“Đại bàng đen”: Quái vật vận tốc Mach 5 của Mỹ có đủ sức đe dọa Nga?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với vận tốc lên tới 6.437 km/giờ, tên lửa siêu thanh mới mà Mỹ mới hé lộ được cho là sẽ với tới Moscow chỉ trong vòng 21 phút.
"Dark Eagle" của Mỹ được cho là có vận tốc 6.437 km/giờ (Ảnh: Lockheed Martin)
"Dark Eagle" của Mỹ được cho là có vận tốc 6.437 km/giờ (Ảnh: Lockheed Martin)

Trong tuần này, Bộ Tư lệnh Pháo binh số 56 của Mỹ, đóng tại Mainz-Kastel, Đức, đã tổ chức một buổi lễ kín đáo, theo tờ The Sun của Anh. Đây là một động thái mà phần còn lại của thế giới không hề để ý, nhưng chắc chắn khiến cho Nga phải lưu tâm. Buổi lễ này có liên quan tới việc tái kích hoạt một đơn vị hạt nhân ở Đức kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Và giờ, đơn vị này sẽ sớm được trang bị “Dark Eagle” (Đại bàng đen) – một loại vũ khí siêu âm tầm xa (LRHW) có khả năng di chuyển với vận tốc 4.000 dặm/giờ (6.437 km/giờ). Thông điệp ở đây rất rõ ràng: Thứ vũ khí này chỉ mất có 21 phút và 30 giây là bay tới Nga. Việc kích hoạt lại đơn vị này được đưa ra trong bối cảnh Lầu Năm Góc quan ngại rằng Nga sẽ áp đảo NATO và Mỹ trong chế tạo các hệ thống phóng tên lửa tầm xa.

Bộ Tư lệnh này lần đầu tiên được thành lập vào năm 1942 và chiến đấu ở châu Âu trong giai đoạn Thế chiến 2, nhưng sau đó ngừng hoạt động vào năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ. Tướng chỉ huy đơn vị pháo binh này, Stephen Maranian, nói rằng việc kích hoạt lại đơn vị này sẽ “cho phép quân đội Mỹ ở châu Âu và châu Phi những khả năng đáng kể trong các chiến lược đa miền”.

Nhiều người tin rằng Mỹ đang dần tụt hậu trong lĩnh vực chế tạo vũ khí siêu thanh, cho đến mãi tháng trước, thời điểm mà họ tuyên bố đã hoàn thành việc chế tạo Dark Eagle.

“Từ một mảnh giấy trắng vào tháng 3/2019, chúng tôi cùng với các đối tác công nghiệp và các cơ quan khác đã cho ra mắt vũ khí này chỉ trong vòng có hơn 2 năm. Giờ đây, binh sĩ có thể bắt đầu huấn luyện” – tướng Neil Thurgood nói trong một tuyên bố.

Ảnh đồ họa về "Dark Eagle" (Ảnh: Asia Times)

Ảnh đồ họa về "Dark Eagle" (Ảnh: Asia Times)

“Nó là một hệ thống gồm 4 xe mang phóng tên lửa, một trung tâm chỉ huy, một xe dữ liệu chiến thuật, và một phương tiện hỗ trợ. Đây là một hệ thống có tính cơ động cao, với khả năng di chuyển linh hoạt trên chiến trường” – Bob Strider, Phó Giám đốc Văn phòng Dự án Siêu thanh Quân đội Mỹ, nói với The Drive.

Trong một tuyên bố nói về việc cho ra mắt Dark Eagle, quân đội Mỹ nói rằng một khi thứ vũ khí này được trang bị, nó sẽ “cung cấp sự kết hợp độc nhất giữa tốc độ, tính linh hoạt, và độ cao để tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao, được bảo vệ cẩn thận và nhạy cảm về thời gian”. Còn về tốc độ, Lầu Năm Góc trước đó từng nói rằng phương tiện bay siêu thanh Common Hypersonic Glide Body, hay C-HGB, sẽ đủ khả năng đạt vận tốc Mach 17. Họ cũng nói rằng, nó có thể bắn hạ các mục tiêu ở khoảng cách ít nhất là 1.725 dặm (2.776 km).

Tháng trước, Trung Quốc dường như đã vươn lên giành vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh sau khi xuất hiện thông tin quân đội nước này thử nghiệm một tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân bay vòng quanh thế giới. Cộng đồng tình báo và giới chức Mỹ được cho là bị sốc trước thông tin này.

Thế hệ vũ khí tiếp theo có thể đạt vận tốc 21.000 dặm/giờ (33.800 km/giờ) – thậm chí còn có thể nhanh hơn – và được xem là một mặt trận mới hủy diệt trong chiến tranh.

Các loại tên lửa siêu thanh được cho là nhân tố “thay đổi cuộc chơi” bởi không giống như tên lửa đạn đạo – phải bay vào không gian trước khi quay trở lại với hướng bay dốc – các vũ khí siêu thanh nhắm thẳng vào mục tiêu ở độ cao thấp hơn. Điều này kết hợp với vận tốc thường là gấp 5 lần vận tốc âm thanh khiến cho chúng cực kỳ khó bị đánh chặn, nếu không muốn nói là bất khả thi.

Trung Quốc – tiếp sau là Nga – được xem là đang sở hữu những vũ khí siêu thanh có triển vọng nhất, và đang đổ hàng tỉ USD để phát triển vũ khí siêu thanh. Nhưng các nước khác cũng đang dần đuổi theo. Mặc dù vậy, thông tin sốc về việc Trung Quốc thử nghiệm tên lửa siêu thanh trong tháng 8 năm nay đã làm dấy lên những đợt dư chấn khắp cộng đồng tình báo phương Tây, khiến họ lo rằng đã đánh giá thấp Bắc Kinh.

Trung Quốc đã phóng một tên lửa vào không gian mang theo một phương tiện lướt siêu thanh, nó bay vòng quanh Trái đất trước khi tăng tốc và hướng về phía mục tiêu. Việc phương tiện này bay vòng quanh Trái đất cho thấy nó có tầm bắn rơi vào khoảng 40.200 km và có thể hoạt động trong không gian. Có nghĩa rằng, về lý thuyết, vũ khí này có thể bắn trúng bất cứ đâu trên Trái đất – điều có thể khiến các nhà hoạch định chính sách quân sự ở Lầu Năm Góc phát hoảng.

Được nhắc tới với cái tên Dự án 4202, Avangard do Nga chế tạo là một hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu tiên được công bố trong Thông điệp liên bang năm 2018 của Tổng thống Vladimir Putin. “Avangard không sợ bị đánh chặn bởi bất kỳ hệ thống tên lửa phòng thủ hiện hữu nào”, lãnh đạo Nga nói.

Là một phương tiện lướt siêu thanh, Avangard kết hợp một tên lửa đạn đạo với một phương tiện lướt không người lái. Một khi tên lửa đạt đến độ cao đủ, phương tiện lướt sẽ tách khỏi để tìm kiếm mục tiêu với vận tốc cực cao, làm giảm rủi ro bị đánh chặn. Vũ khí này được cho là có vận tốc lên tới Mach 27 và có thể chuyển hướng trong lúc bay, cho phép nó vượt mặt các hệ thống phòng thủ thuộc hàng tối tân nhất hiện nay.