Sau các cuộc tuần tra thực thi quyền tự do hàng hải gần đây của Hải quân Mỹ ở Biển Đông vào tháng 11/2015, sự ổn định trên biển ở Đông Nam Á là chủ đề thảo luận nóng trong các giới chiến lược ở châu Á. Việc tàu USS Lassen đi qua khu vực 12 hải lý của Đá Subi ở quần đảo Trường Sa được thực hiện sau khi máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay qua cùng khu vực, dẫn đến những lo ngại về sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bất chấp bình luận cho rằng các cuộc tuần tra trên biển là một sự khiêu khích không cần thiết, nhiều nhà phân tích khu vực coi các cuộc tuần tra là một việc làm thiết yếu – quan trọng để làm nổi bật vấn đề nguyên tắc hàng hải đối với Trung Quốc. Những người đề xuất cho rằng Washington đã đúng trong phạm vi quyền hạn của mình để cảnh báo Bắc Kinh về sự phi pháp của việc nước này cải tạo đảo ở Biển Đông, cũng như để nhấn mạnh tính phi lý của các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của nước này xung quanh các hòn đảo nhân tạo.
Điều không ngạc nhiên là nhiều nước khu vực đi đến ủng hộ quyết định của Mỹ thách thức việc xây dựng đảo của Trung Quốc. Tuy nhiên, mặc dù các mối quan hệ chiến lược được cải thiện rất lớn với Washington, New Delhi đã gây ngạc nhiên cho các nhà quan sát khu vực bởi việc duy trì sự im lặng cố ý. Bài phân tích này xem xét sự hiểu biết của Ấn Độ về những tranh chấp ở Biển Đông và đánh giá những tác động của sự bất ổn định ở khu vực chủ chốt này đối với những lợi ích của Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Quan điểm của Ấn Độ đối với Biển Đông
Việc Ấn Độ miễn cưỡng tán thành một hành động rõ ràng để nhấn mạnh sự tiếp cận với những tài sản chung trên biển dường như là điều kỳ lạ do mới đây nước này đã lên tiếng về sự cần thiết phải đảm bảo quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, thậm chí nêu ra những mối quan ngại nổi bật về tình trạng mất an ninh đang gia tăng trong khu vực. Tuy nhiên, New Delhi vẫn biết đích xác lập trường chính thức của mình rằng không là một bên tham gia những tranh chấp và không ủng hộ các bên tranh chấp. Bất chấp tầm quan trọng về những diễn biến trên biển trong khu vực, bộ máy an ninh của Ấn Độ lo sợ rằng nhận thức về việc từ bỏ sự trung lập của mình có thể được hiểu là sự ủng hộ chiến lược dành cho Mỹ - vẫn còn là nguồn chính của sự kháng cự lại chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng các nhà phân tích Ấn Độ ngờ rằng chiến lược răn đe của nước này có thể gây ra một phản ứng gay gắt từ Bắc Kinh.
Tuy nhiên, không có gì lầm lẫn về cảm giác tức giận ở New Delhi với những thực tế trên biển của Trung Quốc ở Đông Á, việc làm mà nhiều quan chức xem là độc đoán và vô lý. Sự hung hăng mà nhờ đó Trung Quốc tìm cách bảo vệ lãnh thổ của mình ở Biển Đông đã khiến các nhà chiến lược Ấn Độ tin rằng nếu không duy trì áp lực liên tục đối với Trung Quốc, một giải pháp qua đàm phán cho tranh chấp này là không thể đạt được. Không ngạc nhiên khi trong ít nhất trong 3 diễn đàn lấy ASEAN làm trung tâm kể từ các cuộc tuần tra hải quân của Mỹ, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có quyền tự do hàng hải, quyền đi qua và bay qua, và một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Vào tháng 11/2015, Thủ tướng Narenda Modi đã đề cập đến xung đột Biển Đông trong hai sự kiện liên tiếp – tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ lần thứ 13 và trong bài diễn thuyết trước công chúng ở Singapore – cho rằng cần có một cơ chế có thể tăng cường sự hợp tác về an ninh biển, chống cướp biển, và cứu trợ nhân đạo và thảm họa. Ấn Độ cũng được đưa tin rộng rãi là lạnh nhạt với Trung Quốc trong hội nghị thứ ba của Ủy ban chung Ấn Độ-Philippines về hợp tác song phương ở New Delhi vào tháng 10/2015, khi một tuyên bố chung đề cập đến Biển Đông như là “Biển Tây Philippines”, một từ mà Bắc Kinh không thích chút nào.
