Quốc hội Iran thông qua thỏa thuận 'lịch sử' về hạt nhân

Giới truyền thông cho hay, Quốc hội Iran vừa thông qua một thỏa thuận hạt nhân với sự đồng ý của sáu cường quốc thế giới.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được thông qua
Thỏa thuận hạt nhân Iran được thông qua

Quốc hội Iran thông qua

Thỏa thuận hạt nhân được thông qua với 161 phiếu thuận, 59 phiếu chống và 13 phiếu trắng, hãng tin IRNA cho biết.

Điều khoản thỏa thuận yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, đổi lại Iran sẽ hạn chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm mà phương Tây nghi ngờ là phục vụ ý đồ quân sự. 

Iran khẳng định chương trình hạt nhân của mình hoàn toàn phục vụ mục đích phát triển hòa bình.

Cuối cùng thì thỏa thuận giữa Iran và nhóm P5 + 1, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức đã đạt được kí kết sau 20 tháng đàm phán và sau rất nhiều chỉ trích, cả từ phía Mỹ lẫn nội bộ Iran.

Vào tháng 9 vừa qua, đảng Cộng hòa Quốc hội Mỹ đã cố gắng đánh chìm thỏa thuận này bằng cách bỏ phiếu chống.Tuy nhiên, Đảng Dân chủ đã tập hợp đủ số phiếu để ngăn chặn động thái trên và đạt thắng lợi chính trị.

Tại Iran, các nghị sĩ bảo thủ chỉ trích Tổng thống Hassan Rouhani, họ đã cố tình trì hoãn thỏa thuận. Phóng viên cho biết đã có nhiều cuộc đụng độ tức giận trong nội bộ Quốc hội diễn ra xoay quanh thỏa thuận trên.

Từ 2006 đến 2015, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua bảy nghị quyết yêu cầu Iran ngừng làm giàu uranium – hợp chất có thể sử dụng vào mục đích dân sự, nhưng cũng có thể dùng để chế tạo bom hạt nhân. Bốn trong số các bảy nghị quyết đã được áp dụng lên Iran.

Nội dung thỏa thuận hạt nhận

Về vấn đề làm giàu uranium: Iran được phép vận hành 5.060 máy ly tâm, được phép tích trữ uranium đạt mức 3,67% - mức thấp hơn con số có thể được sử dụng để chế tạo bom hạt nhân. Iran có thể hoạt động tối đa 1.000 máy ly tâm tại cơ sở Fordow nhưng không được sản xuất uranium tại nơi này.

Sản xuất plutonium: Iran đồng ý tái kết cấu lò phản ứng nước nặng tại Arak, chỉ sản xuất một lượng nhỏ plutonium - một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất điện, đồng thời không xây dựng thêm bất kỳ lò phản ứng nước nặng nào nữa trong 15 năm tới.

Kiểm tra quốc tế: các cơ quan giám sát Quốc tế có thể thực hiện một chương trình giám sát toàn diện cơ sở hạt nhân của Iran.

Vùng quân sự tiềm tàng: Iran sẽ cho phép các thanh tra nước ngoài điều tra về nơi gọi là "Vùng quân sự tiềm tàng" vào tháng 12 nhằm khẳng định Iran không che giấu một tham vọng quân sự nào đối với chương trình hạt nhân của mình – một lời khẳng định trước nay luôn bị các nước phủ nhận.

Xử phạt: Tất cả điều khoản trừng phạt về năng lượng, kinh tế và tài chính của EU, của Mỹ cùng hầu hết các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc sẽ được dỡ bỏ khi Iran tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân.

Hoàng Lam - Theo BBC, PLTP