Kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Phần 6: Bước đường cùng của Nhà Trắng

VietTimes – Chi phí của Mỹ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã lên đến mức "không thể chịu được nữa", 30 tỉ USD/năm! 30 tỉ USD/năm, tức là hơn 80 triệu USD/ngày, 3,5 triệu USD/giờ, 54.844 USD/phút và 947 USD/giây. 30 tỉ USD/năm, tức gấp đôi toàn bộ số vàng dự trữ lúc bấy giờ của nước Mỹ.
Tổng thống thứ 37 của Mỹ Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger
Tổng thống thứ 37 của Mỹ Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger

Phần 5: Quyết định làm tiêu tan sự nghiệp của Thổng thống Mỹ Johnson

Thừa hưởng một “gia tài rỗng tuyếch”

Ngày 20/1/1969, Richard Nixon bước chân vào Nhà Trắng, trở thành Tổng thống thứ 37 của Hợp chủng quốc Hoa Kì giữa lúc nước Mỹ đang gặp muôn vàn khó khăn bế tắc do cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam gây ra. 

Như đánh giá của báo chí Mỹ, người tiền nhiệm của Nixon là Johnson đã "rút hết những con bài có giá trị để tung vào lò lửa Việt Nam", để lại cho Nixon "một gia tài rỗng tuyếch" và "đụng vào đâu cũng thấy vấn đề". Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Melvin Laird đã phải sửng sốt về phí tổn phải trả cho chính sách "chiến đấu trước, trả sau" của chính quyền Johnson.

Chi phí của Mỹ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã lên đến mức "không thể chịu được nữa", 30 tỉ USD/năm! 30 tỉ USD/năm, tức là hơn 80 triệu USD/ngày, 3,5 triệu USD/giờ, 54.844 USD/phút và 947 USD/giây. 30 tỉ USD/năm, tức gấp đôi toàn bộ số vàng dự trữ lúc bấy giờ của nước Mỹ.

Richard Nixon tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 37 của nước Mỹ vào ngày 20/1/1969. (Ảnh: CNN) ------------ Xem thêm: Lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ từ năm 1953 tới nay, http://vietbao.vn/The-gioi/Le-tuyen-the-nham-chuc-Tong-thong-My-tu-nam-1953-toi-nay/150806041/162/ Tin nhanh Việt Nam ra thế giới vietbao.vn
Richard Nixon tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành Tổng thống thứ 37 của nước Mỹ với "một gia tài rỗng tuyếch" và "đụng vào đâu cũng thấy vấn đề". Ảnh: CNN.

Cuộc chiến tranh đã làm chậm tốc độ phát triển nền kinh tế Mỹ, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống ở Mỹ. lực lượng Mỹ đưa sang Việt Nam cũng đã lên "đến mức báo động". Nếu đưa sang Việt Nam thêm 200.000 quân nữa theo yêu cầu của tư lệnh chiến trường Westmoreland để nâng tổng số lên 750.000, thì có nghĩa là phải huy động 1.500.000 lính để chi viện chiến đấu, hỗ trợ hậu cần, trong khi tổng quân lực Mỹ chỉ có 3.500.000 đang phải rải khắp thế giới để "tạo dựng hòa bình".

Những thất bại liên tiếp, ngày càng lớn, càng nhiều, gần như "thất bại toàn diện" đã ảnh hưởng xấu đến tinh thần binh sĩ Mỹ. "Hầu hết quân nhân Mỹ từ binh nhì đến đại tá đều đếm từng ngày, chờ đến khi mãn hạn 1 năm để được trở về nước" (Newsweek, 11/5/1970). "Quân đội Mỹ ở Việt Nam không còn là đội quân nhà nghề; càng ngày nó càng trở nên một đội quân của những binh sĩ chống chiến tranh, chống quân dịch" (NewYork Times, 23/12/1970).

Trước tình hình đó, giữa năm 1969, tân Tổng thống Nixon có cuộc gặp với Thiệu - Kì tại Honolulu. Tại đây, Nixon đã đưa ra ý tưởng thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Theo đó, quân ngụy phải "chia sẻ trách nhiệm", gánh vác phần tác chiến trên bộ, quân Mỹ sẽ tuần tự rút về nước theo kiểu nhỏ giọt, nhưng Mỹ vẫn duy trì lực lượng không quân và hải quân để hỗ trợ quân ngụy và tạo "sức mạnh răn đe".

