Cách mạng miền Nam vững tiến mỗi ngày. Không quân Mỹ báo cáo là “hệ thống phòng không Bắc Việt Nam mạnh hơn người ta nghĩ”. Trước khi Johnson đi đến quyết định này, các cố vấn khẳng định với ông ta rằng “Bắc Việt sẽ ngã quỵ trong vòng 2 tháng”. Giờ đây, người ta lại nói với ông ta là không có nhiều thời giờ như vậy.
Các tướng trẻ hăng máu vịt của Sài Gòn thách thức Johnson: Việt Nam cộng hòa đang bị cộng sản "giày xéo" bất chấp có Mỹ bên cạnh. Chủ tịch Hội đồng tướng lĩnh là Nguyễn Văn Thiệu nói: "Cộng sản đã kiểm soát 75% nông thôn. Việc đưa quân đội Mỹ vào miền Nam lúc này là nhu cầu sống còn".
Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) phán đoán việc ném bom đã làm cho Hà Nội trở nên kiên quyết hơn. Báo cáo của CIA nêu rõ: Do nền kinh tế miền Bắc Việt Nam dựa quá nhiều vào nông nghiệp và được phân tán trong vô số các làng mạc mà hoạt động chủ yếu là theo phương thức tự cung tự cấp, nên việc ném bom không gây ra những khó khăn kinh tế mà họ không thể vượt qua. Cũng không loại trừ khả năng của Hà Nội có thể cung cấp đủ quân và phương tiện chiến tranh để tiếp tục cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam...
CIA cũng đánh giá, “các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam đã nhìn thấy sự thất bại của chính quyền Sài Gòn - và nhìn thấy khá gần. Vì thế, họ có thể chịu đựng những đợt ném bom dữ dội mà không hề thay đổi đường lối chính sách”.
Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam Việt Nam - William Westmoreland lập luận, thả bom từng đợt giờ đây không có hiệu lực: Một khi Bắc Việt nhận ra điều gì đang được tiến hành, họ sẽ phân tán các mục tiêu; như xăng dầu, họ sẽ không tập trung một chỗ mà chuyển sang các thùng nhỏ trong khắp nước. Kẻ thù này là một nhóm khá cứng cỏi; họ sẽ thích nghi với mức độ thả bom. Tệ hơn, việc (Mỹ) thả bom còn đưa đến việc (Quân Giải phóng) trả đũa vào các căn cứ không quân Mỹ ở miền Nam, vụ Biên Hòa và Pleiku là những minh chứng. Mỹ không thể dựa vào quân đội Sài Gòn để bảo vệ căn cứ Mỹ. Chỉ ném bom thôi không đủ, Mỹ phải nhảy vào chiến tranh trên bộ.
Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mc Namara - người đề xuất chiến lược ném bom giờ đây cũng ủng hộ tư lệnh chiến trường Westmoreland. Lầu Năm góc đề nghị Johnson triển khai quân đội "trước khi thảm kịch xảy ra".
Riêng Đại sứ Maxwell Taylor, rút "kinh nghiệm" từ thất bại trong Kế hoạch Staley - Taylor, điện cho Tổng thống Mỹ từ sài Gòn nói lên sự băn khoăn của mình. Ông ta e sự có mặt của binh sĩ Mỹ sẽ làm cho quân đội Ngụy lười nhác hơn và trút bỏ nhiều "trách nhiệm" lớn khác. Mặt khác, binh lính Mỹ không được huấn luyện và trang bị cho chiến tranh du kích ở rừng nhiệt đới sẽ thất bại trong việc thích nghi với những điều kiện này. "Khó có thể nói, đưa bao nhiêu quân vào cho đủ cái mõm con lạc đà". Taylor đề nghị tiếp tục ném bom (miền Bắc) cho đến khi "đào luyện được nhiều đơn vị không quân Sài Gòn làm thay". Ông ta cũng đề xuất "giảm tính rụt rè không cần thiết" trong ném bom, lập thời gian biểu đánh phá năng động hơn.
Quân đội nước ngoài tại Sài Gòn
|
Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân mà vừa hôm qua còn do Taylor cầm đầu đã chống lại quyết liệt ý kiến thủ trưởng cũ của mình. Họ nói, triển khai lính hải quân đánh bộ (HQĐB) Mỹ không phải là cổ vũ quân đội Mỹ tham chiến.
Trước đây, Johnson phái Taylor đến Sài Gòn là để cố vấn cho ông ta nên áp dụng chính sách nào, còn cử Westmoreland sang Nam Việt Nam là để thực hiện chính sách đó. Giờ đây, Tổng thống Mỹ sắp đảo ngược hai vai trò này. Westmoreland nại rằng ông ta được Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara cho phép có thể yêu cầu bất cứ điều gì ông ta muốn, và cái ông ta "muốn" bây giờ là có quân. Hậu thuẫn cho Westmoreland là Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi Ngoại trưởng Dean Rusk dự đoán Chiến dịch Rolling Thunder ("Sấm rền") có nguy cơ không thành công, và miền Nam có nguy cơ "bị cắt làm đôi". Còn Thứ trưởng Buldy ước tính quân đội Sài Gòn có nguy cơ sụp đổ. Buldy nói: "Hình như đã đến giai đoạn chỉ còn có việc đưa nhiều đơn vị chiến đấu, sư đoàn và tất cả các thứ còn lại của nước Mỹ mới có thể chặn đứng được sự tan rã của tình hình và đem lại sự tiến bộ".
