Nga xuất khẩu tên lửa phòng không S-400 khiến Mỹ lo lắng

Việc Ấn Độ trở thành nước thứ 2 sau Trung Quốc mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga khiến Mỹ và các đồng minh lo lắng vì các máy bay chiến đấu của họ có thể bị đe doạ, trừ máy bay tàng hình, theo The National Interest ngày 18.12.
Tên lửa S-400 đang bắn thử - Ảnh: Wikipedia
Tên lửa S-400 đang bắn thử - Ảnh: Wikipedia

Báo Times of India mới đây cho hay Ấn Độ quyết định đặt mua 5 hệ thống tên lửa S-400 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi đến Nga từ ngày 23 - 24.12, trị giá 6 tỉ USD. Trước đó Trung Quốc đã đặt mua 6 hệ thống S-400 của Nga, và 24 máy bay chiến đấu Su-35.

“Sẽ mất vài năm hệ thống S-400 mới đi vào trực chiến, chúng sẽ được bố trí 3 hệ thống ở phía tây và 2 hệ thống ở phía đông nhằm nâng cao khả năng phòng không của đất nước”, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói với báo Times of India.

Các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa như S-400 và cả S-300 là những thách thức lớn lao đối với các máy bay chiến đấu không phải loại tàng hình của Mỹ và phương Tây. Hai hệ thống tên lửa này có đặc tính là cơ động, kết nối mạng tốt và bảo vệ được khu vực rộng lớn, tạo ra một vùng không thể tiếp cận được với các máy bay chiến đấu thế hệ 4 (không phải tàng hình).

Mỹ cũng lo ngại cả hệ thống tên lửa S-300 mà Iran có được từ Nga.

Theo nhà sản xuất Almaz-Antey, hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf có thể bắn hạ mục tiêu ở xa đến 400 km, bắn trúng mục tiêu ở độ cao tối đa 27,3 km. S-400 có thể bắn 3 loại tên lửa khác nhau với tầm bắn xa khác nhau, tối đa là 400 km. Một hệ thống S-400 có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu và khoá chặt để tiêu diệt 36 mục tiêu cùng lúc. Các mục tiêu mà S-400 bắn hạ gồm máy bay, tên lửa đạn đạo…

Một quan chức Thuỷ quân lục chiến Mỹ cho The National Interest hay chỉ loại tên lửa S-300 cũng đủ gây chết chóc cho mọi máy bay, trừ máy bay tàng hình. “Các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 như F-15, F-16 và F/A-18 không nên đến gần các hệ thống phòng không này”, vị này nói.

Nga xuất khẩu tên lửa phòng không S-400 khiến Mỹ lo lắng ảnh 1

Nga xuất khẩu tên lửa phòng không S-400 khiến Mỹ lo lắng ảnh 2

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf của quân đội Nga - Ảnh: TASS

Và chuyên gia Mỹ nhận định chỉ có máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor, F-35 và máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit mới có thể hoạt động trong khu vực khống chế của tên lửa S-300 và S-400. Nhưng các máy bay này sẽ phải đối mặt nguy cơ nếu khu vực phòng thủ đó có đủ tên lửa S-300 và S-400 hoạt động như một phần của một mạng lưới phòng không tích hợp.

Trước đó Đài truyền hình quân đội Nga từng cho rằng với hệ thống tên lửa S-400 thì không có khái niệm “máy bay tàng hình”, nghĩa là máy bay nào cũng bị tên lửa này phát hiện và tiêu diệt. Và mới đây quân đội Nga cũng đưa tin hệ thống tên lửa phòng không S-500 hiện đại hơn S-400 cũng đang được đẩy mạnh thử nghiệm!

Chưa kể là do các hệ thống này đều cơ động, đặt trên các xe tải chuyên dụng, nên rất khó đoán trước nơi nào có loại tên lửa này, và vì vậy đó là thách thức lớn của các phi công Mỹ, theo The National Interest.

Nga xuất khẩu tên lửa phòng không S-400 khiến Mỹ lo lắng ảnh 3

Mỹ đang nghiên cứu phát triển máy bay thế hệ thứ 6 được cho là khắc chế các tên lửa phòng không hiện đại của Nga như S-400 - Ảnh: Grumman

Tạp chí này cho rằng giải pháp của Mỹ để đối phó là tăng cường máy bay tàng hình như F-35, máy bay gây nhiễu thế hệ mới, máy bay ném bom chiến lược tầm xa đời mới (LRS-B) và máy bay ném bom không người lái của hải quân cùng tên lửa hành trình thế hệ mới. Ngoài ra là cần xem xét phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của hải quân và không quân.

Xem hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga triển khai tác chiến – Nguồn: Truyền hình quân đội Nga:

Theo Thanh Niên