Nixon đảm bảo riêng với Thiệu rằng viện trợ của Mỹ cho Sài Gòn vẫn sẽ đều đặn. (Về sau, Thiệu nhớ lại: "Tôi không lạc quan, song buộc phải tin vào vị lãnh tụ của thế giới tự do"). Nixon cũng đưa ra chủ trương đàm phán nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam bằng biện pháp chính trị, song thực chất là đàm phán trên thế mạnh, buộc Ta phải chấp nhận những điều kiện ngang ngược do Mỹ đề ra.

Sau hội nghị, chính quyền Nixon cử sang miền Nam Việt Nam nhiều đoàn chuyên viên để nghiên cứu tình hình, giúp cho việc soạn thảo kế hoạch thực hiện. Đoàn của Bộ Quốc phòng Mỹ do đại tá, giáo sư Donald Marshal cầm đầu nghiên cứu việc trang bị quân sự cho quân ngụy. Giáo sư Milton Shark dẫn đầu đoàn của CIA nghiên cứu việc xây dựng mạng lưới gián điệp, các thủ đoạn đánh phá phong trào cách mạng. Viện Nghiên cứu chiến lược RAND nghiên cứu chính sách tổng thể cho "Việt Nam hóa". Đoàn của Đại học Columbia đi sâu vào các vấn đề kinh tế, v.v.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đưa ra 4 chủ trương, đồng thời là 4 biện pháp lớn để thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", như sau:

Về quân sự: Tăng cường quân ngụy để bù đắp cho số quân Mỹ rút về nước. Cải cách biên chế, thay đổi trang thiết bị để quân ngụy có thể tự đảm đương chiến tranh. Hai gọng kìm chủ yếu là "quét và giữ", trong đó giữ đất là nòng cốt. Quân ngụy đảm nhiệm được đến đâu, quân Mỹ sẽ rút dần đến đó. Lục quân rút trước, không quân, hải quân và lực lượng cố vấn rút sau. Biện pháp này là 'xương sống" của "Việt Nam hóa".

Thời gian quân Mỹ rút dự kiến là 4 năm, trung bình mỗi tháng rút 20.000 tên và đến tháng 1/1973 sẽ chỉ để lại 23.000 tên dưới danh nghĩa cố vấn. Sau này, khi chuẩn bị kí Hiệp định Paris, Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ (MACV) tại Sài Gòn được chuyển thành Cơ quan tùy viên quân sự (DAO) cho phù hợp với các điều khoản của Hiệp định.

Thực hiện chủ trương tăng cường khả năng chiến đấu cho quân đội Sài Gòn, Mỹ - ngụy  biên chế ngụy quân thành hai lực lượng chiến lược là lực lượng chính quy cơ động và lực lượng tại chỗ (gồm bảo an, dân vệ và quân bán thoát li).

Được sự hỗ trợ của Mỹ, chính quyền Sài Gòn cho thành lập nhiều trung tâm huấn luyện tân binh, các trường đào tạo sĩ quan..., trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ sĩ quan cấp úy. Họ đề bạt hàng loạt sĩ quan các cấp: từ năm 1969 đến năm 1971, đề bạt 65% sĩ quan cấp tướng, 93% sĩ quan cấp tá, 86% trung úy, 97% thiếu úy so với tổng số sĩ quan. Ra sức bắt lính, đến cuối năm 1974, tổng số ngụy quân đã lên đến con số 1,1 triệu tên; tổ chức thành 13 sư đoàn, 15 trung đoàn chính quy gồm 168 tiểu đoàn; 367 tiểu đoàn, 284 đại đội bảo an; và 5.200 trung đội dân vệ. Ngoài ra, còn có 1.400.000 phòng vệ dân sự, trong đó 380.000 tên có vũ trang.

Mỹ: Làm sao nắm chắc được miền Nam Việt Nam, nhưng với "giá" rẻ nhất

Toàn bộ quân dụng của quân Mỹ và Nam Triều Tiên được chuyển giao cho quân ngụy, các vũ khí trang bị mới cũng được ồ ạt đưa đến. Kết quả, chỉ tính đến tháng 4/1974, quân ngụy đã có trong trang bị: 1.850 máy bay các loại (510 máy bay chiến đấu, 900 trực thắng), 1.611 tàu chiến các loại, 2.074 xe tăng, xe bọc thép, 1.492 pháo các cỡ... Mỹ không chỉ tăng số lượng, mà còn trang bị cho quân ngụy nhiều loại vũ khí tối tân như máy bay chiến đấu F-5, A-37, trực thăng UH-1, tên lửa chống tăng TOW...

