Trong một video khác, robot thậm chí còn chĩa súng thẳng vào người, sau đó bóp cò bắn nhiều phát.
Thực chất đây chỉ là một đoạn video do studio Corridor Digital tổng hợp sản xuất, là giả, làm nhái. Nhưng nguyên mẫu robot trong video thực tế là "Atlas", một robot hình người do Bộ Quốc phòng Mỹ và Boston Dynamics hợp tác phát triển.
Đoạn video dù là được tạo dựng nhưng vẫn khiến người ta phải rùng mình khiếp sợ, thử tưởng tượng nếu công nghệ robot được ứng dụng vào lĩnh vực quân sự thì rất đáng sợ khi robot trở thành cỗ máy giết người.
Người ta không khỏi băn khoăn liệu trong tương lai robot sẽ đóng vai trò gì? Chúng là trợ thủ của con người hay các cỗ máy giết người?
Hình ảnh robot đánh người trong phim do studio Corridor Digital sản xuất (Ảnh: Toutiao). |
Dòng robot của Boston Dynamics
"Change the way you think about what a robot can do!" (Hãy thay đổi cách nghĩ của bạn về những gì robot có thể làm!) từ lâu đã là slogan của Boston Dynamics.
Là một công ty chế tạo robot, kể từ khi thành lập vào năm 1992, Boston Dynamics đã nỗ lực nghiên cứu và phát triển robot, đến nay họ đã phát triển nhiều loại robot khác lạ.
Bắt đầu từ "Big Dog" được thiết kế cho mục đích quân sự, các thế hệ robot mới đã liên tục được phát triển và thế hệ sau liên tục vượt qua thế hệ trước…Có thể nói, Boston Dynamics ngày nay hoàn toàn có thể tạo thành một đại gia tộc robot.
Trên thực tế, với trí tuệ nhân tạo ngày nay, công nghệ robot đã được ứng dụng vào lĩnh vực quân sự. Ví dụ, trong cuộc xung đột Ukraine, máy bay không người lái, những robot trên không, đã có mặt khắp nơi. Từ máy bay không người lái TB2 (Bayraktar TB2), thực hiện các cuộc tấn công có độ chính xác cao vào quân đội Nga, đến tàu không người lái trên biển tấn công tàu Nga ở cảng Sevastopol, và UAV bốn trục được hoán cải để thả đạn cối, lựu đạn vào các mục tiêu trên mặt đất, v.v. Thực tế, robot đã trở thành một phần của hệ thống vũ khí.
UAV Bayraktar TB2 và tàu không người lái thực ra là các robot quân sự được Ukraine sử dụng (Ảnh: Toutiao). |
Robot quân sự Mỹ "Atlas"
Robot hình người "Atlas" được đề cập ở trên hiện cũng đang phục vụ quân đội Mỹ và nó là một người máy quân sự thực sự của Mỹ.
Về ngoại hình, "Atlas" có chiều cao đáng nể 1,9 mét và nặng 150 kg. Với một cặp tay máy thao tác linh hoạt, nó có thể hoàn thành các động tác như nắm bắt, tấn công và leo núi. Nó cũng có thể đứng bằng hai chân và đi thẳng đứng như con người. Thoạt nhìn, bạn có thể nghĩ rằng đây chính là phiên bản thật của “Kẻ hủy diệt”.
Trong đoạn video được công bố, người ta thấy "Atlas" có thể dễ dàng thực hiện các động tác parkour, nhảy, ôm vật nặng, leo cầu thang, vượt chướng ngại vật, lộn nhào trên không,…
Robot "Atlas" có thể thực hiện những động tác phức tạp (Ảnh: Toutiao). |
Hiện nay, "Atlas" vẫn đang được liên tục cập nhật và nâng cấp, "Atlas" sau khi nâng cấp có thể vượt nhiều loại địa hình, chở vật nặng, đóng mở cửa bằng cánh tay linh hoạt.
Nhưng trước "Atlas", quân đội Mỹ đã sử dụng robot thông minh trên chiến trường Afghanistan và Iraq, đưa chúng vào sử dụng chiến đấu trên đường phố, hoặc giúp binh lính khoan lỗ chui tường, v.v.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các robot hình người có thể thay đổi phương thức chiến tranh trong các cuộc chiến trong tương lai và phát huy hết khả năng cơ động và linh hoạt của robot để giảm thiểu rủi ro cho binh lính trên chiến trường và đạt được hiệu quả chiến đấu tốt hơn.
Một số thành viên "gia tộc robot" của Boston Dynamics (Ảnh: Toutiao). |
Chó máy “Big Dog” của Boston Dynamics
Ngoài robot hình người Atlas, Boston Dynamics còn có chó máy Boston, gọi tắt là “Big Dog”, nổi tiếng từ cách đây hơn chục năm, cũng giúp quân đội Mỹ vận chuyển vũ khí, trang thiết bị, nên có người gọi nó là “con chó vác thuê của Boston”.
"Big Dog" là một loại robot quân sự bốn chân thời kỳ đầu tiên, bề ngoài nom rất "máy móc", nhìn rất giống "con chó" với chiều dài 92 cm, cao 90 cm và nặng 108 kg. "Big Dog" có khả năng giữ thăng bằng tuyệt vời, dù có bị trượt ngã và vật lộn, hay bị đá vào thân, nó vẫn có thể ngay lập tức đứng vững.
