Doanh nghiệp nhộn nhịp 'lên đời' kỹ thuật số sau dịch

Covid-19 đã góp phần thúc các doanh nghiệp nhanh chuyển đổi số hơn để phục vụ nhu cầu nội bộ và đáp ứng thay đổi của khách hàng.

Cách ly xã hội kết thúc không lâu, đầu tháng 5, Lộc Trời công bố ký hợp đồng với Citek để triển khai hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp ERP SAP S/4HANA.

"Tôi quan tâm rất nhiều đến vấn đề quản trị sự thay đổi", ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời nói. Ông cho biết mục tiêu là toàn thể cán bộ nhân viên hiểu lợi ích của ERP và nhanh chóng làm quen với cách làm việc mới, đồng thời cũng là văn hóa mới.

Theo kế hoạch, việc tư vấn triển khai sẽ diễn ra trong 10 tháng và đưa vào vận hành chính thức giai đoạn một vào đầu năm sau, với phạm vi kế hoạch chuỗi cung ứng, mua hàng, bán hàng, quản lý kho, quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, kế toán tài chính và kế toán quản trị.

Nhiều hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp giờ có thể thao tác trên điện thoại. Ảnh: Pixabay
Nhiều hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp giờ có thể thao tác trên điện thoại. Ảnh: Pixabay

Trong một nhận định mới đây, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng, trải qua mùa dịch, nhu cầu và sự cần thiết của chuyển đổi số trong các doanh nghiệp càng trở nên cấp thiết. "Kinh doanh trên nền tảng chuyển đổi số đang đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi và phát triển bền vững cho doanh nghiệp", ông Dũng nhận xét.

Ngoài những chuyển đổi mang tính quy mô lớn kiểu Lộc Trời, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chọn cách chuyển đổi số ở những khâu cấp thiết, theo nhu cầu và luật định. 

Với số lượng phát hành từ 750 đến 1.000 hóa đơn, tương ứng với số lượng booking mỗi ngày vào mùa cao điểm, bộ phận Tài chính kế toán của Luxstay - một nền tảng đặt homestay, cho biết khó có thể tưởng tượng sẽ xử lý như thế nào nếu không có hóa đơn điện tử. 

"Chúng tôi không chỉ sử dụng riêng lẻ hóa đơn điện tử mà còn tích hợp phần mềm này với các phần mềm khác như kế toán, bán hàng để từ một thao tác phát hành hóa đơn, hệ thống sẽ tự động hạch toán, ghi nhận doanh thu, giảm thiểu thời gian và sai sót xảy ra", ông Nguyễn Văn An, Trưởng phòng Tài chính của Luxstay, mô tả.

Misa, một nhà cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cũng cho biết, đầu năm 2020 tới nay, tổng số khách hàng dùng dịch vụ hóa đơn điện tử Misa Meinvoice tăng 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do hạn chuyển đổi hóa đơn điện tử theo Nghị định 119 đang đến gần và giãn cách xã hội tạo thêm động lực cho nhiều công ty.

Bản thân Misa cũng đang tự chuyển đổi số, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Misa TP HCM cho biết, do giãn cách xã hội mùa dịch, các chương trình tập huấn nghiệp vụ cho khách hàng dùng các phần mềm kế toán của công ty đều tiến hành trực tuyến. Công ty dự định tiếp tục duy trì hình thức này, với chi phí tiết kiệm đến 90% so với việc tổ chức các hội thảo tập huấn tại nhiều tỉnh thành như trước.

Nghiên cứu về tác động của đại dịch đến thái độ người tiêu dùng và doanh nghiệp, được Hiệp hội Tiếp thị Di động (MMA) phát hành cuối tháng 5/2020 cho biết, giai đoạn giãn cách xã hội đã tạo ra đợt tăng trưởng mới cho các dịch vụ số. Cụ thể, trả lời trong tháng 4/2020, có khoàng 20-30% người Việt được hỏi cho biết mới lần đầu dùng các dịch vụ như học trực tuyến, làm việc từ xa...trong vòng một tháng qua.

Tỷ lệ người Việt Nam lần đầu dùng các dịch vụ trực tuyến mùa dịch

"Chúng tôi tin chắc những gì đang thay đổi hành vi người tiêu dùng, nhất là tương tác trên môi trường online chính là bước đệm lớn trong chuyển đổi số", bà Phan Bích Tâm, Giám đốc quốc gia của MMA tại Việt Nam, nhận định.


Một nghiên cứu toàn cầu của Gartner từng chỉ ra sự khác biệt kết quả tăng trưởng của hai trường phái đối phó của doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Cụ thể, nhóm công ty chọn hướng tiếp tục đổi mới, chi trung bình thêm khoảng 3,9% cho R&D đã đạt tăng trưởng 14% sau khủng hoảng. Trong khi đó, nhóm công ty chậm thay đổi, chọn cách cắt chi phí và dừng đổi mới chỉ tăng trưởng được 0-1%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy luật của lần khủng hoảng này cũng tương tự. Trong đó, "hướng đến mục tiêu số hóa doanh nghiệp, làm quen với việc dùng các công cụ tiên tiến để hỗ trợ quản lý và thực hiện công việc hiệu quả", là một trong 3 điều doanh nghiệp cần tập trung để sống sót và phục hồi sau dịch, theo nhóm nghiên cứu của TopDev.

"Đây được xem là bước khởi đầu thuận lợi giúp doanh nghiệp có thể chuyển mình mạnh mẽ hơn đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh trong nền thời đại phát triển của công nghệ số", nhóm nghiên cứu nhận xét trong báo cáo gần đây.

Theo VnExpress