Về chính trị: Củng cố ngụy quyền "ổn định", tránh tình trạng "dựng lên đổ xuống" như mấy năm trước đây. Quân sự hóa bộ máy hành chính, người đứng đầu chính quyền các cấp là sĩ quan quân đội ngụy. Thành lập "đảng" Dân chủ để tập hợp lực lượng làm hậu thuẫn cho Thiệu.

Để chọn người đứng đầu "chính thể cộng hòa", có 3 ứng cử viên được đưa ra cân nhắc là Nguyễn Cao Kì, Dương Văn Minh và Nguyễn Văn Thiệu. Mỗi người trong số họ đều có mặt được Mỹ ưa, song cũng có điểm không hợp với "khẩu vị" Mỹ. Kì xông xáo, ngổ ngáo, đặc biệt rất sùng bái Mỹ và lối sống Mỹ, tuy nhiên lại "thiếu tư cách của một chính khách" do tính "bất trắc" của y.

Minh già đời, có quan hệ rộng rãi, song là người chịu ảnh hưởng sâu nặng của Pháp, không thật có bản lĩnh và quyết đoán. Thiệu, "vui vẻ bắt tay với ai xong, người ấy phải xem tay mình còn mất ngón nào" - quá thủ đoạn và ít năng động, song bù lại, rất trung thành với Mỹ và khá khôn ngoan trong công việc chính trường.

Cuối cùng, sự lựa chọn của chính quyền Nixon dừng lại ở Nguyễn Văn Thiệu - người từng đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ anh em Diệm - Nhu năm 1963; năm 1969 đang ở tuổi 46, không già cũng không quá trẻ cho vai trò "lãnh tụ quốc gia". Về việc này, đại sứ Elsworth Bulker giải thích: "Bất trắc như Kì thì nguy hiểm, bất lực như Minh thì không xài được, còn bất động như Thiệu thì ta cứ thúc mạnh rồi sẽ động".

Tổng thống Mỹ Johnson, Tướng Mỹ William Westmoreland, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ tại Cảng Cam Ranh
Tổng thống Mỹ Johnson, Tướng Mỹ William Westmoreland, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu và Thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ tại Cảng Cam Ranh

Mỹ - ngụy cũng rất quan tâm đến việc tuyên truyền, lừa bịp, tạo dựng hình ảnh "những chiến binh kiêu hùng" để khơi dậy trong binh sĩ ngụy lòng hận thù dân tộc, khiến họ ra sức bảo vệ "Việt nam cộng hòa". Đến tháng 10/1971, nhìn chung chúng đã hoàn thành hệ thống tổ chức chiến tranh chính trị trong quân ngụy.

Về kinh tế: Thực hiện "canh tân hóa nông nghiệp", dồn dân từ các vùng "kém an ninh" vào các vùng "sản xuất lớn", tạo một lớp địa chủ mới gắn bó quyền lợi với chế độ ngụy. Tăng cường viện trợ, xây dựng một số cơ sở công nghiệp, thúc đẩy "phồn vinh" để mị dân, đồng thời để khống chế, điều khiển chính quyền Sài Gòn.

Về ngoại giao: Duy trì, song vẫn kìm hãm tiến triển các cuộc đàm phán tại Paris tùy theo tình hình chiến trường. Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhằm gây sức ép, li gián, chia rẽ phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam.

Như vậy, "Việt Nam hóa" đẻ ra rất nhiều việc, không thể làm ngay trong một lúc. Vì vậy, Mỹ chủ trương phải tiến hành theo nhiều giai đoạn, tuần tự từ thấp đến cao.

Giai đoạn 1: Ráo riết phát triển quân ngụy, chuyển giao dần nhiệm vụ chiến đấu trên bộ cho quân ngụy để song song rút dần quân Mỹ, sau khi đã làm suy yếu đáng kể "Việt Cộng". Đây được xem là giai đoạn quan trọng nhất, "có ý nghĩa sống còn" đối với sự thành công hay thất bại của "Việt Nam hóa". Về thời gian, người Mỹ hi vọng giai đoạn này sẽ hoàn thành vào năm 1972.

Giai đoạn 2: Chuyển giao cho quân ngụy nhiệm vụ tác chiến trên không, tạo điều kiện cho quân ngụy đủ sức đối phó với "Việt Cộng". Xúc tiến trang bị cho không quân ngụy loại máy bay F-5A, F-5E được xem là hiện đại nhất lúc bấy giờ.