Ấn Độ cũng tăng cường những triển khai trên biển ở Biển Đông, cho thấy mong muốn có một vai trò an ninh gia tăng ở Tây Thái Bình Dương. Sau khi một nhóm 4 tàu hải quân Ấn Độ đã hoàn thành hành trình Đông Nam Á kéo dài 2 tháng vào tháng 6/2015, tàu khu trục tàng hình INS Sahyadri được cử đến Philippines tham gia một cuộc triển khai tác chiến vào tháng 11/2015. Hiện nay, Hải quân Ấn Độ đã và đang thực hiện những trao đổi tác chiến cường độ cao với Mỹ - làm tăng tính phức tạp của cuộc Tập trận Malabar bằng việc cũng mời Nhật Bản tham gia cuộc tập trận gần đây nhất vào tháng 10/2015. Ấn Độ đồng thời đã cải thiện hợp tác quân sự của nước này với các nước ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Thái Lan, thậm chí nghe nói thảo luận về khả năng xuất khẩu các tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos sang Việt Nam như một sự phòng ngừa chiến lược chống Trung Quốc.
Trong khi chiến lược Thái Bình Dương của Hải quân Ấn Độ vẫn ở giai đoạn trứng nước, New Delhi nhận ra những ảnh hưởng chiến lược của sự bất ổn đang gia tăng ở Biển Đông – bao gồm khả năng có một cuộc chạm trán nhỏ dẫn đến một cuộc xung đột rộng hơn ở vùng duyên hải châu Á. Kể từ tháng 1/2015, khi Tổng thống Barack Obama đến thăm Ấn Độ, những tuyên bố chính thức từ New Delhi ngày càng cho thấy những quan ngại về tình trạng đang xấu đi của các mối quan hệ an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương. Trong một văn bản về tầm nhìn chung được ký kết trong chuyến thăm, Ấn Độ và Mỹ đã thúc giục tất cả các nước Đông Nam Á tránh “đe dọa hay sử dụng vũ lực và theo đuổi giải pháp cho những tranh chấp lãnh thổ và trên biển thông qua tất cả các biện pháp hòa bình” – một đề cập dễ thấy đến những chiến thuật hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sự cần thiết phải quản lý những tham vọng ngày một gia tăng của Bắc Kinh ở vùng biển châu Á trên thực tế là động lực chính cho mối quan hệ Ấn-Mỹ trong vài năm qua. Viện Thủ tướng Modi đã lựa chọn đưa ra một văn bản tầm nhìn chung trong chuyến thăm của tổng thống Mỹ tuyên bố rõ ràng những quan ngại của Ấn Độ về Biển Đông được nhìn nhận rộng rãi là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm ngày càng tăng của New Delhi trong việc nhấn mạnh lợi ích của nước này trong khu vực.
Có 3 lý do quan trọng cho những mối quan tâm đang gia tăng của Ấn Độ đến những tài sản chung trên biển của Đông Nam Á. Trước hết, thương mại và các mối liên kết kinh tế của Ấn Độ ở Thái Bình Dương đang trở nên ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc hơn. ASEAN và khu vực đông Thái Bình Dương không chỉ là các khu vực cốt lõi của chính sách Hành động phía Đông của Modi, những tài sản chung ở Đông Nam Á là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi sống còn cho sự phát triển trong tương lai của Ấn Độ.
