Trung Quốc xây sân bay phi pháp ở Biển Đông hòng lập tuyến phòng thủ cho căn cứ tàu ngầm

VietTimes -- Tờ Nam Hoa buổi sáng Hồng Kông ngày 24/7 đăng bài viết "Vai trò chính của đường băng máy bay (do Trung Quốc xây dựng phi pháp) trên Biển Đông là phòng thủ căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam". 
àu ngầm hạt nhân Type 094A Trung Quốc được cộng đồng mạng Trung Quốc tuyên truyền. Ảnh: báo Phượng Hoàng, Hồng Kông.
àu ngầm hạt nhân Type 094A Trung Quốc được cộng đồng mạng Trung Quốc tuyên truyền. Ảnh: báo Phượng Hoàng, Hồng Kông.

Bài viết cho rằng trong 20 năm qua, chiến lược quân sự dưới nước của Trung Quốc ở Biển Đông luôn giữ bí mật. Sau khi Tòa trọng tài Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 công bố phán quyết về vụ kiện Trung Quốc của Philipines liên quan tranh chấp Biển Đông, chiến lược này đã bị lộ diện. 

Trong tháng này, hình ảnh tàu ngầm động cơ hạt nhân tiên tiến nhất (Type 094A) của Trung Quốc đã bị "tiết lộ" và lan truyền trên nhiều trang tin quân sự ở Trung Quốc. 

Dư luận quốc tế dự đoán tàu ngầm này có thể bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Cự Lang-3 (JL-3) thế hệ mới của Trung Quốc. Dự đoán, tầm bắn của JL-3 có thể bắn từ Biển Đông và vươn tới Mỹ.

Nhà quan sát quân sự Hoàng Đông từ Ma Cao cho rằng: "Thực ra thì Trung Quốc đã cố tình tiết lộ hình ảnh tàu ngầm này, mục đích của họ là để cảnh cáo Mỹ, răn đe các nước láng giềng".

Biển Đông là một trong những tuyến đường thương mại trên biển bận rộn nhất thế giới. Bắc Kinh hết sức coi trọng vùng biển này còn có nguyên nhân khác (có thể quan trọng hơn): Bắc Kinh coi Biển Đông là then chốt để hạm đội tàu ngầm nước này không gặp trở ngại khi vươn ra Thái Bình Dương. 

Hạm đội tàu ngầm đang không ngừng gia tăng của Trung Quốc đóng ở căn cứ hải quân Du Lâm, đảo Hải Nam.

Biển Hoa Đông cũng có đường ngầm dưới mặt biển. Nhưng ở đó nước nông, vì vậy tàu ngầm dễ bị đối phương phát hiện. Trong khi đó, Biển Đông có căn cứ tàu ngầm dưới lòng đất, có thể đi qua đường hầm để ra vào, từ đó giúp cho tàu ngầm Trung Quốc tránh được hoạt động do thám của vệ tinh trinh sát Mỹ.

Chuyên gia quân sự Tống Trung Bình từ Bắc Kinh cho rằng mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là xây dựng một lực lượng hải quân tầm xa mang tính toàn cầu thực sự. 

4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Trung Quốc xuất hiện trên các trang mạng Trung Quốc vào năm 2014. Ảnh: báo Phượng Hoàng.
4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 Trung Quốc xuất hiện trên các trang mạng Trung Quốc vào năm 2014. Ảnh: báo Phượng Hoàng.

Căn cứ Du Lâm và các hạng mục xây dựng (bất hợp pháp) khác ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) thuộc một phần của chiến lược lớn hơn "sử dụng các thủ đoạn quân sự truyền thống và phi truyền thống" để kiểm soát toàn diện an ninh khu vực.

Tống Trung Bình nhận định: "Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các tham vọng trên Biển Đông, bởi vì Trung Quốc coi nó là một pháo đài thúc đẩy bành trướng quân sự. Biển Đông đã cung cấp con đường duy nhất cho Trung Quốc trở thành cường quốc biển thực sự".

Vài tuyến đường ngầm dưới biển và eo biển ở Biển Đông còn có thể giúp hạm đội tàu ngầm Trung Quốc chọc thủng sự phong tỏa của chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai. Mỹ có ý đồ thông qua hai chuỗi đảo này "giam" Hải quân Trung Quốc ở châu Á.

Tờ Jane's Defense Weekly tháng 6 cho hay Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Trung Quốc đề nghị xây dựng một hệ thống giám sát sonar được mệnh danh "Trường Thành dưới nước", bao gồm một mạng lưới thiết bị cảm biến mặt nước của tàu ngầm và tàu mặt nước, có thể làm suy yếu lớn ưu thế dưới nước của tàu ngầm Mỹ, có lợi cho Bắc Kinh kiểm soát Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Ashley Townshend từ Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Đại học Sydney, Australia cho rằng Trung Quốc xây dựng mạng lưới dưới mặt biển và các công trình trên các đảo nhân tạo (xây dựng này là phi pháp), "nếu Trung Quốc có thể sử dụng (trái phép) những công trình này để bảo vệ tàu ngầm của họ không bị đe dọa bởi các lực lượng đối phương ở trên không, trên biển, dưới mặt biển và ngoài không gian, thì có thể thành công trong việc biến Biển Đông thành một pháo đài cho tàu ngầm hạt nhân của họ".

Hoàng Đông cho rằng: "Biển Đông là pháo đài bảo vệ cho Trung Quốc xâm nhập tuyến đường hàng hải ở Ấn Độ Dương, trong khi đó đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) được cho là lô-cốt đầu cầu cho Trung Quốc triển khai chiến lược 'một vành đai, một con đường'. Vì vậy, Trung Quốc mới triển khai nhiều vũ khí tiên tiến như vậy ở đó".