Giai đoạn 3: Hoàn chỉnh "Việt Nam hóa" trên tất cả các mặt. Dự kiến, đến lúc ấy (năm 1980), tình hình miền Nam sẽ "ổn định", "Việt Cộng" sẽ bị đè bẹp, chiến tranh sẽ "biến mất", nhiều đơn vị ngụy quân sẽ giải thể, Việt Nam cộng hòa sẽ trở thành “một nước ổn định, phồn vinh trong "thế giới tự do", đảm nhiệm được vai trò "tiền đồn chống cộng" ở Đông nam Á.

Chính quyền Nixon nhìn thấy trong "Việt Nam hóa" nhiều cái lợi. Thứ nhất, lính chết trên chiến trường sẽ là lính bản xứ, thương vong của binh sĩ Mỹ sẽ giảm. Rút được quân về nước, Nixon sẽ xoa dịu được sự công phẫn của nhân dân Mỹ trước tình trạng con em họ bị chết và bị thương quá nhiều ở Việt Nam. Thứ hai, giảm được chi phí rất lớn, tiết kiệm được nhiều ngân khoản.

Bản thân Lầu Năm góc thừa nhận: Chi phí hàng tháng cho một binh sĩ Mỹ chiến đấu ở miền Nam Việt Nam là khoảng 2.500 USD, trong khi chi phí cho một lính ngụy chính quy chỉ mất 280 USD (giảm hơn 8 lần), còn chi phí cho một lính ngụy địa phương chỉ khoảng 100 USD. Thứ ba, Mỹ vẫn tiếp tục điều hành cuộc chiến theo ý đồ của Mỹ là biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Như vậy, mục tiêu cơ bản của "Việt Nam hóa chiến tranh" là để Mỹ vẫn nắm chắc được miền Nam Việt Nam, nhưng với cái "giá" rẻ nhất.

Về phần ngụy quyền Sài Gòn, họ cũng được hưởng những cái lợi khi thực hiện "Việt Nam hóa chiến tranh". Cái lợi thứ nhất là Mỹ rút quân, nhưng vẫn tiếp tục đổ tiền của, vũ khí trang bị vào miền Nam; chính quyền Sài Gòn không chỉ có điều kiện xây dựng một quân đội mạnh, mà còn nuôi hi vọng trở thành một "cường quốc" khu vực. Vị trí của những tên cầm đầu cũng sẽ vững chắc hơn. Cái lợi thứ hai, họ sẽ có điều kiện vơ vét, làm giàu nhờ nguồn viện trợ mà Mỹ tuồn vào miền Nam.

Lầu Năm góc và Sài Gòn tin rằng quân đội mà họ xây dựng sẽ đủ sức gánh vác trọng trách thực hiện "Việt Nam hóa chiến tranh", đồng thời còn có khả năng hỗ trợ cho các chính thể "bạn" ở Lào và Campuchia. Phát biểu kết thúc một cuộc "hội thảo", Thiệu khoe "chúng ta đã có một sức mạnh mong muốn", và "duy trì một quân lực hùng mạnh, được trang bị tốt, chúng ta nhất định thắng trong chiến lược Việt nam hóa". Còn Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đánh giá: "LLVT của cộng hòa Việt Nam lớn nhất Đông Nam Á, đứng thứ hai châu Á và hàng thứ tư thế giới. Không quân, hải quân đều "có hạng". Riêng lục quân thì rõ ràng thuộc loại mạnh trên thế giới".

Song tiếc thay, sức chiến đấu của một quân đội không chỉ đo bằng số lượng binh lính và các loại vũ khí trang bị. Các chỉ số rất cao này của ngụy quân Sài Gòn không thể lấp khoảng trống vô tận về lí tưởng chiến đấu, do vậy không thể cứu vãn được cái chính thể đã mục ruỗng từ chân đến nóc.

Chính cựu đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Bulker đã thừa nhận, "Việt Nam hóa chỉ là một kế hoạch thay đổi màu da của xác chết". Những cuộc thử sức với Quân Giải phóng đã phơi bày toàn bộ "sự hùng mạnh" của quân đội ngụy, dẫn đến sự tan rã không thể cưỡng nổi trong những ngày Tổng tiến công và nội dậy của Ta mùa Xuân 1975. Sự tan rã này đồng nghĩa với sự phá sản của chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" - bước đường cùng của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.