Ấn Độ có những lợi ích về năng lượng ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam và ngày càng phụ thuộc vào Eo biển Malacca cho dòng thông thương hàng hóa và dịch vụ. Với thương mại Ấn Độ-ASEAN tăng gấp 10 lần trong thập kỷ qua, kinh tế học ngày càng được nhắc đến trong chính sách biển của Ấn Độ đối với khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, những xung đột lãnh thổ ở Biển Đông đe dọa quỹ đạo tương lai của các mối quan hệ kinh tế của Ấn Độ, dẫn đến việc New Delhi có một cách tiếp cận lấy an ninh làm trọng tâm.
Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ nhận thức sâu sắc thực tế là an ninh chiến lược ở các vùng duyên hải Đông Nam Á là một thử thách đối với luật biển quốc tế. Với việc dần đi lên trong hệ thống cấp bậc của các quốc gia biển mạnh, Ấn Độ cảm thấy có nghĩa vụ lớn hơn phải đưa ra lập trường về những vấn đề nguyên tắc hàng hải được ghi rõ trong UNCLOS. Điều quan trọng trong những nguyên tắc đó là quyền tiếp cận các không gian biển chung, mà New Delhi đang thiết tha được xem là đang bảo vệ một cách mạnh mẽ hơn.
Quan trọng hơn, nước này đã trở nên đánh giá tốt hơn tầm quan trọng của sự cân bằng chiến lược ở châu Á. Theo quan điểm của Ấn Độ, tình trạng không chắc chắn về những căng thẳng địa chính trị ở Biển Đông đang khiến vùng biển châu Á trở nên bất ổn, khi nó làm trầm trọng thêm những sự mất cân bằng sức mạnh hiện nay. Bằng việc đưa ra một lập trường có nguyên tắc về những tranh chấp lãnh thổ, Ấn Độ hy vọng góp phần vào việc phục hồi sự cân bằng chiến lược ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, tiến trình ngày càng phân cực ở Biển Đông đặt New Delhi vào một vị trí không thoải mái phải ủng hộ lập trường của ASEAN mà không quá thách thức Trung Quốc. Không cần phải nói là cách tiếp cận dè dặt của Ấn Độ không hữu ích trong việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực biển của nước này ở Đông Nam Á, nơi chính sách Biển Đông của Ấn Độ được xem là bị động và đang tăng thêm.
Quan điểm đã được xác định của Ấn Độ trong các tranh chấp lãnh thổ cũng làm xói mòn những tuyên bố rằng chính sách Hành động phía Đông của nước này liên quan đến hoạt động trên biển tích cực hơn. Tuy nhiên, nhiều nước ở Thái Bình Dương, đáng chú ý là Philippines, công nhận Ấn Độ là “bên tham gia” về lĩnh vực biển kiểu mẫu, dẫn ra sự chấp nhận của nước này đối với quyết định của Tòa án trọng tài quốc tế thường trực hồi năm ngoái trong đó tranh chấp lãnh hải giữa Ấn Độ và Bangladesh được giải quyết phần lớn theo hướng có lợi cho Bangladesh.
Trung Quốc "vươn vòi" sang Ấn Độ Dương
Mặc dù những sự cường điệu xung quanh mối quan tâm đang tăng lên của Ấn Độ ở Thái Bình Dương, xu hướng Ấn Độ Dương của New Delhi trong quản lý các vấn đề an ninh tác chiến là rõ ràng. Trong khi cơ quan an ninh thừa nhận những quan ngại về chính sách Biển Đông của Trung Quốc, cuộc tấn công tác chiến chính của Hải quân Ấn Độ diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương, nơi ảnh hưởng chính trị của Ấn Độ được xem là bị ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao đang gia tăng của Trung Quốc vượt qua.