"Big Dog" có thể mang hàng cơ động được trên mọi loại địa hình (Ảnh: Toutiao). |
Đồng thời, nó cũng là một phu khuân vác vật nặng rất tốt, có thể giúp người lính tải khoảng 154 kg đạn dược, vũ khí trang bị trên chiến trường, v.v. có thể trèo đèo lội suối, vượt qua địa hình dốc núi, thảo nguyên, núi tuyết hay bãi biển.
Nhưng "Big Dog" không thật hoàn hảo, cũng có một số khiếm khuyết, do động cơ của nó phát ra tiếng ồn lớn, nên bị Thủy quân lục chiến Mỹ chán ghét vì dễ bộc lộ vị trí, công tác bảo trì nó cũng rắc rối. Do đó, cuối cùng quân đội Mỹ đã từ bỏ việc triển khai “Big Dog”.
Robot “SpotMini”
Tuy nhiên, công ty Boston Dynamics đã tung ra một phiên bản cải tiến của "Big Dog", gọi là "SpotMini" hoặc "Spot". “SpotMini” giống như một phiên bản thu nhỏ của “Big Dog”, chỉ nặng 25 kg, chỉ cao 61 cm khi đứng.
Dựa trên những bài học rút ra từ "Big Dog", “Spot” tiếng ồn rất ít, là một chú robot điện ít nói và ngoan ngoãn. Việc sử dụng động cơ điện giúp giảm đáng kể tiếng ồn và nó có thể vận động trong một tiếng rưỡi cho mỗi lần sạc.
Robot "Spot Mini" nhỏ gọn, linh hoạt (Ảnh: Toutiao). |
Đồng thời, “Spot” cũng là một chú cún cơ khí mạnh mẽ và nhanh nhẹn, thừa hưởng toàn bộ sự linh hoạt của thế hệ “Spot Classic”, được trang bị cánh tay robot 5 khuỷu tự do, với các cảm biến và thiết bị truyền cảm biến, v.v.
Các cảm biến cũng bao gồm camera 3D, camera độ sâu, IMU và cảm biến lực/vị trí tứ chi, các thiết bị này giúp “Spot” điều hướng và hoạt động bình thường.
Không chỉ phù hợp với các ứng dụng dân sự như vận chuyển vật tư, phân phối hàng và xây dựng công trình, có người còn cho rằng “SpotMini” sẽ trở thành robot chiến trường có sức cạnh tranh mạnh phục vụ cho quân đội Mỹ.
Tranh luận về robot quân sự
Nhưng ngay cả khi Boston Dynamics đã tạo ra một loạt robot tuyệt vời, người ta cũng đã nhìn thấy mặt tối của những robot này.
Một số robot quân sự của quân đội Mỹ (Ảnh: Toutiao). |
Từ những chú chó robot có vũ trang, cho đến những robot quân sự của Mỹ hay những chiếc máy bay không người lái săn lùng mục tiêu, robot rất mạnh mẽ, nhưng chúng được sử dụng trong lĩnh vực quân sự và robot dường như ngày càng được vũ khí hóa.
Về vấn đề này, Boston Dynamics đã từng gửi một bức thư ngỏ tới năm công ty robot khác, thư viết: "Robot nên được sử dụng để giúp đỡ con người chứ không phải làm hại họ. Chúng tôi nghiêm cấm việc vũ khí hóa đồng thời ủng hộ việc sử dụng robot một cách an toàn, có đạo đức và hiệu quả trong lĩnh vực an ninh công cộng."
Ông Tim Ripley nghi ngờ tuyên bố của Boston Dynamics về không vũ khí hóa robot (Ảnh: Toutiao). |
Nhưng nhà phân tích quốc phòng và nhà sử học quân sự Mỹ Tim Ripley cho rằng: “Tôi muốn biết cam kết của Boston Dynamics có ý nghĩa gì trong thực tế? Đó là, ngay cả khi họ không trang bị vũ khí cho những robot này, chúng vẫn có thể là công cụ chiến tranh.”
Vậy robot rốt cục là trợ thủ của con người hay cỗ máy giết người?
Câu trả lời không nằm ở robot, mà nằm ở con người thao túng chúng. Sở dĩ robot bị coi là cỗ máy giết người đơn giản là vì chúng bị những kẻ có động cơ xấu lợi dụng, trở thành công cụ phạm tội phi pháp, thậm chí còn là vũ khí giết người trong chiến tranh…
Khi robot được ứng dụng vào chiến trường, nó trở thành một siêu chiến binh người máy; chúng không có điểm yếu của con người, không bao giờ cần thức ăn và nước uống, cũng không cần nghỉ ngơi.
Xe robot chiến đấu được quân đội Mỹ triển khai trên chiến trường Afghanistan và Iraq (Ảnh: Toutiao). |
Nhưng những chiến binh robot như vậy không có cảm xúc con người và không có lương tri. Một khi bị mất kiểm soát, chúng có thể giết người vô tội một cách bừa bãi và robot cũng không thể chịu trách nhiệm về hành động của chúng.
Vì vậy, ngay cả khi robot được tung ra chiến trường, con người cũng không nên trao cho chúng quyền quyết định sự sống chết của con người. Tuy nhiên, nếu robot được sử dụng đúng cách, nó nên được sử dụng trong lĩnh vực dân sinh của con người, nó vẫn sẽ là một đối tác tốt và trợ thủ tốt của nhân loại
Rốt cục robot tốt hay xấu chủ yếu là do cách con người sử dụng chúng và nơi mà họ muốn ứng dụng chúng.
Theo Toutiao
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu