Khu vực tư nhân phát triển
Báo cáo của Ủy ban phục vụ phiên họp Chính phủ tháng 11 diễn ra tuần trước cho biết, các doanh nghiệp đang có xu thế mở rộng quy mô, và hiệu quả sản xuất của họ gia tăng căn cứ vào báo cáo tài chính của gần 1.000 doanh nghiệp đại chúng niêm yết tại HSX, HNX và Upcom.
Doanh thu bình quân doanh nghiệp phi tài chính trong 9 tháng năm 2015 tăng gần 26,4% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 ở mức âm 10,4%).
Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng được cải thiện đáng kể. Trong 9 tháng 2015, các chỉ số lợi nhuận trên tài sản (ROA), lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt đạt 4,6% và 10,8%, tăng 0,8 và 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2014. Trong đó, ROA, ROE của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tương ứng là 2,4% và 5,5% (cùng kỳ năm 2014 là -1% và -1,6%).
Doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng năm 2015 tăng 28% về lượng và 38% về vốn so với cùng kỳ 2014. Trong khi đó, số doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động giảm hơn 2% so với cùng kỳ năm 2014.
Xuất khẩu tăng trưởng khá. Theo báo cáo World Economic Outlook Database của IMF, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2015 tăng 8,3% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều mức tăng xuất khẩu ước tính cho năm 2015 của thế giới (5,1%) cũng như của ASEAN-5 (8,0%) và Trung Quốc (6,8%).
Tuy nhiên, xuất khẩu tăng trưởng khá là nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài do xuất khẩu của khu vực trong nước 11 tháng đầu năm 2015 giảm 2,6% so với cùng kì 2014 (cùng kì 2014 tăng 10,6%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng đầu năm 2015 tăng 9,7%, cao hơn nhiều so với mức 7,5% của cùng kỳ năm 2014.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tính chung 11 tháng 2015 (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 8,3% so với cùng kỳ, mức cao nhất so với cùng kỳ của 5 năm qua.
Nhà nước cũng hưởng lợi
Báo cáo trích dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến giữa tháng 11/2015, tổng tín dụng đối với nền kinh tế tăng 13,98% so với cuối năm 2014, đạt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cuối quý 3-2015 đạt 31,9% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2012, trong đó đầu tư khu vực kinh tế tư nhân tăng khá, chiếm 37,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Năm 2015 tổng thu ngân sách nhà nước dự báo vẫn đạt và vượt dự toán. Lũy kế đến 15-11, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 807.040 tỷ đồng, bằng 88,6% dự toán, tăng 6,2% so cùng kỳ (cùng kỳ 2014 đạt 97,1% dự toán, tăng 15,5%).
Trong đó thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu so với dự toán lần lượt đạt 93,7%; 62,8% và 83,3%.
Mặc dù thu từ dầu thô giảm nhưng được bù đắp bởi thu nội địa nên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2015 ước đạt 927.500 tỷ đồng, vượt 1,8% so dự toán và tăng 7,4% so cùng kỳ 2014.
Phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) cũng có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực trong tháng 11. Lần đầu tiên sau một năm qua đã diễn ra phiên đấu thầu TPCP kỳ hạn ba năm do Kho bạc Nhà nước phát hành, thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư và đạt tỷ lệ trúng thầu 100%, với 6.000 tỷ đồng đã được bán hết tại mức lãi suất 5,9%/năm. Nhu cầu của thị trường đối với kỳ hạn ba năm hiện vẫn tương đối lớn.
Khu vực ngân hàng ổn định thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt. Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn chuyển dịch theo hướng giảm các khoản vay ngắn hạn. Tỷ trọng dư nợ các khoản vay ngắn hạn/tổng dư nợ đã giảm dần từ mức hơn 50% trong các năm 2011, 2012, 2013 xuống mức 49,74% vào cuối năm 2014 và giảm còn 45,1% trong tháng 9-2015.
Theo TBKTSG