Quốc doanh hóa ngân hàng, rồi sao nữa?

NHNN hiện là cổ đông lớn nhất tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, với tỷ lệ sở hữu ước tính khoảng một phần tư tổng vốn điều lệ của hệ thống tổ chức tín dụng. Điều này là kết quả của chương trình tái cơ cấu ngành ngân hàng.
Điều quan trọng hiện nay là giải quyết nợ xấu, hạch toán chính xác, đầy đủ và phải đúng bản chất của các khoản dư nợ cho vay của ngân hàng, tăng cường và nâng cao sự minh bạch của các ngân hàng. Ảnh: TUỆ DOANH
Điều quan trọng hiện nay là giải quyết nợ xấu, hạch toán chính xác, đầy đủ và phải đúng bản chất của các khoản dư nợ cho vay của ngân hàng, tăng cường và nâng cao sự minh bạch của các ngân hàng. Ảnh: TUỆ DOANH

 Song, câu hỏi lớn nhất của người làm nghề là tới đây NHNN sẽ làm thế nào để “trả lại” các ngân hàng cho thị trường?

Theo số liệu được công bố tại Quốc hội, sau giai đoạn đầu tái cơ cấu, toàn hệ thống đã giảm được 17 tổ chức tín dụng và hai chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

NHNN đã trở thành ông chủ lớn nhất trong nhiều ngân hàng thương mại: giữ 100% vốn Agribank, VNCB, OceanBank, GPBank; giữ 95,28% vốn BIDV, 71,11% vốn Vietcombank; 64,46% vốn tại VietinBank và là cổ đông lớn và đang tham gia điều hành trong Eximbank, Sacombank, Đông Á.

Qua các cuộc gặp gỡ, chúng tôi ghi nhận các ý kiến của những người làm ngân hàng về xu thế quốc doanh hóa ngân hàng, về sự ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của cơ quan quản lý tại các ngân hàng cổ phần và những băn khoăn của họ về nghề nghiệp, về bối cảnh của ngành sắp tới.

Có mấy vấn đề được giới ngân hàng đặt ra và mong được cơ quan quản lý sớm giải đáp.

Thứ nhất, nói tái cơ cấu ngân hàng thành công thì hơi sớm bởi thị trường chưa thấy rõ thành công ở điểm nào. “Cần làm rõ kết quả cụ thể và nêu số liệu cơ bản về hệ thống ngân hàng trước và sau tái cơ cấu đã thay đổi thế nào. Cũng như nếu anh nói anh đã giảm cân từ béo phì và nhiều bệnh khác trở về tạm ổn thì cân nặng của anh, chỉ số mỡ trong máu, nhịp tim, huyết áp đã thay đổi ra sao, khi nào thì anh được xuất viện, có được tự do đi lại hay không, có còn cần/bị giám sát?”, một chuyên gia bình luận. 

Ông cho rằng nên gạt các yếu tố về hình thức dễ gây hiều lầm sang một bên để thấy mục tiêu cuối cùng cần phải có của chương trình tái cơ cấu ngân hàng là nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng, chuyển biến tài sản xấu thành bớt xấu. 

Việc sáp nhập hay tăng vốn, đuổi ai ra khỏi ngân hàng, bắt ai để điều tra… và làm giảm số lượng các ngân hàng chỉ là những biểu hiện, biện pháp chứ không phải bằng chứng về kết quả cuối cùng của việc tái cơ cấu ngân hàng.

Nhìn sơ bộ kết quả kinh doanh từ đầu năm tính đến nay, có thể thấy đến cuối năm hầu hết các ngân hàng sẽ công bố “hoàn thành chỉ tiêu”. Tuy nhiên, theo phó tổng giám đốc một ngân hàng  thì “chỉ tiêu không phải vấn đề quan trọng vì do chính các ngân hàng đưa ra”. 

Điều quan trọng, theo ông, là “cần ghi nhận nếu những vấn đề xấu cơ bản không phát sinh thêm, các chỉ số ROE, ROA có thực sự thay đổi, những số liệu này thì chưa được cơ quan quản lý ngành cập nhật”.

