Phim điện ảnh có nội dung thảm họa không phải lúc nào cũng có nghĩa là doanh thu đáng thất vọng. |
10. Cars 2 (2011)
Khi đính kèm cái danh Pixar lên mỗi bộ phim, kì vọng của người xem cứ thế mà tăng lên tận mây xanh. Tuy nhiên theo cánh phê bình, Cars là bộ phim dở nhất của Pixar tính tới thời điểm đó, nếu như xét đến những tác phẩm kinh điển trước đó của hãng hoạt hình này như series Toy Story, Finding Nemo, A Bug’s Life, Monsters Inc hay The Incredibles.
Thế nhưng cứ như chưa đủ, Pixar còn quyết định làm thêm Cars 2. Để giải thích điều gì khiến Cars 2 trở nên khủng khiếp thì có lẽ bắt nguồn từ việc lấy chủ đề là những chiếc ô tô được nhân cách hóa. Khán giả không cảm thấy đồng cảm với một đống xe có răng và mắt. Với người lớn, chủ đề phim là một thứ thuộc về lĩnh vực "trẻ em". Còn với trẻ em, sự hài hước trong Cars 2 nằm ngoài khả năng nhận thức của chúng. Đấy là chưa kể nhân vật chính trong phần này là Tow Mater vừa nhạt nhẽ vừa khó chịu. Cho đến giờ, quyết định từ Pixar làm thêm phần 2 bộ phim tệ nhất trong lịch sử của họ vẫn còn là một bí ẩn ngang với bí ẩn về tam giác quỷ Bermuda.
9. Star Wars Episode I: Phantom Menace (1999)
Star Wars Episode I: The Phantom Menace là phần đầu tiên trong bộ ba prequel của loạt Star Wars. Tương tự những phần phim gốc, đạo diễn huyền thoại George Lucas là người ngồi trên ghế chỉ đạo. Lấy bối cảnh 30 năm trước của loạt phim phim Star Wars gốc, The Phantom Menace xoay quanh câu chuyện hai hiệp sĩ Jedi hộ tống nữ hoàng Padmé Amidala chạy trốn khỏi hành tình Naboo. Trên đường đi đến hành tình Coruscant tìm cách hòa giải mâu thuẫn, họ phải ghé hành tinh Tatooine. Tại đây, hiệp sĩ Qui-Gon Jinn gặp cậu bé nô lệ Anakin Skywalker. Ông tin rằng cậu bé, với các tài năng kỳ lạ, sẽ là một hiệp sĩ đem lại sự cân bằng cho vũ trụ rối loạn.
Không quá khó hiểu khi phần phim này thu được tới tiền tỉ trên các phòng vé. Chỉ riêng thương hiệu Star Wars cũng đủ để làm nên thành công thương mại cho bộ phim, và đúng, ai chẳng thích hoài cổ
Một số người có thể nói những gạch đá mà Star Wars Episode I: The Phantom Menace nhận được đến từ những fan quá kỳ vọng hoặc giới phê bình khó tính. Tuy nhiên xét đến kịch bản nhạt nhòa, diễn xuất thiếu thuyết phục và nội dung tuyệt vọng, thì những lời phàn nàn trên không phải là không có căn cứ.
8. Spider-Man 3 (2007)
Nói gì đây anh Nhện 3? Các cảnh rượt đuổi và chiến đấu giữa Peter Parker và Harry Osborn trông vô cùng chậm chạp và mệt mỏi. Phần phim dở tới mức thúc đẩy hãng phim phải làm nguyên cả phần reboot, phần phim mà CGI khiến khán giả lắc đầu ngao ngán, nhồi nhét các phản diện vào 139 phút trên màn hình, mặc dù vậy vẫn đánh một mốc son vào danh sách những bom tấn thu bộn tiền.
Bằng cách nào đó, Spider-Man 3 trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trong cả 3 phần, nhưng cũng là bộ phim "hổ lốn" nhất. Đây cũng là ví dụ cho thấy không phải lúc nào đưa vào phim siêu anh hùng nhiều đối thủ để nhân vật chính "cân tất" cũng là một ý hay, nhất là khi bộ phim không được nâng đỡ bởi những nhà làm phim chắc tay như anh em Russo hay Joss Whedon chẳng hạn.
7. Meet the Fockers (2004)
Meet the Fockers là bộ phim hài lãng mạn của đạo diễn Jay Roach, với sự tham gia của những cái tên lớn như Ben Stiller hay Robert De Niro. Bộ phim xoay quanh nội dung cũ mèm: Greg Focker và vị hôn thê của ông Pam, cùng nhau phải đối mặt với một thời gian khó khăn trong gia đình.
Trong khi một số người vẫn có thể cười thoải mái với những trò đùa liên quan đến bộ phận cơ thể như của quý hay ngực phụ nữ, số khác thì không. Đáng lẽ ra nội dung thô tục của phim nên được cảnh báo trên tiêu đề, nhưng không, tên phim "thảo mai" cùng dàn diễn viên đã thu hút nhiều khán giả tới rạp. Thật ngạc nhiên là rất nhiều người lại tỏ ra khoái bộ phim này (doanh thu nói lên điều đó), với con số hơn 500 triệu đô dành cho một tác phẩm không xứng đáng.
6. Shrek the Third (2007)
Phần 3 của Shrek kể về những sự kiện hậu hôn nhân giữa Shrek và công chúa Fiona. Nhà vua sắp băng hà muốn nhường ngôi lại cho con rể, nhưng ông con rể không thích và lên đường đi tìm người kế thừa xứng đáng tên là Arthur.
So với 2 phần trước, Shrek the Third là một nỗi thất vọng hoàn toàn. Rõ ràng đây lại không phải là bộ phim cho trẻ con nữa khi mà mỗi câu đùa cợt lại tế nhị gợi ý đến tình dục và rượu. Chưa hết, bộ phim kết thúc với màn diễn văn không thể chán hơn. Tuy nhiên vì sức hút từ thương hiệu 2 phần trước của DreamWorks Animation quá lớn, khán giả vẫn cứ đến rạp và ra về với tâm thế bối rối, dẫn tới kết quả con số ấn tượng gần 800 triệu đô doanh thu toàn cầu.
5. The Da Vinci Code (2006)
Đạo diễn Ron Howard người từng thành công với Apollo 13 đã bắt tay thực hiện chuyển thể cuốn tiểu thuyết bán chạy của Dan Brown thành bộ phim cùng tên, với vai giáo sư trên thông thiên văn dưới tường địa lý Robert Langdon giao cho Tom Hanks.
Paul Bettany trước khi trở thành Vision của Marvel thì anh là con chiên cuồng đạo trong The Da Vinci Code
Cốt truyện là một âm mưu vẫn được đồn thổi từ lâu trên internet, rằng chúa Jesus thực ra đã cưới Mary Magdalene. Nhà thờ tất nhiên là sống chết để che đậy điều này, nhưng cũng có những kẻ khác sống chết để khui ra bí mật.
Nếu như phiên bản tiểu thuyết gốc đã cực kì thành công trong việc lý giải tất cả mọi thuyết âm mưu dài ngoằng từ hàng trăm năm trước, thì một bộ phim cố gắng nhồi nhét tất cả kiến thức đó trong 2 tiếng đã khiến nó như một thước phim 20 tiếng. Diễn xuất trong phim cũng đáng phàn nàn, khi Tom Hanks như một con rối chỉ biết đi giảng giải và chạy khắp nơi. Tuy nhiên, với danh tiếng của tiểu thuyết bộ phim đã thu về đủ tiền để chuyển thể tiểu thuyết tiếp theo của Dan Brown (và vẫn Tom Hanks tiếp tục khổ hạnh vào vai Langdon).
4. Pearl Harbor (2001)
Vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, quân đội phát xít Nhật đã tấn công bất ngờ vào hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng. Sự kiện này đã được chuyển thể thành phim vào năm 2001 và nhận được một Oscar cho Biên tập âm thanh xuất sắc nhất và một vài đề cử Oscar.
Vậy tại sao bộ phim lại có tên trong danh sách ư? Đầu tiên, đừng hy vọng đây là phim chiến tranh theo kiểu Schindler’s List hay Saving Private Ryan. Trái lại, Pearl Harbor được đạo diễn bởi Michael Bay (giờ các bạn đã thấy điều gì sắp xảy ra chưa). Pearl Harbor là một chuỗi cháy nổ kết hợp với các câu thoại sến, tình yêu tay ba tuổi xì tin và rất – rất – nhiều CGI. Thứ hai, kịch bản của phim cùng diễn xuất của các diễn viên quá yếu. Anh Dơi mập Ben Affleck đã chứng tỏ khả năng lãnh đạm của mình từ khi còn là một diễn viên trẻ, cũng giống như các bạn diễn Josh Hartnett hay Kate Beckinsale.
3. Transformers: Age of Extinction (2014)
Transformers: Age of Extinction được giới thiệu như một phần reboot của cả loạt phim, vì thế một vài nhân vật sẽ thay đổi. Dàn diễn viên chào đón Mark Wahlberg vào vai nhân vật chính, một vài diễn viên tài năng cũng vẫn ở lại (nhưng cũng không liên quan lắm vì họ có phải kí hợp đồng đóng phim để diễn đâu).
Không có gì sai khi xem Optimus Prime cưỡi Grimlock đi tiêu diệt kẻ xấu, nhưng ngoài ra thì phần phim này chẳng có gì mới hay tốt hơn. Các phim về Transformers đều na ná một nột dung 3 phần: phần 1 giới thiệu về nhân vật (không còn gì chán bằng phần này), phần 2 là mâu thuẫn giữa chính phủ Mỹ và người ngoài hành tinh và phần cuối cùng không gì khác ngoài hàng loạt vụ cháy nổ tơi bời.
Transformers: Age of Extinction như một sự trừng phạt của Michael Bay dành cho lũ fan hâm mộ cháy nổ. Vị đạo diễn nhồi nhét các hiệu ứng CGI nhiều tới mức bao tử người xem phải cầu xin tha thứ. Đây cũng có lẽ là đạo diễn duy nhất có khả năng khiến khán giả phát ngán vì hành động. Tuy nhiên, vì tình yêu với Robot biến hình, người ta vẫn kéo nhau ra rạp để thách thức tiền đình của mình trong suốt 165 phút.
2. The Twilight Saga
Thỉnh thoảng thật khó để tin rằng một series phim chỉ với 5 phần xoay quanh tình yêu giữa ba thanh niên diễn xuất kém điểm xuyết hiệu ứng CGI sinh động và các khoảnh khắc sến cũng đem về 3 tỉ đô la đút túi cho hãng phim.
Edward là một thanh niên đẹp trai luôn ga lăng với bạn gái Bella – nhàm chán nhất vũ trụ và hay trích quote. Jacob là một người sói bị Bella friendzone nhưng may thay lại crush với một em bé mới đẻ nên nói chung cũng không bất hạnh mấy.
Phần cuối của loạt Twillight được tách ra làm hai, bắt chước Harry Potter and the Deathly Hallows để thu được nhiều tiền nhất có thể. May phước cho khán giả là Breaking Dawn – Part 2 còn có 10 phút đánh lộn ở cuối phim (mặc dù nó thậm chí còn chả phải là đánh nhau thật), nếu không khán giả sẽ bỏ tiền ra để coi gần 2 tiếng đối thoại vô nghĩa và tình yêu lãng xẹt.
1. Fifty Shades of Grey (2015)
Chỉ có một bộ phim có thể đánh bại loạt Twillight về độ nhảm lẫn khả năng kiếm tiền trên độ nhảm chính là Fifty Shades of Grey. Câu chuyện kể về một em nữ còn trinh tên Anastasia Steele đi phỏng vấn gặp ngay CEO thành đại đẹp trai 6 múi Christian Grey. Điều quan trọng là Grey nghiện BDSM (khổ dâm, bạo dâm).
Cũng như Twillight, nam chính xinh trai lồng lộng Edward luôn muốn kiểm soát cô bạn gái nhạt nhẽo Bella, Grey cũng muốn làm điều tương tự với Anastasia. Còn cô bạn gái thì không tự quyết được điều gì, lúc nào cũng lẽo đẽo theo sau bạn trai quyền lực và không có anh ấy thì lồng lộn cả lên.
Một bộ phim thu về hơn 500 triệu đô la với nội dung về một cô gái tuổi đôi mươi chưa một lần làm tình, tình nguyện hiến thân cho một tỉ phú nghiện BDSM chỉ vì anh ta yêu cầu điều đó? Những người bảo vệ cho nữ quyền không thể đổ lỗi cho cánh đàn ông trong trường hợp này, vì tiểu thuyết gốc do một phụ nữ viết, kịch bản phim do phụ nữ chấp bút và đạo diễn cũng là nữ nốt. Đoán xem, khán giả chính là ai? Phần đông là nữ. Nếu như chính phụ nữ cũng cổ súy cho cách sống và hành động của Anastasia thì biết trách ai đây?
Sẽ không có gì để nói nhiều nếu như Fifty Shades of Grey được xây dựng như một bộ phim khiêu dâm hướng đến đối tượng nghiện tình dục. Nhưng không, cách làm phim thích quảng cáo với khán giả đại chúng đây là tác phẩm lãng mạn nhất mà bạn từng xem cơ, kể cả khi hai diễn viên chính ghét nhau ra mặt và rõ ràng lên phim chẳng có tí cảm xúc nào trao nhau.
Theo Trí thức trẻ