Diễn biến trên đe dọa đến một loạt sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Trung Đông, từ chấm dứt cuộc xung đột ở Syria, tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho đến cải thiện quan hệ với Iran.
Vấn đề ở đây là những nỗ lực này đều ít nhiều cần đến sự trợ giúp hoặc đồng thuận của Ả Rập Saudi.
Vì thế, một số người xem vụ hành quyết giáo sĩ Shiite Nimr al-Nimr là hành động cố ý nhằm gây khó dễ cho năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Obama. “Người Saudi muốn chứng tỏ họ có thể thống trị chính trường khu vực” - ông Vali Nasr, một cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định với trang tin Bloomberg.
Ngoài lo ngại về thỏa thuận hạt nhân Iran, Ả Rập Saudi còn không hài lòng khi thấy ưu tiên hàng đầu hiện nay của Mỹ ở Syria là đánh bại IS, không phải lật đổ chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
“Những mâu thuẫn này càng trở thêm nghiêm trọng bởi người Saudi nghĩ rằng họ không thể dựa vào Mỹ, nhất là khi chính quyền ông Obama ngay từ đầu quyết tâm rút khỏi Trung Đông” - ông James Phillips, một chuyên gia tại tổ chức Heritage Foundation (Mỹ), nhận định.
Theo lý giải của ông Gregory Gause, thuộc Trường ĐH Texas A&M (Mỹ), tâm trạng trên xuất phát từ bản chất của việc làm đồng minh với một nước mạnh hơn.
Người Saudi lâu nay vẫn sợ cả kịch bản “bị bỏ rơi” (Mỹ rút lại sự ủng hộ) và “bị mắc kẹt” (phải chịu những hậu quả từ những sai lầm của Washington ở Trung Đông). Điều này có nghĩa là dù Washington có làm gì thì Riyadh vẫn cứ lo lắng.
Trong quá khứ, khi quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng, Ả Rập Saudi sợ sẽ phải hứng chịu sự trả đũa từ Tehran trong trường hợp Washington tấn công nước này. Trong những năm gần đây, nước này lại lo những lợi ích của mình bị Mỹ phớt lờ khi chứng kiến chính quyền ông Obama chìa cảnh ô liu cho Iran.
Thực tế là khi lợi ích của 2 đồng minh này bị xung đột, mỗi nước thường có khuynh hướng tự làm theo ý mình. Khi tiến hành xử tử giáo sĩ Nimr, Riyadh hy vọng sẽ khơi lại tâm lý chống Shiite, đồng thời thu hút sự ủng hộ từ người Sunni trong nước và các nước Sunni tại khu vực.
Theo quan điểm của Ả Rập Saudi, những lợi ích này còn quan trọng hơn quan hệ giữa họ và Iran, cũng như chính sách của Mỹ tại khu vực. Dĩ nhiên là Washington không nghĩ thế nên thái độ thất vọng của nước này đối với vụ xử tử là điều dễ hiểu.
Lịch sử ghi nhận quan hệ Mỹ - Ả Rập Saudi đã vượt qua không ít sóng gió, trong đó nổi bật là lệnh cấm vận dầu mà Riyadh áp đặt đối với Washington hồi năm 1973.
Vì thế, câu hỏi quan trọng lúc này là liệu những lợi ích chung đang gắn kết Mỹ - Ả Rập Saudi có quan trọng hơn những bất đồng nói trên hay không? Câu trả lời sẽ quyết định mối quan hệ đồng minh lâu năm này sẽ mạnh mẽ đến đâu trong những năm tới.
Theo NLĐ