Trước đó, ngày 10.5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urban cho biết, tàu khu trục USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Chữ Thập nhằm thực hiện tuần tra “tự do hàng hải”. Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định đây là hoạt động tuần tra định kỳ và phù hợp thông lệ quốc tế, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, nước này ngay sau đó đã điều 2 máy bay chiến đấu và 3 chiến hạm bám đuổi và yêu cầu tàu khu trục Mỹ ra khỏi khu vực đang hoạt động.
Phản ứng về sự việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lớn tiếng nói rằng hoạt động tuần tra này là "trái phép" và "tổn hại hòa bình và ổn định khu vực".
"Hành động của phía Mỹ đe dọa đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, đe dọa các nhân viên và cơ sở quân sự trên rạn san hô, làm tổn hại hòa bình và ổn định khu vực", ông Lục Khảng lớn tiếng nói bất chấp thực tế rằng chính những hành động đơn phương và phi pháp của Trung Quốc trên đá Chữ Thập mới đe dọa an ninh khu vực.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng hoạt động tuần tra của Mỹ “một lần nữa chứng minh hoạt động xây dựng các cơ sở phòng vệ trên các đảo đá thuộc Trường Sa là hoàn toàn hợp lý và cần thiết”.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry nói rằng chuyến tuần tra của tàu USS William P. Lawrence không phải là một tín hiệu được gửi trước khi Tổng thống Barack Obama đến công du châu Á cuối tháng này.
"Đây không phải là một hành động tính toán nào khác mà là một quá trình tuần tra tự do hàng hải thường xuyên được tiến hành", ông Kerry nói tại London.
Đảo Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1988. Bắc Kinh đã xây dựng ở đây nhiều cơ sở hạ tầng phi pháp, trong đó có một đường băng dài 3km đủ sức cất và hạ cánh mọi loại máy bay dân sự. Washington lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng đường băng này để thực hiện âm mưu độc chiếm hoàn toàn Biển Đông.
Theo Reuters, Một thế giới