Nga thử nghiệm vũ khí đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từ khi Hiệp ước INF hết hiệu lực, nguy cơ các thành phố của Nga bị tên lửa tầm trung và tầm ngắn tấn công ngày càng hiện hữu.
Trên thao trường Kapustin Yar - Astrakhan, Nga thử nghiệm thành công vũ khí đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh (Ảnh: Iz.ru)
Trên thao trường Kapustin Yar - Astrakhan, Nga thử nghiệm thành công vũ khí đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh (Ảnh: Iz.ru)

Trên thao trường Kapustin Yar, tỉnh Astrakhan của Nga, hệ thống phòng không S-300V4 phiên bản nâng cấp đã phóng thử thành công tên lửa đánh chặn các mục tiêu siêu thanh của đối phương. Những tên lửa do S-300V4 phóng đi cũng được điều chỉnh, hoàn thiện để có thể tự tin gánh vác trách nhiệm canh giữ bầu trời, bảo vệ những mục tiêu tối quan trọng của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, thử nghiệm vũ khí đánh chặn tên lửa tầm trung và tầm ngắn là việc làm rất cấp thiết, khi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF ) mà Liên Xô và Hoa Kỳ ký vào năm 1987 đã hết hiệu lực, điều này cho phép Mỹ và các nước NATO được bố trí những tên lửa từng bị cấm sát biên giới Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hệ thống phòng không S-300 được nâng cấp thành S-300V4 chủ yếu là để đánh chặn tên lửa tầm trung và tầm ngắn, các tên lửa trang bị cho S-300V4 cũng được hoàn thiện đáng kể để đảm bảo bắn hạ được tên lửa siêu thanh của đối phương, kể cả đầu đạn của những tên lửa này với quỹ đạo bay rất phức tạp khi chúng tiếp cận mục tiêu.

Cũng theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, các vụ phóng thử đều diễn ra suôn sẻ, tất cả mục tiêu đều bị bắn hạ.

Tháng 10 vừa qua, trên thao trường Kapustin Yar, Nga cũng tiến hành tập trận quy mô lớn đánh trả các đợt tấn công tổng lực bằng tên lửa của kẻ thù giả định. Để đánh trả được những đợt tấn công như vậy, quân đội Nga phải thiết lập thế trận phòng không liên hoàn, gồm các tổ hợp phòng không S-300V4, Buk-M3, Tor-M2 và thiết bị tạo ra màn khói. Trong quá trình diễn tập, các kíp chiến đấu S-300V4 đã đánh chặn được tên lửa đạn đạo, được đối phương phóng đi từ độ cao 150km, đánh chặn các đợt tấn công bằng máy bay, bằng trực thăng, tên lửa hành trình và tốp máy bay không người lái.

Môi trường diễn tập phóng tên lửa được bố trí giống như điều kiện tác chiến trên thực địa, khi đối phương sử dụng máy bay không người lái chuyên dụng để gây nhiễu điện từ.

Kết quả đợt diễn tập cho thấy: tổng số có 40 mục tiêu bị bắn hạ ở độ cao từ 8 đến 35 km, các vụ phóng diễn ra ở cự ly từ 3 đến 50 km.

Chuyên gia quân sự, cựu sĩ quan phòng không Nga Vladislav Shurygin cho biết: “Kể từ khi hiệp ước INF hết hiệu lực, về cơ bản tình hình ở châu Âu chưa biến đổi nhiều, tên lửa tầm trung và tầm ngắn vẫn chưa được triển khai, nguy cơ này vẫn ở dạng tiềm tàng, nhưng Nga cần phải học cách đối phó ngay từ bây giờ. Nga phải học cách đối phó với nguy cơ này một cách có kỹ thuật, có tổ chức và có hệ thống. Điều này đòi hỏi phải đầu tư về vật chất và trí tuệ cho hệ thống phòng không. Khi tên lửa tầm ngắn và tầm trung xuất hiện ở châu Âu, thời gian chúng bay tới các thành phố của Nga chỉ tính bằng phút, quân đội Nga đòi hỏi phải đánh chặn các đợt tấn công như vậy.”

Cựu phó tổng tư lệnh Lực lượng không quân Nga phụ trách hệ thống phòng không SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập) Aytech Bizhev cho biết: “Trước kia, tên lửa tầm trung và tầm ngắn của NATO bố trí ở các nước tây Âu. Khi đó, Liên Xô có các nước Hiệp ước Varshava làm tiền tuyến. Hiện nay, không loại trừ những tên lửa đó có thể bố trí ngay vùng Baltic, hoặc trên lãnh thổ Ukraine. Yếu tố bất lợi lớn nhất ở đây là thời gian bay của tên lửa đó được rút ngắn đáng kể.

Hiện nay, thời gian đưa ra quyết định chỉ tính bằng phút. Trong khoảng thời gian có nguy cơ, đòi hỏi cán bộ và chiến sĩ phòng không phải trực chiến liên tục, vũ khí luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng. Để đánh chặn được các đợt tấn công của đối phương, toàn bộ hệ thống phải được tự động hóa, các đơn vị - từ sư đoàn đến sở chỉ huy trung tâm phải phối hợp nhịp nhàng với nhau. Hệ thống S-300V4 được thiết kế để đánh chặn các đợt tấn công như vậy, kể cả tên lửa tầm thấp.”

Hệ thống phòng không S-300V4 có thể cùng một lúc tiêu diệt được 24 mục tiêu, kể cả máy bay tàng hình và tên lửa đạn đạo bay với tốc độ 4.500 m/s, tầm bắn đạt 400 km, độ cao đạt 35 km. Tháng 10/2016, hệ thống S-300V4 được Nga đưa sang chiến trường Syria, S-300V4 đã tham gia bảo vệ sân bay Khmeimim và căn cứ Hải quân Tartus của Nga ở Syria. Mặc dù bị máy bay trinh sát chiến lược, máy bay ném bom của Mỹ phát hiện nhiều lần và gây nhiễu cường độ cao, nhưng S-300V4 vẫn hoạt động bình thường.

Tư lệnh phòng không của quân đội Nga, trung tướng Aleksander Leonov cho biết: “Hiện nay, hệ thống S-300V4 đã được trang bị cho các quân khu của Nga.Lực lượng không quân chiến thuật nước ngoài cảm thấy rất ức chế khi bị các phương tiện phòng không của Nga đeo bám dai dẳng ở cự ly 200 đến 300 km.”