Đặc biệt là tuyên bố của Trung Quốc về Con đường tơ lụa trên biển đã gây ra một thách thức đối với chính sách của Ấn Độ trong khu vực. Bề ngoài, kế hoạch biển chủ đạo này tập trung vào việc tạo ra cơ sở hạ tầng khổng lồ và sự kết nối trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song New Delhi cho rằng có một động cơ chiến lược lớn hơn. Bất chấp những lợi ích kinh tế vốn có của dự án, các nhà phân tích Ấn Độ tin rằng “lời rao hàng” của nó tiết lộ một kế hoạch lớn hơn: đảm bảo nguồn tài nguyên và vận chuyển năng lượng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương thông qua sự hiện diện tác chiến lớn hơn của hải quân Trung Quốc (PLAN). Với dầu lửa và các khoáng sản của châu Phi ngày càng nằm trong trọng tâm của những đề nghị của Trung Quốc về Ấn Độ Dương, dường như có khả năng mục đích cuối cùng của Con đường tơ lụa trên biển là thiết lập các căn cứ hải quân trong khu vực để bảo vệ những lợi ích vật chất của Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh thừa nhận căn cứ hậu cần đầu tiên của nước này ở Ấn Độ Dương, tại Djibouti, chỉ khẳng định những lo ngại của Ấn Độ, thúc đẩy thêm tính toán về cái gọi là kế hoạch của Trung Quốc về nhiều trung tâm hậu cần ở Ấn Độ Dương. Đặc biệt, có những nghi ngờ về bản chất việc sử dụng kép các cơ sở được lên kế hoạch xây dựng, mà nhờ đó các địa điểm bề ngoài là thương mại có thể được nâng cấp thành các trung tâm hải quân trong những thời điểm khủng hoảng địa chính trị. Bất chấp chỉ số chấp nhận đang tăng lên dành cho Con đường tơ lụa trên biển trong các nước Ấn Độ Dương, các nhà quan sát Ấn Độ tiếp tục quan ngại về sự hiện diện hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc.
Chắc chắn, New Delhi và Washington đồng ý rằng các mục tiêu Ấn Độ Dương của Bắc Kinh phụ thuộc vào những lợi ích cốt lõi trên biển của nước này ở Thái Bình Dương. Nhưng các nhà phân tích Ấn Độ bất đồng quan điểm với những người đồng nhiệm Mỹ trong việc xem những nỗ lực cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông như là một dấu hiệu báo trước sự triển khai sức mạnh lớn hơn đến Vịnh Bengal. Từ điểm lợi thế của Ấn Độ, tranh chấp về lãnh hải ở Đông Nam Á mang lại cho Bắc Kinh một cái cớ hữu ích cho việc tấn công chiến lược vào khu vực Ấn Độ Dương, gây ra mối đe dọa thực hiện chính sách kiềm chế của các cường quốc dân chủ khắp vành đai châu Á-Thái Bình Dương.
Khó khăn cho New Delhi là nước này cũng bất đồng với cách giải thích của Washington về luật biển và những quyền tự do mà các tàu chiến nước ngoài được hưởng ở những vùng duyên hải. Đặc biệt, Ấn Độ không hoàn toàn ủng hộ những nỗ lực của Mỹ tuyên bố “có quyền đi qua không bị gián đoạn” ở các vùng nước ven biển mà không cần phải xin phép trước nhà nước chủ thể – đặc biệt ở các khu vực được cho là nằm trong các lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một quốc gia. Trên thực tế, quan điểm của New Delhi về chủ đề này phù hợp với những quan điểm của Bắc Kinh – đặc biệt là về sự cần thiết phải có sự thông báo trước từ các tàu chiến nước ngoài trước khi đi vào các vùng lãnh hải hay EEZ của một nhà nước vùng duyên hải.
Được xem xét qua lăng kính của Ấn Độ, những vụ đột nhập không báo trước qua các lãnh hải và EEZ có chủ quyền dưới cái nhãn “đi qua vô hại” hay “quyền tự do hàng hải” là một tuyên bố có vấn đề. Cho dù UNCLOS cho phép việc đi qua không dừng lại và nhanh chóng – do đòi hỏi của những nhu cầu hàng hải – một động thái được thực hiện chỉ vì mục đích ghi điểm chính trị sẽ là một hành động phi pháp, cho dù hợp pháp về mặt kỹ thuật. Hơn nữa, với việc sử dụng các hệ thống tự động không người lái đang tăng lên, những điều khoản pháp lý cho phép tiếp cận tự do các không gian duyên hải dường như đảm bảo một sự xem xét lại.
Tính hợp pháp của các cuộc tuần tra trên biển ở Biển Đông cũng có những hậu quả đối với chiến lược của hải quân Ấn Độ trong việc đối phó với sự hiện diện của quân đội nước ngoài gần quần đảo Andaman và Nicobar. New Delhi cho rằng nhóm đảo này xứng đáng với trạng thái hợp pháp là một “quần đảo”, mà nếu thiếu điều đó, nước này không thể ngăn các tàu nước ngoài tiếp cận một cách tự do các lãnh hải này.
Những báo cáo vào năm 2015 về sự hiện diện gia tăng của các tàu chiến Trung Quốc xung quanh quần đảo Andaman đã gây ra một sự kích động trong cơ quan an ninh Ấn Độ. Các nhà phân tích Ấn Độ lo ngại các cuộc tuần tra của Mỹ ở Biển Đông có thể khuyến khích hành động trên biển mạnh mẽ hơn của Trung Quốc ở gần quần đảo Andaman và Nicobar, khi hải quân PLA tìm cách mở rộng phạm vi hiện diện tác chiến của nước này ở Ấn Độ Dương – mỉa mai thay, sử dụng chiến thuật tương tự như hải quân Mỹ ở các vùng duyên hải đông nghẹt của Thái Bình Dương.
Những ưu tiên chiến lược
Trong tình hình này, những ưu tiên chiến lược của New Delhi là rõ ràng. Trong ngắn hạn, Ấn Độ sẽ muốn Trung Quốc giảm bớt sự hung hăng của nước này và ngừng nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Việc này liên quan đến việc ngừng các hoạt động cải tạo đất và việc tuần tra trên biển quyết đoán. Nhưng New Delhi cũng hy vọng Mỹ và các đồng minh Đông Á sẽ sử dụng đến những chiến lược quân sự ôn hòa hơn trong việc đối đầu với Trung Quốc. Đối với giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ phù hợp với luật pháp quốc tế, Trung Quốc và các bên tuyên bố chủ quyền khác sẽ cần tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và làm giảm giọng điệu quân sự của họ. Tất cả các bên sẽ cần cho thấy sự thành thật trong đàm phán một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý để quản lý cách ứng xử trên biển ở Biển Đông.
Trong trung và dài hạn, việc truyền bá sức mạnh hàng hải trên chiến trường Thái Bình Dương nằm trong những lợi ích của Ấn Độ. Việc củng cố các khả năng hoạt động trên biển của các nước Đông Nam Á sẽ dẫn đến sự cân bằng sức mạnh ổn định hơn khắp hệ thống chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dẫn đến sự ổn định và tính có thể dự đoán được lớn hơn ở Ấn Độ Dương. Để điều này xảy ra, Ấn Độ thừa nhận nước này có thể cần là đối tác của Mỹ, Nhật Bản, và Úc ở vùng duyên hải châu Á rộng lớn hơn để đảm bảo ảnh hưởng của chính nước này chống lại sự hiện diện hải quân và ảnh hưởng chiến lược đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc.
* Tác giả Abhijit Singh là nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng, New Delhi, Ấn Độ. Bài viết đăng trên Asia Policy số 21
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu