Người phẫu thuật mũi vẫn xác thực được, người bình thường lại không
"Rất khó để tự xác thực sinh trắc học" - đó là chia sẻ của nhiều người với VietTimes khi được hỏi về việc xác thực sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng.
Anh Nam Cường (ở Đan Phượng, Hà Nội) cho biết những ngày đầu không thể đăng nhập được ứng dụng của Vietcombank. App liên tục báo lỗi và tài khoản bị đăng xuất liên tục. Anh Cường đã liên hệ tới số hotline của ngân hàng để phản ánh sự cố nhưng số này liên tục báo bận.
Chị Nguyễn Hằng (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng không thể đăng nhập được vào app của Vietcombank để thực hiện giao dịch chuyển tiền trong ngày 1/7 và 2/7. Vì cần giao dịch gấp nên chị phải đến trụ sở ngân hàng để xử lý.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6/7, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết đến hết ngày 5/7, có 19 triệu tài khoản xác thực sinh trắc học thành công. Số tài khoản chưa xác thực sinh trắc học còn rất lớn vì Việt Nam có khoảng 65 triệu người trưởng thành có tài khoản ngân hàng (chiếm 80% dân số). Bình quân mỗi người có 3 tài khoản ngân hàng, tổng số tài khoản ngân hàng hiện có là 180 triệu.
Gia đình có truyền thống làm nghề kinh doanh, chị Nguyễn Mai (25 tuổi, Hà Nội) chủ động tìm hiểu và đăng ký xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng số. Tuy nhiên, khi đến bước xác thực khuôn mặt, ứng dụng đã không chấp nhận và thông báo “Dữ liệu khuôn mặt không trùng khớp. Quý khách vui lòng thực hiện lại hoặc tới quầy giao dịch gần nhất để được hỗ trợ”.
Những ngày đầu áp dụng quy định mới về đăng ký xác thực khuôn mặt, chị Phạm Trang Nhung, giáo viên tiểu học, đã thử đăng ký nhiều lần trên app ngân hàng nhưng không thành công. Sau khi hoàn thành bước chụp ảnh căn cước công dân, iPhone 13 của chị liên tục báo lỗi dù đã thay đổi vị trí quét NFC.
"Tôi gọi lên ngân hàng và được hướng dẫn chi tiết nhưng vẫn không thành công. Tổng đài xác nhận nhiều người cũng gặp trường hợp tương tự và gợi ý tôi đến quầy giao dịch để được hướng dẫn chi tiết hơn", chị Nhung nói.
Một điều khá ngạc nhiên là trong khi nhiều người dùng bình thường không vượt qua được bước xác thực khuôn mặt trên app ngân hàng, thì có những người đã tiểu phẫu một phần khuôn mặt lại xác thực thành công.
Chị Vũ Hương Lan, 33 tuổi, là ca sĩ và giáo viên thanh nhạc, cho biết mặc dù phẫu thuật mũi cách đây không lâu, khuôn mặt có hơi khác so với trước một chút, nhưng chị vẫn tự xác thực được bằng app ngân hàng.
Chị Nguyễn Thu Huyền - một người vừa phẫu thuật thẩm mĩ - cho biết thao tác xác thực sinh trắc học tại các ngân hàng chị đang dùng tương đối dễ, mỗi lần thao tác chỉ mất khoảng 4-5 phút, không gặp lỗi hay bị treo ứng dụng.
Theo ghi nhận trong những ngày đầu cập nhật sinh trắc học, tại hầu hết các chi nhánh ngân hàng, lượng khách đến để yêu cầu hỗ trợ cập nhật tăng đột biến. Trong quá trình cập nhật một số ứng dụng ngân hàng bị nghẽn mạng cục bộ trong một vài thời điểm do yêu cầu cập nhật cùng lúc quá lớn. Vấn đề này đã được nhiều ngân hàng khắc phục trong những ngày sau đó.
"Ngân hàng chưa có giải pháp mang tính tổng thể"
Khi được hỏi tại sao có những trường hợp đã tiểu phẫu khuôn mặt lại xác thực thành công, trong khi có những người bình thường lại gặp khó khăn khi xác thực, một chuyên gia giấu tên đang làm việc cho một công ty sản xuất thẻ thông minh cho rằng việc khó xác thực sinh trắc học phần lớn là do điện thoại người dùng, chứ không phải do app ngân hàng. Theo chuyên gia, nếu app ngân hàng bị lỗi thì phải lỗi hàng loạt, không phải người làm được, người không.
Vị này nói rằng ngành ngân hàng đã rất nỗ lực để thực hiện Quyết định 2345. Một số ngân hàng đã chạy thử hệ thống từ trước một tháng so với thời hạn xác thực sinh trắc học chính thức có hiệu lực (ngày 1/7), có ngân hàng thì chạy thử trước một tuần.
Ngoài ra, các ngân hàng đều có họp giao ban định kỳ với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an để kiểm tra việc khớp nối hệ thống.
"Chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan, đừng đổ lỗi cho ngành ngân hàng, bởi họ đã rất nỗ lực", vị chuyên gia này nói.
