Dự báo những vấn đề “nóng” mùa đại hội 2015

Điểm mới của năm 2015 là nhiều DN lên kế hoạch tổ chức họp ĐHCĐ thường niên sớm hơn thường lệ.  Đi kèm với kế hoạch tổ chức ĐHCĐ là nhiều vấn đề được dự báo sẽ “nóng” trong mùa đại hội năm nay.
Cẩn trọng trước những lỗi của đại hội đồng cổ đông
Cẩn trọng trước những lỗi của đại hội đồng cổ đông

Thứ nhất là việc lập kế hoạch kinh doanh

Nhìn vào việc công bố của DN trong năm 2014 cho thấy, có rất nhiều DN lập kế hoạch cực thấp, hoặc điều chỉnh liên tục, thậm chí đến sát thời điểm cuối năm vẫn điều chỉnh kế hoạch cả năm. Trước thực trạng này, nhà đầu tư cần lưu tâm đến vấn đề gì khi DN trình kế hoạch kinh doanh 2015?

Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán cho biết, điều quan trọng là NĐT nên so sánh giữa con số thực hiện năm sau với năm trước, bởi vì nhìn vào đó thì mới có hình dung rõ về các chỉ số tăng trưởng hay hiệu quả, chứ không phải nhìn vào việc lãnh đạo có hoàn thành kế hoạch, trong khi kế hoạch đặt ra thấp hơn nhiều so với năm trước.

Một số ngành được dự báo sẽ phải cân nhắc đặt kế hoạch lợi nhuận thấp hơn so với mức đã đạt được trong năm 2014 như dầu khí, cao su…, xuất phát từ biến động thất thường và khó lường của giá dầu, giá cao su. Tháng 1/2015, CTCP Khí hóa lỏng miền Nam (PGS) tổ chức ĐHCĐ bất thường và riêng vấn đề giá dầu cũng đã đủ gây “nóng”.

Mấy ngày gần đây, giá dầu đã nhích lên, nhưng biến động giá dầu vẫn là một ẩn số. Ẩn số này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN liên quan, cũng như tâm lý nhà đầu tư trong năm 2015.

Thứ hai là vấn đề cổ tức

Thực tế, năm nào vấn đề cổ tức cũng được các cổ đông đưa ra mổ xẻ tại đại hội nhiều DN bởi nó liên quan đến quyền lợi các bên. Có những DN đã thông qua kế hoạch, nhưng cuối cùng không chia cổ tức. Với một số DN còn nợ cổ tức từ những năm trước, câu chuyện cổ tức tại đại hội năm nay chắc chắn sẽ rất căng thẳng. Ông Phạm Minh Hải, cổ đông của CTCP Sông Đà 9.06 (S96) cho biết, S96 có 4 lần khất cổ tức kể từ năm 2010, mặc dù Công ty đã chốt quyền và giá cổ phiếu bị điều chỉnh. Nhóm cổ đông S96 cho biết, họ mong muốn Ban lãnh đạo có giải thích cũng như đưa ra thời gian cụ thể về việc trả cổ tức tại ĐHCĐ năm 2015, chứ không phải nói chung chung là chuyển sang năm 2016.

Lãnh đạo một DN tâm sự, DN trả cổ tức thấp cũng bị cổ đông thắc mắc, mà trả cao cũng bị cổ đông chất vấn, không biết như thế nào là hợp lý (?). Hiện chưa có một “barem” nào quy định về tỷ lệ cổ tức của DN, mà luôn xuất phát từ tình hình cụ thể của DN cũng như tùy vào chiến lược của Ban lãnh đạo. Với nhà đầu tư, để phân biệt cổ tức cao hay thấp thì chủ yếu căn cứ vào thị giá của cổ phiếu, có những DN trả cổ tức 20% đã là cao, nhưng với nhiều DN, mức 30% vẫn là bình thường nếu so sánh với thị giá.

Cũng liên quan đến cổ tức, cổ đông hiện nay không còn hứng thú với việc DN chọn trả cổ tức bằng cổ phiếu. Bản chất của việc này là chia nhỏ cổ phiếu, giá cổ phiếu bị điều chỉnh giảm theo tỷ lệ thưởng công bố, trong khi cần một khoảng thời gian cổ đông mới nhận được “phần thưởng” này.

Thứ ba là vấn đề tăng vốn

Rất nhiều DN lên kế hoạch phát hành tăng vốn và sẽ trình ĐHCĐ tới đây. Nếu DN có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và EPS cao hơn mức độ pha loãng thì chuyện phát hành sẽ dễ được cổ đông ủng hộ, DN có cơ hội huy động vốn đầu tư các dự án mới. Tuy nhiên, thực tế khá nhiều DN huy động vốn chủ yếu là huy động tiền cổ đông để… trả nợ, hoặc dùng chính cổ phiếu để cấn nợ.

Mới đây, HĐQT CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) thông qua phương án phát hành gần 127 triệu cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ công nợ. Cũng với lý do tương tự, CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) công bố thông tin về việc phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu và cấn trừ công nợ. Theo đó, QCG đăng ký phát hành trên 145 triệu cổ phiếu với mục đích chuyển đổi trái phiếu cho Quỹ VOF PE Holding 5 Limited (VOF) và để cấn trừ công nợ cho các nhà đầu tư. Giá hoán đổi trái phiếu cho VOF là 8.000 đồng/cổ phiếu, giá cấn trừ công nợ là 10.000 đồng/cổ phiếu. Có thể nhìn thấy, số lượng phát hành thêm của QCG còn cao hơn so với số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Với lượng cổ phiếu lớn bị pha loãng như vậy, quyền lợi của các cổ đông hiện hữu khác ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, bởi việc phát hành theo hình thức cấn trừ nợ thường làm giảm EPS của DN trong những năm tới.

Ngoài ra, một số vấn đề liên quan đến hợp nhất, sáp nhập trong ngành ngân hàng, CTCK hay việc “thay máu” cổ đông lớn tại một số DN niêm yết được dự báo là những vấn đề làm nóng ĐHCĐ năm nay.

                                                                                Theo Stockbiz