hiện đang gặp nhiều rắc rối, nhất là chi phí cao, nhưng lại không thỏa mãn tiêu chuẩn của quân đội ngay từ khâu thử nghiệm. Vì lý do này, Mỹ chỉ dùng F-35 để xuất khẩu và thử nghiệm chứ chưa có kế hoạch trang bị cho quân đội.
Kế hoạch chế tạo hàng loạt vừa được Bộ quốc phòng Mỹ quyết định giãn tiến độ đến năm 2019. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã ngốn hết 400 tỷ USD, tổng chi phí dự toán có thể tăng lên tới 1,5 nghìn tỷ USD.
Theo Đất Việt