Còn ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI), nhìn nhận việc nhiều người gặp khó khi xác thực và tắc nghẽn giao dịch trong những ngày đầu là do ngành ngân hàng đã không có một giải pháp mang tính tổng thể, từ hệ thống công nghệ, truyền dẫn, dữ liệu cho đến con người. Các hệ thống lõi (core banking) của các ngân hàng còn chưa đồng bộ thì chắc chắn xảy ra tình trạng nghẽn mạng, không thể xử lý giao dịch.
Để giải thích cho quan điểm của mình, ông Giang lấy ví dụ như việc phát triển giao thông đô thị. Trước đây khi quy hoạch người ta không nhìn ra được là đường sá cần phải rộng lên để đáp ứng nhu cầu giao thông bằng ô tô trong tương lai. Đến khi lượng ô tô phát triển quá nhanh thì đường sá chắc chắn sẽ tắc nghẽn.
"Đó là hệ thống giao thông chứ hệ thống giao dịch ngân hàng thì còn phức tạp hơn nhiều", ông Giang nói.
"Các hệ thống của các ngân hàng căn bản đang được thiết kế theo những định dạng khác nhau. Ngành ngân hàng đang không tư duy trong các hệ thống. Họ không nhìn vấn đề trong các hệ thống với nhau mà chỉ như ngành nào biết ngành đấy", ông Lê Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh thêm.
Ông Giang cho rằng Việt Nam rất cần một "tổng công trình sư" để thiết kế, điều hành các hệ thống ngân hàng một cách khoa học, với tầm nhìn mang tính tổng thể.
Ngân hàng nói gì?
Ông Pranav Seth, Giám đốc Khối chuyển đổi Ngân hàng số Techcombank, cho biết hiện đã có hơn 2,1 triệu khách hàng Techcombank xác thực dữ liệu sinh trắc học thành công theo quy định mới.
Theo cập nhật, ngày 1/7, ngân hàng ghi nhận hơn 1,4 triệu khách hàng cập nhật dữ liệu sinh trắc học trên ứng dụng Techcombank Mobile, chiếm hơn 80% khách hàng thường xuyên thực hiện giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng/lần.
Để có được số lượng khách hàng hoàn thành xác thực sinh trắc học kể trên, ông Pranav Seth cho biết Techcombank đã triển khai nhiều giải pháp từ công nghệ tới truyền thông để khách hàng hiểu sự quan trọng cũng như lợi ích từ việc cập nhật sinh trắc học.
Ngân hàng này đã nghiên cứu trên 200 mẫu điện thoại di động khác nhau có kết nối NFC để từ đó có giải pháp hướng dẫn tới từng khách hàng sử dụng từng mẫu điện thoại di động khác nhau.
Bà Đoàn Hồng Nhung, Giám đốc khối bán lẻ Vietcombank, cho biết tính đến 10h ngày 4/7, đã có gần 1,9 triệu khách hàng Vietcombank hoàn thành xác thực dữ liệu sinh trắc học.
Bà Nhung cho biết để triển khai hiệu quả Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, khối lượng công việc các ngân hàng phải thực hiện là "rất khổng lồ" và chi phí thì "khó đong đếm được bằng con số".
Vietcombank mới chỉ tiến hành thu thập dữ liệu khách hàng khoảng nửa tháng gần đây, cùng với thời điểm ra mắt app banking mới. Theo đó, ngân hàng đã tích hợp việc xác thực dữ liệu sinh trắc học vào app banking mới để khách hàng khi dùng app có thể đồng thời trải nghiệm dịch vụ ngân hàng mới.
Còn lãnh đạo BIDV cho biết tính đến cuối ngày 3/7, ngân hàng đã ghi nhận hơn 1,7 triệu khách hoàn thành xác thực dữ liệu sinh trắc học. Trong đó, phần lớn là khách hàng tự thực hiện thông qua thiết bị di động có kết nối NFC. Số lượng khách hàng phải thực hiện xác thực trên kênh quầy chỉ chiếm dưới 10%, tương đương 166.000 khách.
Lãnh đạo BIDV cho biết hiện số lượng khách hàng tới quầy dịch vụ để xác thực dữ liệu đã giảm hẳn, tuy vậy, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để hỗ trợ khách hàng trong thời gian tới.
Cốc Cốc mới đây đã công bố báo cáo về tâm lý người dùng trong việc thích nghi với các biện pháp bảo mật mới trong giao dịch trực tuyến.
Theo khảo sát từ ngày 1/7 đến 4/7, có 75,4% người dùng đã thực hiện cài đặt xác thực sinh trắc học. Gần một nửa số người được khảo sát cho biết họ đã thực hiện cập nhật thành công cho tất cả ngân hàng đang sử dụng. 40% cảm thấy quá trình thu thập sinh trắc học là dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có hơn 30% người dùng cảm thấy việc thực hiện là khó khăn liên quan đến căn cước công dân, nhận diện khuôn mặt, thiết bị, thông tin hướng dẫn.
44% người dùng dưới 35 tuổi cảm thấy việc cập nhật sinh trắc học khá dễ dàng, cao hơn gấp 1,2 lần so với nhóm người dùng trên 35 tuổi.