Hệ thống phòng không Nga diễn tập đánh chặn vũ khí siêu thanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không chỉ huấn luyện khả năng tác chiến với vũ khí siêu thanh, quân đội Nga còn ôn luyện kỹ năng tác chiến truyền thống với máy bay, máy bay không người lái của đối phương.

Đầu tháng 10/2021, quân đội Nga đã tiến hành diễn tập đáp trả các cuộc tấn công bằng vũ khí siêu thanh. Trong quá trình tập trận, các trung đoàn phòng không của Nga đã thực hành những phương pháp đánh trả những đợt tấn công cấp tập bằng không quân, bằng tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh của đối phương giả định. Trên thao trường Ashaluk tỉnh Astrakhan, các đơn vị phòng không Nga đã tiến hành bắn đạn thật vào các mục tiêu di chuyển với siêu tốc độ.

Các chuyên gia nhấn mạnh: tuy chưa quân đội nước nào được trang bị vũ khí siêu thanh, nhưng hệ thống phòng không của Nga phải sẵn sàng đáp trả ngay từ bây giờ.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: Lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa của Nga tiến hành tập trận trong khuôn khổ cuộc tổng kiểm tra thường niên về khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Nhiệm vụ của đợt kiểm tra này là: đánh giá khả năng đáp trả của hệ thống phòng không trước cuộc tấn công cấp tập, cùng một lúc từ nhiều hướng của kẻ thù. Ngoài nội dung trọng tâm của diễn tập là rèn luyện kỹ năng đánh chặn vũ khí siêu thanh, tên lửa hành trình, ngoài ra, các đơn vị tiếp tục trau dồi khả năng tác chiến với các phương tiện chiến tranh truyền thống như: máy bay, máy bay không người lái của đối phương.

Tham gia cuộc tập trận có các trung đoàn phòng không của quân khu phía Tây và quân khu phía Đông. Kết quả của cuộc diễn tập được đánh giá là rất khả quan, các đơn vị đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra.

Để tiến hành tập trận, hệ thống phòng không S-400 của trung đoàn phòng không Leningrad của quân khu phía Tây phải di chuyển tới thao trường Ashuluk, tỉnh Astrakhan. Tại đây, hệ thống S-400 đã khai hỏa vào mục tiêu mô phỏng máy bay, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh của đối phương. Hệ thống S-400 và hệ thống Pantsir-S1 của lực lượng phòng không Tây – Bắc của Nga được di chuyển về thao trường Kapustin Yar. Trên thao trường này, các kíp chiến đấu đã tiêu diệt được 6 mục tiêu siêu thanh, bay tầm thấp.

Cựu tổng tư lệnh lực lượng không quân, phụ trách hệ thống phòng không của cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) trung tướng Aitech Bizhev cho biết: trong các đợt diễn tập như vậy, mọi loại hình tác chiến đều được đưa ra để thực hành.

Chuyên gia quân sự Nga Dmitri Kornev cho biết: “Trong các vấn đề quân sự, việc phải hành động “đón đầu” có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Có những loại vũ khí mà kẻ thù của chúng ta chưa thể sở hữu, nhưng chúng ta phải nghiên cứu và phát triển mô hình toán học về phương thức sử dụng và hình thức tác chiến của những loại vũ khí đó. Sau đó, thiết lập trên thao trường một bối cảnh tương tự như môi trường tác chiến thực để hệ thống phòng không diễn tập. Kết quả diễn tập sẽ nói lên tất cả: điều gì hệ thống phòng không có thể làm được và điều gì là không thể. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đối phó một cách hiệu quả với các loại vũ khí mới. Tuy là chưa có quốc gia nào sản xuất được vũ khí siêu thanh, nhưng Mỹ, Trung quốc và các nước châu Âu đang rất tích cực nghiên cứu, phát triển loại vũ khí này. Được biết, Mỹ đang phát triển tên lửa siêu thanh mang tên Dark Eagle (diều hâu đen), phóng từ mặt đất”.

Chuyên gia Dmitri Kornev cho biết thêm: “Các hệ thống phòng không của Nga, như: S-300, S-350, S-400, S-500, hệ thống tên lửa tầm trung Buk, phiên bản Pantsir trong tương lai, đặc biệt là phiên bản trang bị cho Hải quân đều có thể tiêu diệt được các mục tiêu siêu thanh của đối phương. Để đánh chặn được các đợt tấn công bằng vũ khí siêu thanh, điều quan trọng là sự phối hợp của các hệ thống kiểm soát không phận và cảnh báo kịp thời cho các kíp chiến đấu”.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết: trong cuộc tập trận chiến lược “Zapad- 2021” giữa Nga và Belarus vừa qua, hệ thống phòng không chung đã được thiết lập, hệ thống này bao gồm các thiết bị trinh sát, các tổ hợp phòng không. Các đơn vị quân đội được chỉ huy bởi một hệ thống điều khiển tự động (ASU). Trong khoảng thời gian tối thiểu, hệ thống điện tử xác định mục tiêu, phân bố chúng cho từng hệ thống phòng không và truyền đạt mệnh lệnh tiêu diệt tới từng kíp chiến đấu. Được biết, quân đội Nga thường xuyên hoàn thiện chiến thuật tác chiến trên không và trang bị nhiều mẫu vũ khí mới.