Khoảng một năm nay tại VN xuất hiện các sàn đấu giá tranh và bước đầu mang lại tín hiệu đáng mừng song bên cạnh đó đã xuất hiện và nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực chưa thể giải quyết ngay lập tức vì chưa có quy định pháp chế cụ thể. Ví dụ, việc một sàn đấu giá tranh đình đám với các tác phẩm nghệ thuật được bán với giá cao, trong đó có những tác phẩm bán với giá hàng tỷ đồng xong “chốt hạ” chủ sở hữu chấp nhận mất tiền đặt cọc chứ không mua tác phẩm đó nữa, gây ra sự tranh cãi ầm ĩ không cần thiết sau đó; hay các tác phẩm tranh nổi tiếng của các cố họa sĩ đình đám được phát giá ban đầu khá cao và được bán với mức giá cao gấp đôi lại bị gia đình tác giả lên tiếng khẳng định đó không phải là tác phẩm gốc…
Những vấn đề này không chỉ gây bất mãn hay mất niềm tin của các họa sĩ, các tác giả trong lĩnh vực hội họa nói riêng và lĩnh vực nghệ thuật nói chung mà còn khiến các “thượng đế” không hứng thú với thị trường này.
Tranh giả- vấn nạn không chỉ với sàn đấu giá tranh
Cách đây hơn chục năm, tại Hà Nội, việc đấu giá tranh đã diễn ra nhưng theo kiểu đơn lẻ và được tổ chức một cách ngẫu hứng giữa tác giả và “fan” hâm mộ nhằm gây quỹ từ thiện hơn là một hoạt động chuyên nghiệp có tầm ảnh hưởng và sự thu hút lớn. Khoảng gần một năm trở lại đây các nhà đầu tư mới đã quan tâm và mở rộng hướng phát triển vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, không chỉ với các nhà đầu tư mà cả với các nhà quản lý trong lĩnh vực hội họa cũng vấp phải những vấn đề nan giải với nạn tranh giả.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật VN cho biết: “Tôi chưa tìm hiểu kĩ về cách thức hoạt động của các sàn giao dịch tranh Việt Nam nhưng đây là xu hướng chung mà thế giới đã thực hiện từ lâu.
Tuy nhiên, cái gì mới cũng gặp nhiều khó khăn mà trong đó có những vấn đề như: chưa đủ điều kiện để hoạt động, chưa đủ cơ sở pháp lý kèm theo nên cần một thời gian cho việc “tập dượt”. Khung cảnh chung trong nước cũng chưa đạt được các giá trị chuẩn mực cho việc sàn tranh hoạt động hiệu quả: ví dụ việc xuất hiện tràn lan tranh giả và chúng ta chưa có các phương tiện, máy móc hay các kỹ năng cần thiết cho việc phát hiện hay phòng ngừa.
Cá nhân tôi ủng hộ việc xuất hiện và đi vào hoạt động của các sàn tranh vì nó thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng, tạo ra một thị trường lành mạnh và thu hút các nhà đầu tư cũng như giới mộ điệu thực sự không chỉ trong nước mà còn cả Quốc tế “ngó” vào Việt Nam.
Sự hoạt động của các sàn giao dịch tranh còn tạo điều kiện cho các tác giả trẻ khẳng định giá trị và đóng góp vào sự nhộn nhịp, đa dạng của thị trường còn bỏ ngỏ, chưa được “kích hoạt” và hoạt động chưa hiệu quả này.
Trao đổi với phóng viên, họa sĩ Đào Anh Khánh, người từng tham gia vào các cuộc đấu giá tranh cách đây hơn chục năm ở Hà Nội cho biết:
“Sàn đấu giá tranh và đấu giá tranh từ thiện là hai khái niệm khác hẳn nhau. Nếu sàn đấu giá tranh mới xuất hiện ở nước ta một hai năm nay là hình thức bán tranh chính thống, đúng tính chất thương trường thì đấu giá tranh từ thiện là hình thức đấu giá không chính thống hay đấu giá không có điều kiện. Ví dụ, một đơn vị nào đó đứng ra thực hiện quyên góp từ thiện sẽ huy động các nghệ sĩ tham gia vào hoạt động từ thiện và mọi người cùng đóng góp cho sự kiện đó một cách vô tư. Còn hoạt động của sàn đấu giá tranh hiện nay đặt ra rất nhiều điều kiện bắt buộc, tôi cũng mới được một bên mời tham gia và đây là lần đầu tiên tôi có thể tham gia vào hình thức đấu giá này.