Thứ hai, điều quan trọng hiện nay là giải quyết nợ xấu, hạch toán chính xác, đầy đủ và phải đúng bản chất của các khoản dư nợ cho vay của ngân hàng, tăng cường và nâng cao sự minh bạch của các ngân hàng. Theo một lãnh đạo ngân hàng khác, thời gian qua, NHNN chưa thực sự làm mạnh việc này.

Ngoài ra, còn rất nhiều tồn tại khác. Có nhiều ngân hàng đến bây giờ chỉ công bố báo cáo tài chính đến cuối năm 2013 hoặc sớm nhất là đến 30-6-2014 và số liệu không đầy đủ. Cách công bố thông tin của các ngân hàng vẫn chưa tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế. Công chúng không đủ thông tin, điều kiện nhằm đánh giá và lựa chọn ngân hàng để gửi tiền. 

Thị trường cũng chưa biết thực sự đã chấm dứt sở hữu chéo hay chưa, việc các cổ đông lớn tận dụng sở hữu chéo để tăng dư nợ, rút tiền ngân hàng đã được kiểm soát hoàn toàn chưa? Các chế tài xử lý vi phạm và xây dựng cơ chế tạo ra các thành viên hội đồng quản trị ngân hàng độc lập và chuyên nghiệp tới đâu? 

Các ông chủ mới của một ngân hàng chưa rõ hình hài, ba tiêu chí quan trọng nhất của ông chủ là phải “có tiền thật, có năng lực quản trị điều hành và có cam kết” liệu đã đạt hay không?

Thứ ba, câu hỏi quan trọng nhất với NHNN là sau khi gom các ngân hàng thương mại về tay mình thì NHNN sẽ trả các ngân hàng này lại cho thị trường ra sao? NHNN đã tuyên bố những ngân hàng bị NHNN mua lại với giá 0 đồng thực ra đã bị âm vốn, lộ trình đưa nó về điểm hòa vốn hay xử lý nó như thế nào? 

Cả thị trường đang biết mù mờ rằng à có người đứng sau đang xử lý nhưng ông đó làm gì, kết quả thế nào thì phải công bố để mọi người biết.

Ở một khía cạnh khác, nói ví von thì hậu quả “nhà cháy” hôm nay là do “điện chập”. NHNN biết hay không biết nhà - hệ thống ngân hàng có vấn đề? Sau khi lính cứu hỏa vào rồi nhưng lửa vẫn cháy thì ai chịu? Nếu điểm này không rõ ràng thì câu chuyện ngân hàng sẽ thành trách nhiệm của cả làng. 

“Sự thực với tình hình hiện nay, NHNN làm ba vai, vừa quản lý vừa kinh doanh vừa thanh tra giám sát các ngân hàng. Nhưng quyền lực phải được giám sát bằng quyền lực, NHNN có được giám sát hay không, từ lâu nay không thấy có ủy ban độc lập nào công bố việc này, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã ra đời nhưng các hoạt động quá mờ nhạt và gần như nằm ngoài những vấn đề của ngành ngân hàng”, một vị lãnh đạo ngân hàng khác đánh giá.

Thứ tư, đó là câu hỏi tương lai. Xu thế quốc doanh hóa các ngân hàng thương mại gây tác động xấu đến hình ảnh Việt Nam trong mắt quốc tế bởi nó đi ngược lại tiến trình phát triển. 

Một mặt Chính phủ chủ động và bị các sức ép phải thúc đẩy cổ phần hóa nhanh chóng các doanh nghiệp nhà nước nhưng các ngân hàng thì đang bị quốc doanh hóa. Đó là chưa nói tới việc NHNN còn đang là ông chủ của các tổ chức đáng ra phải hoạt động độc lập như Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), Công ty cổ phần Chuyển mạch tài chính (BanknetVN)… 

Về nguyên tắc thị trường phải có người vận hành chợ để cho những người chơi tự chơi với nhau thì nay, người ta nghi ngờ anh nhập nhèm giữa quản lý nhà nước với kinh doanh để chi phối thị trường.

Theo TBKTSG