Theo Hãng thông tấn Reuters, Thủ tướng Abe đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở 39 trên tổng số 47 tỉnh của Nhật Bản, ngoại trừ khu vực thủ đô Tokyo và vùng đô thị lớn thứ hai của nước này ở Osaka. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang chịu tổn hại nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.
Ông Abe cho hay ông sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận về gói kích thích kinh tế thứ hai, thêm rằng Chính phủ Nhật sẽ đưa ra thêm các bước đi tích cực nhằm giảm thiểu tầm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế nếu cần thiết.
"Trong khi kiểm soát sự lây lan của virus dựa trên tinh thần rằng virus đang ở xung quanh chúng ta, chúng ta vẫn cần phải phục hồi lại công việc và cuộc sống thường nhật" - Thủ tướng Abe nói trong một cuộc họp báo tổ chức cùng ngày.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cách đây một tháng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc, hối thúc người dân hạn chế 80% sự tiếp xúc giữa người với người nhằm giảm sự lây lan của virus corona chủng mới đồng thời giảm thiểu sức ép đối với ngành y tế công.
Các chuyên gia kinh tế nói rằng, việc bình thường hóa sinh hoạt thường nhật nên được làm một cách từ từ bởi Chính phủ quan ngại về nguy cơ bùng phát một đợt dịch thứ hai, như đang diễn ra ở một số nước trên thế giới.
Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho phép các Thị trưởng ở Nhật Bản yêu cầu người dân ở yên trọng nhà, đóng cửa trường học và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn họ quản lý, tuy nhiên các biện pháp này lại không ràng buộc, không có hình thức xử phạt mà chỉ dựa trên tinh thần tự giác của người dân.
Một số cơ sở kinh doanh không thiết yếu, thậm chí trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, đã bắt đầu mở cửa trở lại từ trước khi Thủ tướng Abe ra thông báo mới, trong khi mức độ áp dụng các biện pháp phòng dịch ở mỗi khu vực của Nhật Bản lại rất khác nhau.
Thị trưởng Osaka mới đây công bố các tiêu chí để gỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế đối với giới doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả cửa hàng ăn uống và quán bar.
39 tỉnh thành ở Nhật được phép gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp chiếm 54% tổng dân số Nhật Bản, tuy nhiên khu vực Tokyo - hiện chưa được gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp - lại chiếm tới 1/3 tổng sản lượng nền kinh tế.
"Tokyo là trái tim của nền kinh tế Nhật Bản. Bởi vậy mở cửa nền kinh tế mà thiếu đi Tokyo cũng giống như lái một chiếc xe hơi chỉ có 3 bánh vậy" - Jesper Koll, giám đốc điều hành của hãng phân tích WisdomTree Japan nhận định.
Chính phủ nhật Bản dự kiến sẽ cho thêm 4 chuyên gia kinh tế vào ủy ban cố vấn của họ để chống lại đại dịch COVID-19 và sẽ thực hiện một cuộc xem xét tổng thể chiến lược chống dịch.
Nhật Bản hiện đã ghi nhanbaj 16.120 ca nhiễm viurs corona chủng mới, không tính số ca nhiễm trên con tàu du lịch Diamond Princess neo đậu tại cảng Yokohama, và 697 ca tử vong; theo kênh truyền hình nhà nước NHK.
Trong khi Nhật Bản đang tránh tình trạng bùng phát dịch mà thế giới chứng kiến ở Mỹ và một số nước khác trên thế giới, chương trình xét nghiệm toàn dân của họ lại thuộc loại chậm nhất, với chỉ 188 cuộc xét nghiệm trên 100.000 người, nếu so với mức 3.159 ở Italy và 3.044 ở Đức.
Tokyo - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch COVID-19 - mới chỉ xét nghiệm được khoảng 50.000 lượt, trong đó phát hiện ra 5.000 trường hợp nhiễm bệnh. Mặc dù tình trạng khẩn cấp ở Nhật Bản thiếu đi sức mạnh thực thi do tính chất không ràng buộc, nhưng dữ liệu thống kê cho thấy việc đi lại của người dân đã giảm hẳn, chứng minh được ý thức của người dân.
Trong tuần này, Chính phủ Nhật Bản cũng báo cáo mức giảm 20% tỷ lệ nhập viện do COVID-19 trong khoảng thời gian 9 ngày, bắt đầu từ ngày 7/5. Ở Tokyo, số ca nhiễm mới đã giảm xuống chỉ còn 10 trong hôm 13/5 vừa qua.