Để có thêm căn cứ trước khi đi đến quyết định cuối cùng, Johnson đã phái Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Harold Johnson đến Sài Gòn để đánh giá tình hình và báo cáo lại cho ông ta xem "cần phải làm gì tiếp theo". Trong buổi làm việc với đại sứ Taylor, H.Johnson được nghe ông này thông báo: Vấn đề cơ bản chưa được giải quyết là vẫn chưa có sự đảm bảo an ninh "hợp lí" cho Nam Việt Nam, chủ yếu là do phía Mỹ chưa đạt được thế vượt trội về số lượng so với Việt Cộng. Theo Taylor, "kinh nghiệm" ở Phillipines và Malaysia cho thấy, cần có lực lượng vượt trội đối phương ở tỉ lệ 10/1, thậm chí 20/1... Còn tướng Westmoreland đề nghị cần tiến hành thực hiện mọi biện pháp cần thiết để cứu vãn sự sụp đổ hoàn toàn. Trên cơ sở "đánh giá tình hình", H.Johnson đưa ra khuyến nghị đối với Tổng thống: Cần tăng cường (cho Nam Việt Nam) lực lượng bộ binh.
Về phần mình, rốt cuộc, Đại sứ Taylor cũng nhất trí với việc đổ lính HQĐB Mỹ lên Đà Nẵng. Ông ta "khuyên" đưa đến Đà Nẵng một tiểu đoàn, song Westmoreland và Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân kiến nghị gửi hai, cuối cùng, Johnson đã cho phép gửi hai. Sau này, đây là cái cớ để Taylor rủ bỏ một phần trách nhiệm. "Việc đưa quân đến Việt Nam diễn ra quá nhanh, - ông ta phàn nàn. Đã không có sự phối hợp chu đáo với Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn để sẵn sàng đón tiếp quân lính. Johnson đã được giao toàn bộ con lạc đà, và chẳng bao lâu, quân đội Mỹ ở mọi nơi trên thế giới đều được báo động về khả năng bị dính líu đến chiến tranh Việt Nam".
Tướng Bruce Palmer Jr - lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân, sau này hối hận: "Sai lầm của chúng ta là ở chỗ đã phải đồng ý với các quyết định của Hội đồng Tham mưu liên quân và phải cố làm những việc đó để thể hiện mình". Còn người viết tiểu sử của Tổng thống Johnson là Zoris Ken nói: "Kể từ lúc đó, Johnson không ngoảnh lại nhìn đằng sau, cho đến lúc sự nghiệp tổng thống của ông ta tiêu tan".
Tuy nhiên, vào thời điểm lúc bấy giờ, Johnson không còn đơn độc nữa. Không một ai trong chính giới Mỹ nghi ngờ sự thắng thế của "Thế giới tự do". Ngay Taylor, lúc đầu còn lưỡng lự, về sau cũng thay đổi lập trường trong việc gửi quân đội Mỹ sang trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Ông ta nói: "Tôi đã trở thành người ủng hộ việc này vì hiển nhiên chúng ta có đủ tiền của để chấm dứt chiến tranh, nếu chúng ta quyết đi theo đường lối đó".
Ngày 26/2/1965, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi điện văn cho đại sứ của họ tại Sài Gòn là Taylor, chỉ thị: "Sự triển khai (quân đội Mỹ) đã được thông qua. Hãy tìm cách đạt được sự chấp thuận của chính phủ Nam Việt Nam". Rõ ràng, đây chỉ là vấn đề hình thức. Ngày 1/3, một tuần trước khi quân Mỹ đổ bộ lên Việt Nam, Đại sứ Taylor đến gặp "Thủ tướng" Phan Huy Quát để thông báo tin làm cả Dinh Độc Lập kinh ngạc: Lính HQĐB Mỹ đang tới, có nghĩa là nước Mỹ đã tự ý quyết định gửi quân đến một nước khác để "bảo vệ" nước đó chống lại nước thứ ba. Lính HQĐB Mỹ sắp đến, còn Nam Việt Nam chỉ đến lúc ấy mới được biết quân đội nước ngoài sắp vào nước mình vì "lợi ích" của chính nước mình! Thất thần, "Thủ tướng" Quát ngập ngừng cám ơn Taylor và nói ông ta sẽ tham khảo ý kiến Nguyễn Văn Thiệu, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội đồng tướng lĩnh. Sau khi Taylor ra về, Quát cho gọi Chánh văn phòng Bùi Diễm đến thông báo tin này và hỏi: Ai là người đang điều khiển đất nước này?
Lính hải quân đánh bộ Mỹ xuống xà lan, tiến vào bãi biển Đà Nẵng ngày 8/3/1965.
|
9h sáng ngày 8/3/1965, trước ống kính các camera truyền hình, lính Mỹ đổ bộ vào bãi biển Đà Nẵng, nơi gần 100 năm trước người Pháp đã đổ quân để xâm chiếm Việt Nam. Washington muốn phô trương cuộc đổ quân này giống như trong những ngày u ám của Thế chiến thứ II, khi quân Đồng minh ùn ùn xông lên trên các bãi cát vùng Normandy. Đơn vị chiến đấu đầu tiên này của Mỹ gồm 3.500 người - trang bị đầy mình, tay ôm súng M-16 đã lên bờ. Sau 4 năm, số quân nhân Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam đã lên tới hơn nửa triệu, để rồi sau 4 năm nữa, họ buộc phải rời Việt Nam cũng chính từ bãi biển này.