Trong cuộc hội đàm do Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc (KIDA) tổ chức, ông Doraiswami lập luận biển Đông là một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất. Vì vậy, bất cứ động thái nào liên quan tới tuyến đường huyết mạch này cũng phải nhằm mục đích đảm bảo quyền thực thi tự do hàng hải.
Ông Doraiswami nhấn mạnh điều cần thiết bây giờ là các nước trong khu vực tìm ra một giải pháp cho phép cộng đồng quốc tế tiếp tục hưởng lợi từ giao thương qua biển Đông chứ không phải tranh cãi về chủ quyền.
Tuy nhiên, Đại sứ Doraiswami cho biết Ấn Độ đứng trung lập về các tranh chấp ở biển Đông nên “không có thẩm quyền đưa ra phán xét”. Đồng thời, ông cho biết đang chờ phán quyết do Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan đưa ra về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Phát biểu của ông Doraiswami trái ngược với những gì truyền thông Trung Quốc đăng tải trước đó.
Đề cập đến tuyên bố chung sau cuộc họp ngày 18-4 giữa ngoại trưởng các nước Nga, Trung Quốc và Ấn Độ (Hội nghị RIC), Thời báo Hoàn cầu từng loan tin: “Tại một thời điểm nhạy cảm như hiện nay, Ấn Độ đã bày tỏ thái độ tương tự Trung Quốc và Nga, cho thấy họ đã thay đổi quan điểm (về biển Đông)”.
Tờ báo nhắc đến lập trường của New Delhi về căng thẳng leo thang ở biển Đông trong những năm vừa qua, không đứng về phe nào nhưng bây giờ đã tỏ ý “ủng hộ” Bắc Kinh.
Ngay cả Tân Hoa Xã cũng liệt kê hơn 10 nước "ủng hộ Trung Quốc trên biển Đông", bao gồm Nga, Ấn Độ, Pakistan, Ba Lan, Belarus và Brunei.
Nhưng có thể thấy phát biểu của Đại sứ Doraiswami ngày 29-4 không như những gì báo chí Trung Quốc mô tả. Ấn Độ vẫn giữ lập trường trung lập đối với tình hình biển Đông.
Đây không phải là lần đầu Bắc Kinh bị phản ứng trong các tuyên bố về biển Đông. Trước đó, Fiji và Campuchia lần lượt bác bỏ thông tin ủng hộ lập trường của Trung Quốc trên biển Đông và đạt được thỏa thuận mới về vấn đề này.
Càng gần đến thời điểm PCA ra phán quyết, Bắc Kinh càng đẩy mạnh cuộc vận động nhằm kêu gọi sự ủng hộ. Phản ứng phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken về việc Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết của PCA nếu không muốn bị tồn hại danh tiếng và bị cô lập, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gay gắt: "Với khoản nợ công vượt quá 10 ngàn tỉ USD, liệu Washington có được người dân đóng thuế ủng hộ để thúc đẩy cái gọi là chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông hay không?
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (Mỹ), chỉ trích quan điểm chối bỏ phiên toàn của PCA. "Bắc Kinh nghĩ rằng với sức mạnh kinh tế, họ có thể ép láng giềng chấp nhận sự bành trướng của mình trên biển. Thực tế đã chứng minh họ sai lầm" - báo South China Morning Post dẫn lời bà Glaser.
Trung Quốc lên tiếng vụ cấm cửa tàu sân bay Mỹ
Liên quan đến việc Bắc Kinh không cho phép nhóm tàu sân bay Mỹ USS John C. Stennis cập cảng Hồng Kông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 30-4 khẳng định các chuyến thăm của tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ được xem xét trên "cơ sở từng trường hợp theo các nguyên tắc chủ quyền và hoàn cảnh cụ thể".
Động thái của Trung Quốc được xem như là sự không hài lòng trước những hoạt động quân sự của Mỹ ở biển Đông.
Đây là lần từ chối đầu tiên kể từ năm 2007, khi Bắc Kinh không cho phép tàu sân bay USS Kitty Hawk ghé thăm Hồng Kông. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý một tàu Hải quân khác của Mỹ, mang tên USS Blue Ridge - tàu chỉ huy của Hạm đội 7 - hiện có chuyến thăm Hồng Kông.
Trong khi đó, quân đội Trung Quốc tiếp tục có hành động khiêu khích trên biển Đông. Một đơn vị đổ bộ thuộc hạm đội Hải Nam của Trung Quốc thực hiện diễn tập đổ bộ đảo với tàu đệm khí vào sáng 29-4, theo Tân Hoa Xã, nhưng không rõ địa điểm cụ thể.
Theo Yonhap, South China Morning Post, Reuters, NLĐ