Ngân hàng Nhà nước dọn đường quốc hữu hóa GPBank?

Việc Ngân hàng Nhà nước “truất” quyền của 3 thành viên HĐQT GPBank, đồng thời cử người củaVietinBank sang làm đại diện GPBank dường như đang dọn đường cho việc quốc hữu hóa GPBank. GPBank không thể tự tìm cách cứu mình thì việc Ngân hàng Nhà nước ra tay là điều khó tránh...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành một số quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ đối với một số chức danh Hội đồng quản trị và chỉ định người đại diện của Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Cụ thể, căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng và xét thực trạng quản trị, điều hành của GPBank, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ với 3 thành viên HĐQT của GPBank là ông Tạ Bá Long, ông Đoàn Văn An và bà Tạ Thu Thủy. Trong đó, ông Tạ Bá Long là Chủ tịch HĐQT và ông Đoàn Văn An là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của GPBank.

Đồng thời, để đảm bảo hoạt động của GPBank tiếp tục diễn ra bình thường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định chỉ định bà Trần Thị Lệ Nga là người đại diện (bao gồm người đại diện theo pháp luật) của GPBank kể từ ngày 08/4/2015. Bà Trần Thị Lệ Nga nguyên là Trưởng ban Kiểm soát của VietinBank.

Như vậy, PGBank là trường hợp tiếp theo được Ngân hàng Nhà nước điều cán bộ của VietinBank sang quản lý. Trước đó, sau khi mua lại ngân hàng OCeanBank với giá 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng điều động hàng loạt cán bộ của VietinBank sang nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt.

Việc thay đổi nhân sự cấp cao của GPBank, đặc biệt người đại diện pháp luật mới của ngân hàng này lại đến từ VietinBank đã cho thấy, nhiều khả năng, GPBank có thể là ngân hàng tiếp theo bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

GPBank là một trong 9 ngân hàng yếu kém bắt buộc phải tái cơ cấu đợt 1. Tuy nhiên, đến nay, trong khi 8 ngân hàng còn lại đã "chốt" được phương án tái cơ cấu, nhiều ngân hàng trong số đó đã có sự bứt phá mạnh mẽ thì GPBank vẫn loay hoay chưa thể tìm được phương án trục vớt chính mình.

Trao đổi với báo chí đầu năm nay, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho biết cơ quan này đã có kế hoạch xử lý cụ thể với các trường hợp ngân hàng yếu kém như GPBank, Ngân hàng Đại dương (OceanBank). Theo đó, GPBank và OceanBank có thể sẽ được quốc hữu hóa giống trường hợp Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) (mua lại với giá 0 đồng). Đến thời điểm này, OceanBank đã được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng theo đúng như dự đoán còn GPBank vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược.

Cách đây vài tháng, ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc GP.Bank, trả lời trên báo chí rằng: “Thời gian vừa qua ngoài các đối tác nước ngoài cũng có nhiều đối tác trong nước đến tìm hiểu và họ đã nhận thấy GPBank là ngân hàng ổn định, có những nền tảng cơ bản rất tốt nên đã quyết định đầu tư vào”.

Cũng theo ông Thắng, GPBank đã lựa chọn được các đối tác trong nước là các cá nhân và các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, có khả năng và kinh nghiệm quản lý, điều hành. Tuy nhiên, những động thái mới của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, khả năng thương vụ "kết duyên" với đối tác trong nước của GPBank bất thành, giống như ý định bán 100% vốn cho đối tác ngoại (Ngân hàng UOB của Singapore) cũng thất bại trước đó. Nếu không thể tìm được nhà đầu tư mới sẵn sàng bơm vốn để bù đắp phần vốn bị âm, khả năng bị quốc hữu hóa tương tự như VNCB hoặc OceanBank, đối với GPBank, là khó tránh khỏi.

Năm 2015 là năm cuối cùng của Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (Đề án 254), đồng nghĩa với việc phải xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém. Các chuyên gia cho rằng, 3 năm để GPBank tìm ra phương án tái cơ cấu đã là sự ưu ái của Ngân hàng Nhà nước, và nếu trong thời gian này, GPBank không thể tự tìm ra giải pháp cứu mình thì việc Ngân hàng Nhà nước ra tay là điều khó tránh, nếu không sự tồn tại của ngân hàng này sẽ là gánh nặng cho toàn hệ thống.

Dĩ nhiên, trong bối cảnh hiện nay, dù GPBank bị xử lý theo cách nào thì quyền lợi của người gửi tiền và khách hàng vẫn được bảo đảm.

Theo Đầu tư