Cơn sốt vàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian qua. Không còn cảnh người dân nườm nượp đổ ra các cơ sở bán vàng miếng SJC vì giờ đây việc xếp hàng được chuyển từ trực tiếp sang online. Tuy nhiên, người dân đang phải đối mặt với cảnh “có tiền cũng không mua được vàng” vì chưa kịp đăng ký đã hết lượt bán.
Đi tìm lời lý giải cho câu hỏi: “Vì sao vàng được săn lùng sôi sục? Và giá vàng sẽ có diễn biến như thế nào”, VietTimes đã có những trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia.
Nhu cầu vàng của Việt Nam chỉ ngang số tiền nhập rượu, thuốc lá ngoại
Phân tích về nguyên nhân dân đổ đi mua vàng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết Ngân hàng Nhà nước bán giới hạn số lượng mỗi ngày và mỗi điểm ngân hàng thương mại Nhà nước chỉ cung ứng vàng miếng SJC trong một thời gian nhất định, thậm chí có những ngày chỉ bán trong 1-2 tiếng đồng hồ. Điều này khiến người dân đồn nhau rằng Ngân hàng Nhà nước không đủ nguồn cung và lo ngại giá vàng tăng trở lại.
Ông Nghĩa cho rằng có dấu hiệu thao túng thị trường khi nhiều người được thuê để đi xếp hàng mua vàng. Một bộ phận nhà đầu cơ, cá nhân, tổ chức buôn vàng cảm thấy phương án điều hành của Ngân hàng Nhà nước đang làm lung lay vị thế độc quyền của họ nên đã có những động thái lũng đoạn thị trường. Điều này tạo ra sự khan hiếm giả tạo.
“Ngân hàng Trung ương có nguồn cung dư thừa và có thể nhập thêm vàng về với tốc độ rất nhanh. Khối lượng tiền để nhập thực chất không lớn. Mỗi một năm Việt Nam có nhu cầu khoảng 50 tấn vàng, với giá hiện tại chỉ mất 3-4 tỷ USD. Số tiền chỉ ngang nhập khẩu rượu, thuốc lá ngoại, hoặc tương đương mức giá nhập khẩu mỹ phẩm. Hoàn toàn không phải con số lớn”, ông Nghĩa phân tích.
“Có thể, họ đã lợi dụng sự hạn chế về công suất dập vàng miếng để tạo ra hiệu ứng tâm lý Ngân hàng Nhà nước không đủ vàng, khan hiếm vàng, gây ra những trò lũng đoạn thị trường, cố tình tạo ra sự khan hiếm giả tạo, gây bức xúc về mặt công luận với Ngân hàng Nhà nước”
TS. Lê Xuân Nghĩa
Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, công suất dập vàng miếng hàng ngày có thể gặp khó khăn khi nhu cầu cùng lúc quá lớn. Điều này, các nhà kinh doanh vàng hiểu rõ hơn ai hết.
Về câu hỏi có hay không việc người dân đổ xô đi mua vàng vì lo ngại đồng tiền trượt giá do lạm phát, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, kinh tế vĩ mô Việt Nam nhìn chung ổn định, lạm phát chỉ khoảng 4%. Tuy nhiên đây là góc nhìn của quản lý Nhà nước, còn trong mắt dân chúng lại khác. Người dân đang cảm nhận được giá cả lương thực, thực phẩm ngoài chợ tăng khá mạnh.
Trong số liệu của Tổng cục Thống kê, nhóm hàng lương thực thực phẩm có giá tăng nhanh nhất. Trong 100% lạm phát, tăng giá của lương thực thực phẩm chiếm tới 32%, 19% do giá nhà ở, vật liệu xây dựng, điện nước, bên cạnh đó chi phí y tế và giáo dục cũng đều tăng.
Theo ông Nghĩa, đây là những thứ đập vào mắt người dân hàng ngày, nên họ có tâm lý lo ngại về lạm phát và tích trữ vàng để mong đồng tiền không trượt giá. Điều này càng đúng trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp, thị trường chứng khoán bấp bênh, thị trường bất động sản ảm đạm.
“Tuy nhiên, điểm đáng mừng là không hề có dấu hiệu tâm lý hoảng loạn ở người dân, nhưng có hiện tượng đầu cơ, tích trữ, gây lũng đoạn thị trường. Những đối tượng thuê người xếp hàng đi mua vàng chắc chắn không phải là những người dân bình thường mà có thể nhận diện là những nhà đầu cơ, những nhà đi buôn vàng”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh một lần nữa.
"Vàng trong dân cũng là dự trữ quốc gia"
Đưa ra góc nhìn về đề xuất giải pháp đánh thuế giao dịch vàng, ông Nghĩa cho biết phần lớn chuyên gia nhìn nhận không nên đánh thuế người mua vàng, vì lẻ tẻ, tản mạn, công sức truy thu có khi còn hơn số tiền thuế thu được.
“Theo quan điểm của tôi, đánh thuế của để dành của người dân là không nên. Phải hiểu rằng người dân mua vàng để dự trữ, vàng để dành của dân cũng là dự trữ quốc gia. Vàng tại Ngân hàng Nhà nước là dự trữ quốc gia tập trung. Vàng do người dân để dành là dự trữ phân tán. Đều là dự trữ quốc gia, cần phải được nhìn nhận công bằng”, TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra quan điểm.
Về phương án lâu dài, theo ông Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị trình Chính phủ về phương án điều chỉnh Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng quản lý vàng theo hàm lượng, có thể bỏ độc quyền SJC.
Trong tương lai, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cho phép các ngân hàng thương mại và một số công ty vàng bạc có trình độ về công nghệ và kinh doanh ngoại thương tốt nhập khẩu vàng, sau đó bán sỉ cho các công ty vàng bạc và để các công ty này bán lẻ cho dân.
Mô hình này đang được Trung Quốc áp dụng. Trung Quốc hiện có 13 đơn vị được phép nhập khẩu vàng theo quy định của Chính phủ, trong đó có 5 ngân hàng quốc doanh, 4 ngân hàng nước ngoài và 4 công ty vàng bạc trong nước. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng mô hình có thể sẽ được áp dụng ở Việt Nam trong tương lai.
Năm 2020, một loạt vụ buôn lậu vàng ở phía Nam bị bắt và kiểm soát chặt buôn lậu vàng qua biên giới. Chính từ thời điểm này đã gây phát sinh chênh lệch giá cả và cung cầu.
Lý do khác đến từ đồng USD đang ở mức khá cao, cuối năm 2024, Mỹ có thể giảm lãi suất khiến đồng USD giảm giá, đồng nghĩa lúc này giá vàng sẽ tăng. Mỗi một năm, sản lượng vàng thế giới chỉ tăng 1,5%, trong khi số lượng USD in ra là 3,5%.
Dự báo trong thời gian tới, vị chuyên gia nhận định: "Giá vàng chắc chắn sẽ xuống". Khi lượng cung tăng lên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế sẽ giảm. Từ 2012 – 2020, Chính phủ tuy không nhập vàng nhưng giá vàng trong nước và quốc tế cũng không có sự chênh lệch quá nhiều. Lý do vì Chính phủ không nhập, nhưng lượng nhập lậu rất lớn.
Một khuynh hướng khác là kinh tế thế giới phục hồi, người dân sẽ tập trung vốn vào đầu tư các thị trường khác như sản xuất kinh doanh, chứng khoán, bất động sản. Lúc đó, dòng tiền sẽ không cần trú ẩn ở thị trường vàng như hiện nay.
Từ hai khuynh hướng này, TS. Lê Xuân Nghĩa dự báo giá vàng từ nay đến đầu năm 2025 có thể nhích lên không đáng kể hoặc đi ngang. Thị trường vàng trong nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung của thị trường.
Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng để tăng nguồn cung thì giá vàng tiếp tục giảm, cho đến khi ngang bằng với giá vàng thế giới. Trước đây, có những thời điểm giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chỉ chênh nhau trên dưới 1 triệu đồng (khoảng 2%), hoặc có thời điểm còn thấp hơn.
“Nhìn từ sự điều hành này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thu hẹp khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới. Hiện tại giá vàng miếng SJC đang bình ổn ở mức 75.690.000 đồng/lượng đã cho thấy nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Có tiền cũng khó mua vàng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6, giá vàng thế giới tăng lên 2.363 USD/ounce, tăng hơn 28 USD so với hôm trước. Quy đổi tương đương theo tỷ giá ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới đang ở mức 72.500.000 đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Hiện vàng miếng SJC vẫn đứng yên nên chỉ còn cao hơn giá thế giới 4,5 triệu đồng. Riêng vàng nhẫn trong nước đắt hơn từ 3 - 3,5 triệu đồng.
Theo ghi nhận, hiện nhiều người không thể đăng ký mua vàng, tình trạng này diễn ra thường xuyên tại trang thông tin của các ngân hàng. Nhiều khách hàng nhận được hiển thị “đã hết lượt đăng ký trong ngày” hoặc “đã nhận đủ số lượng khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC của ngày hôm nay”.
Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng vàng của Bảo Tín Minh Châu, PNJ, DOJI đều đồng loạt báo hết vàng và chưa rõ ngày vàng về. Không chỉ vàng miếng, mặt hàng vàng nhẫn trơn cũng được người dân mua vào rất nhiều. Điều này khiến nhiều người dân rơi vào cảnh có tiền cũng không mua được vàng.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu