Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường của Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) diễn ra lần 1 ngày 20/6 đã không thành công. Kết quả này đã được tiên liệu trước và GPBank đã có kế hoạch cho họp lần 2, lần 3.
GPBank đã “hụt” vốn bao nhiêu?
Mục đích của cuộc họp này là yêu cầu cổ đông góp thêm vốn, bù đắp phần thiếu hụt của vốn điều lệ. Tuy nhiên, cuộc họp này đã bất thành do cổ đông đến tham dự hoặc được ủy quyền đến dự chưa đạt đủ tỷ lệ tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định.
Vì vậy, GPBank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 vào cuối tuần này 27/6 với điều kiện phải đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 51% cổ phần có quyền biểu quyết. Nếu lần 2 thất bại, ngân hàng sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần 3 vào ngày 2/7 và đại hội sẽ diễn ra mà không phụ thuộc vào số cổ đông đến dự họp cũng như tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết.
GPBank là một trong 9 ngân hàng phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước từ đợt đầu tiên. Với tình hình hiện tại, liệu GPBank có thể tăng vốn pháp định theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước được không?
Được biết, vốn điều lệ của GPBank tính đến cuối năm 2010 là 3.018 tỷ đồng. Việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phương án bổ sung vốn điều lệ cho thấy ngân hàng này đã hoạt động thua lỗ và âm vào vốn điều lệ. Tuy nhiên con số là bao nhiêu phải đợi công bố.
Một chuyên gia ngân hàng dự báo khả năng GPBank sẽ bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng nếu như các cổ đông không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ theo pháp định.
Kết quả này được nhìn qua trường hợp của Ngân hàng Xây dựng, OceanBank… Hai ngân hàng này cũng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng khi cổ đông không thông qua được phương án bổ sung vốn điều lệ.
Tăng vốn hỏa tốc...
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng dự đoán đại hội lần 2 của GPBank sẽ được tổ chức thành công. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công của việc tăng vốn điều lệ là rất ít. Bởi cổ đông đồng thuận góp vốn là rất khó. Các chuyên gia đều nghiêng về khả năng Ngân hàng Nhà nước mua lại GPBank với giá 0 đồng nhiều hơn.
Kịch bản sau khi mua lại GPBank với giá 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giao lại cho VietinBank quản lý, đại diện cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cơ cấu lại ngân hàng này. Hiện người đại diện cho GPBank đang là bà Trần Thị Lệ Nga, nguyên Trưởng ban kiểm soát của VietinBank.
Cản trở lớn nhất của cổ đông hiện nay là thông tin tài chính thực tế của GPBank quá ít để đi đến sự đồng thuận “cứu” ngân hàng. Vị chuyên gia này cũng cho biết chắn chắn kiểm toán nội bộ đã có vấn đề khi 5 năm qua ngân hàng này không công bố thông tin rộng rãi, dù là một công ty đại chúng.
Hơn nữa, thực tế để một ngân hàng tăng quy mô vốn là điều không dễ dàng gì ngay cả khi đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn như DongABank, MB, SHB,… nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thành công.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước ra tối hậu thư yêu cầu GPBank thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ phải được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày 04/6/2015. Vậy cổ đông nào sẽ có đủ tiềm lực tài chính cứu được GPBank lúc này?
Được biết, vào tháng 9/2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chuyển nhượng phần vốn góp của GPBank cho CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) để trở thành cổ đông lớn của GPBank với số cổ phần sở hữu là 9.753.900 cổ phần (tương đương 97,539 tỷ đồng) chiếm 9,759% vốn điều lệ của GPBank. Từ đó đến nay cũng không có thông tin thêm về việc PVFI đang nắm bao nhiêu vốn hay ngân hàng công bố việc tổ chức này thoái vốn.
Tài liệu công khai duy nhất trên website ngân hàng hiện là báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2010, tổ chức nắm giữ trên 5% cổ phần chỉ thấy điểm tên CTCP Quản lý quỹ đầu tư FPT nắm 5,84% vốn GPBank. Các pháp nhân nắm giữ 27,42% cổ phần ngân hàng này.
Nhìn lại trường hợp của OceanBank, một cổ đông lớn như PVN từng nắm tới 20% vốn tại Oceanbank nhưng rốt cuộc vẫn để mất trắng số vốn này khi không thể góp thêm vốn. Vì vậy, hy vọng cổ đông “cứu” GPBank lại càng mong manh hơn.
Theo Bizlive