Trung Quốc diễu võ Biển Đông dọa Mỹ và Philippines?

Trung Quốc muốn phủ nhận hoàn toàn phán quyết quốc tế về Biển Đông. Mặt khác, Bắc Kinh cũng muốn thăm dò phản ứng của Mỹ, đồng thời đe dọa Philippines, hai nước bị Trung Quốc cho là tác nhân trực tiếp làm cho họ mất mặt tại Tòa Trọng Tài La Haye về vụ kiện "đường lưỡi bò".
Phi đội chiến đấu cơ của Trung Quốc
Phi đội chiến đấu cơ của Trung Quốc

Không quân Trung Quốc ngày càng diễu võ giương oai trên khu vực quần đảo Trường Sa với các phi vụ được họ gọi là «tuần tra chiến đấu». Theo các nhà quan sát, các động thái của Bắc Kinh vừa nhằm khẳng định lập trường phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế bất lợi cho Trung Quốc, vừa nhằm răn đe Mỹ và Philippines, bị cho là hai nước chủ mưu trong việc khiến Trung Quốc bị mất mặt tại Tòa Trọng tài La Haye.

Mục tiêu phô trương uy lực để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là tại các khu vực như Trường Sa hay bãi cạn Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên Biển Đông, đã thể hiện rõ trong các tuyên bố ngày 6/8 vừa qua của phát ngôn viên không quân Trung Quốc.

Vị này đã tiết lộ rằng mới đây, không quân Trung Quốc đã tung máy bay ném bom và chiến đấu cơ xuống khu vực Biển Đông để tiến hành những bài tập «tuần tra tác chiến» trên không để bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi trên biển của đất nước.

Trong một động thái thị uy rõ nét, phát ngôn viên này vừa liệt kê các phương tiện được huy động, vừa nói rõ là khu vực tập trận tuần tra chủ yếu là không phận chung quanh quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scaborough, vừa xác định rằng đó là những cuộc tuần tra tác chiến bình thường.

Thông báo kể trên đã nối tiếp theo một hành động thị uy khác: cho máy bay ném bom chiến lược H6-K có khả năng mang bom hạt nhân đến hoạt động ở vùng Biển Đông, bay ngang qua bãi cạn Scaborough rồi cho chụp hình đăng báo. Sau đó không quân Trung Quốc đã nói rõ thêm rằng nhiều chiếc oanh tạc cơ H-6K và chiến đấu cơ Su-30 đã được tung vào chiến dịch.

Theo các nhà quan sát, việc không quân Trung Quốc chọn bãi cạn Scaborough và vùng quần đảo Trường Sa làm nơi phô trương sức mạnh rõ ràng nhằm mục tiêu khẳng định trở lại sự kiện Bắc Kinh phủ nhận hoàn toàn phán quyết quốc tế về Biển Đông, trong đó có đề cập cụ thể đến cả Trường Sa lẫn Scarborough. Mặt khác, Bắc Kinh cũng muốn thăm dò phản ứng của Mỹ, đồng thời đe dọa Philippines, hai nước bị Trung Quốc cho là tác nhân trực tiếp làm cho họ mất mặt tại Tòa Trọng tài Thường trực La Haye.

Phải nói là khi liên tục quảng bá cho các phi vụ tuần tra trên Biển Đông, mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là nhắn với Mỹ rằng Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng mọi phương tiện để đáp trả tương xứng các hành động của Mỹ. Với chiến đấu cơ Trung Quốc xuất hiện nhiều hơn trên bầu trời Biển Đông, Mỹ dĩ nhiên là phải tìm cách tránh các hiểm họa va chạm trên không, đặc biệt trong bối cảnh phi công Trung Quốc nổi tiếng là thiếu chuyên nghiệp.

Thông điệp hù dọa nhắm vào Philippines cũng rất rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có biểu hiện muốn hòa dịu với Trung Quốc, sẵn sàng đàm phán tay đôi với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp.

Theo giới quan sát, phản ứng của Mỹ và đồng minh trước việc không quân Trung Quốc diễu võ giương oai tại vùng Trường Sa và Scaborough sẽ rất là quan trọng, vì nếu không hành động gì, Trung Quốc hoàn toàn có thể lợi dụng dịp này tuyên bố luôn một vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, như họ đã từng làm trên Biển Hoa Đông vào năm 2013.