Nghiên cứu của họ, được xuất bản trên tạp chí Kỹ thuật hệ thống và Điện tử, đề xuất sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để viết phần mềm cho vũ khí thông qua một thuật toán kiểm soát bay độc nhất, trong lúc vũ khí di chuyển với vận tốc siêu thanh.
Hai giáo sư Xian Yong và Li Bangjie – đến từ ĐH Kỹ thuật sức mạnh tên lửa, trực thuộc quân đội Trung Quốc – nói rằng cần trao thêm sức mạnh ra quyết định cho các loại vũ khí thông minh, bởi con người không biết được những vũ khí này sẽ hoạt động như thế nào sau khi nút khai hỏa được bấm.
Các loại tên lửa truyền thống thường được cài đặt phần mềm định vị. Nhưng nếu phần mềm này được viết bởi AI, trong đó mỗi loại vũ khí sẽ có một thuật toán khác nhau, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng chúng có thể giải quyết được nhiều thách thức trong việc điều khiển vũ khí trong lúc chúng đang bay với vận tốc siêu thanh.
Một vũ khí siêu thanh có thể đáp trúng mục tiêu của nó hay không sau khi di chuyển hàng nghìn km còn phụ thuộc rất lớn vào việc nó định vị bản thân như thế nào trong lúc thực hiện nhiều cú lạng lách trong lúc bay.
Ở vận tốc siêu thanh, nhiều bộ phận của một phương tiện bay có thể nóng hơn cả bề mặt Mặt trời, phá vỡ các phân tử khí thành các ion điện tử, hình thành một lớp vỏ bọc plasma. Điều này giúp máy bay tránh được tín hiệu radar nhưng cũng có thể khiến bản thân nó bị “câm và điếc” – tức không thể nhận được tín hiệu GPS hay các thông tin khác, như từ trường Trái đất, tín hiệu dẫn đường.
Do phải bay trong những điều kiện bay khắc nghiệt trong suốt một chặng đường dài, phương tiện bay siêu thanh phải dựa vào những bộ cảm ứng lắp đặt bên trong, nhưng những thiết bị này cũng chỉ ước tính được vị trí hiện tại của nó, chứ không thể chính xác.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học Trung Quốc nói rằng sự nhiễu loạn vật lý mà các bộ cảm ứng bắt buộc phải trải qua trong quá trình lắp đặt, vận chuyển và bảo trì. Và mỗi lần một vũ khí siêu thanh được khởi động, các bộ cảm ứng đều chịu tác động, khiến cho chúng càng bị “lệch” so với cài đặt ban đầu của nhà sản xuất.
Đội ngũ của ông Xian và Li tin rằng sử dụng AI có thể giúp khắc phục những khó khăn này. Điều này đòi hỏi sức mạnh máy tính cao hơn, nhưng là khả thi với công nghệ hiện tại. Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng, một hệ thống AI có thể giữ cho vũ khí siêu thanh đi đúng đường, với độ chính xác cao – sai lệch chỉ 10 m.
Theo phương pháp của họ, AI sẽ bắt đầu làm việc ngay sau khi vũ khí siêu thanh được phóng, trước khi nó đạt vận tốc siêu thanh, để tính toán vị trí của nó nhờ vào tín hiệu GPS hoặc BeiDou (hệ thống định vị do Trung Quốc tự phát triển) và so sánh nó với kết quả định vị của các bộ cảm ứng lắp đặt bên trong, từ đó đưa ra một kết quả mới.
Dựa trên thông tin mới đó, AI sẽ tạo ra một thuật toán định vị độc nhất để lập trình kiểm soát bay cho vũ khí trước khi nó đi vào trạng thái bay siêu thanh.
Trong một chuyến bay giả lập được nhóm khoa học thực hiện, thuật toán mà AI sản sinh ra trải qua hàng nghìn lần cải tiến chỉ trong giai đoạn bay đầu tiên, dựa vào CPU Xeon của Intel. Tốc độ của các bộ vi xử lý được sử dụng trong chương trình vũ khí siêu thanh của Trung Quốc vẫn được giữ bí mật, nhưng tốc độ của chúng ngày càng tăng; theo các nhà nghiên cứu.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã sử dụng AI Để giải quyết nhiều vấn đề liên quan tới chuyến bay siêu thanh, trong đó có kiểm soát động cơ và thông tin liên lạc. Mặc dù Trung Quốc sở hữu hoặc đang phát triển nhiều vũ khí siêu thanh, nhưng việc ứng dụng công nghệ này vào mục đích dân sự vẫn còn nhiều thách thức.
Tháng 5 năm nay, cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc tuyên bố kế hoạch chế tạo một mẫu máy bay chở khách cỡ nhỏ có khả năng bay tới bất cứ đâu trên Trái đất trong vòng 1 giờ, hoàn thành vào năm 2035. Để làm được điều đó, máy bay này cần đạt vận tốc Mach 15, tức gấp 15 lần vận tốc âm thanh.