Lâu nay chúng ta chưa có một sàn đấu giá tranh chính thống nào, gần đây ở nước ta đã xuất hiện một hai sàn tranh, chưa rõ các sàn tranh sẽ hoạt động thế nào nhưng trước mắt nó tác động tích cực tới thị trường tranh trong nước đồng thời nó cũng có tác động tốt đến việc xác định một phần giá trị của các tác giả- tác phẩm ở nước ta. Dĩ nhiên, cái gì ban đầu cũng khó khăn và chúng ta nên tham khảo cách thức hoạt động của các sàn tranh nổi tiếng ở nước ngoài khi có điều kiện giao lưu, trao đổi.
Còn với cá nhân tôi khi nhận lời đưa tác phẩm tới sàn tranh nào đó tôi cũng phải cân nhắc thật kỹ về mọi mặt bởi chắc chắn tôi không thể đưa tới một bản copy hay bị sửa chữa của chính mình. Tôi được biết thông tin rằng: những sàn tranh có nghề, có thương hiệu trên thế giới họ chuyên bán sản phẩm nghệ thuật được đánh giá là 1 bản thực, không phải bản giả và mang tính độc bản, chỉ khi đảm bảo được tính độc bản người mua mới yên tâm đấu giá theo thị trường”.
Nâng tiền cọc để tăng tính ràng buộc khi đấu giá?
Trao đổi với chúng tôi xoay quanh vấn đề này, ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc dự án Viet Art Space, một trong những thành viên Tổ chức Nhà đấu giá Chọn cho biết: “Về việc các nhà đầu tư đặt cọc mua tranh với giá cao rồi sau đó chấp nhận mất tiền đặt cọc rồi không tới đấu giá, không mua tranh thì điều này chưa sảy ra với sàn đấu giá Chọn nhưng nếu có trường hợp đó xảy ra chúng tôi sẽ chiểu theo luật nhà nước ban hành. Còn với nạn tranh giả thì nó là vấn đề đối với cả đất nước này, rất may, tới nay chúng tôi chưa vấp phải tuy nhiên nếu có chúng tôi sẽ giải quyết theo các điều khoản ký trong hợp đồng với người gửi đồ để đấu- tức người gửi tác phẩm tới đấu giá. Điều khoản đó ghi rõ: người gửi tác phẩm phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chúng tôi mong rằng sẽ sớm có các quy định cụ thể của nhà nước cho hoạt động còn mới mẻ này”.
Trò chuyện với phóng viên, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật- Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Về phía các nhà quản lý, chúng tôi ủng hộ sự ra đời và đi vào hoạt động của các sàn đấu giá tranh tại Việt Nam. Tuy nhiên cái gì mới cũng gặp nhiều khó khăn và cần thời gian cùng quá trình hoạt động để hoàn thiện dần lên, chuyên nghiệp hơn- điều này cần thiết cho sự phát triển của một thị trường minh bạch, công khai. Tuy mới xuất hiện và đi vào hoạt động nhưng một vài sàn tranh tại Việt Nam đã có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài- đây là tín hiệu đáng kích lệ.
Quan sát sự hoạt động của các sàn tranh thời gian qua chúng tôi thấy có một vài nổi cộm, ví như tranh cãi về các bản đấu giá là thật hay giả, những lùm xùm về việc đặt cọc và bỏ cọc… chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm một thời gian nữa để xây dựng các thông tư đi kèm cho các hoạt động này sao cho sát với thực tế, cụ thể và chuẩn xác. Ví như việc đặt cọc các tác phẩm nghệ thuật rồi sẵn sàng bỏ cọc thì sẽ điều chỉnh mức cọc lên cao hơn để nâng tính ràng buộc…”.