Căng thẳng Argentina - Anh quanh quần đảo tranh chấp

Ngày 1/4/2015, Argentina lên tiếng phản đối các công ty của Anh đặt giàn khoan thăm dò dầu khí tại Malvinas, quần đảo tranh chấp mà Anh gọi là Falkland, khiến dư luận lo ngại về những căng thẳng mới trong quan hệ giữa hai nước xung quanh quần đảo tranh chấp này.
Quần đảo Falkland/Malvinas, nằm ở phía Nam Đại Tây Dương.
Quần đảo Falkland/Malvinas, nằm ở phía Nam Đại Tây Dương.

Quần đảo Falkland/Malvinas có lịch sử khá phức tạp. Tuy xa xôi cách biệt nhưng nó lại là tiêu điểm của những tranh cãi phức tạp về chủ quyền giữa Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Argentina.

Năm 1592, những nhà thám hiểm người Anh đã phát hiện ra hòn đảo, nhưng nước này chưa tuyên bố chủ quyền với quần đảo. Đến năm 1690, hòn đảo được đặt theo tên một đô đốc người Anh lần đầu tiên đặt chân tới đây.

Đến thế kỷ XVIII, một nhóm người Pháp tới đây khai hoang và cư ngụ tại đây trong một thời gian ngắn, tiếp sau là Tây Ban Nha với việc tuyên bố chủ quyền với hòn đảo.

Sau đó, năm 1820, Argentina tuyên bố có chủ quyền với quần đảo này vì thừa kế quần đảo từ Nhà Vua Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ XIX.

Năm 1833, quân đội Anh giành lại quyền kiểm soát quần đảo từ Argentina. Từ đó, người Anh định cư lâu dài ở đây với nghề nghiệp chính là sản xuất lông cừu.

Quần đảo Falkland/Malvinas, nằm ở phía Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Argentina khoảng 650 km và cách Anh gần 8.000 km. Quần đảo này rộng 12.173 km2, gồm hai đảo chính là Đông Falkland và Tây Falkland, cùng với hơn 776 hòn đảo nhỏ hơn. Với khoảng gần 3.000 người, từ lâu quần đảo này được coi là điểm trung chuyển chiến lược và dồi dào nguồn tài nguyên thiên nhiên.


Đến năm 1982, cuộc chiến Falkland/Malvinas nổ ra giữa Anh và Argentina. Anh có lợi thế hơn về kinh nghiệm chiến đấu còn Argentina có lợi thế về vị trí địa lý do ở gần quần đảo này. Cuối cùng cuộc chiến kết thúc sau 74 ngày với chiến thắng thuộc về Anh. Anh tiếp tục kiểm soát quần đảo Falkland/Malvinas.

Sau chiến tranh, Argentina và Anh cắt đứt quan hệ ngoại giao. Phải đến cuối những năm 1980, cả hai bên mới nỗ lực hàn gắn lại quan hệ và chính thức nối lại quan hệ song phương vào năm 1990.

Năm 1998, Tổng thống Argentina Carlos Menem đến thăm Anh và năm 2001, Thủ tướng Anh Tony Blair trở thành Thủ tướng Anh đầu tiên đến thăm quần đảo Falkland/Malvinas.

Tuy nhiên, những nỗ lực ngoại giao này không đủ để giúp hóa giải tranh chấp liên quan đến quần đảo ở Nam Đại Tây Dương giữa Anh và Argentina.

Căng thẳng giữa Anh và Argentina liên quan đến vấn đề chủ quyền quần đảo Falkland/Malvinas đã tăng nhiệt kể từ năm 2010, sau khi Anh cho phép các công ty tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí tại quần đảo tranh chấp này. Argentina đang tìm mọi cách ngăn cản việc khai thác dầu ở đây.

Giữa tháng 3/2012, Argentina đã cảnh báo sẽ có hành động pháp lý chống lại các công ty tham gia khai thác dầu tại khu vực quần đảo bởi đây là "hành động cướp bóc tài nguyên thiên nhiên của Argentina". Argentina còn phát động một chiến dịch kêu gọi các nước Nam Mỹ không chấp nhận các tàu mang cờ Falkland/Malvinas cập cảng.

Cuối năm 2013, tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Malvinas/Falklands lại leo thang sau khi chính phủ Argentina quyết định phạt nặng, tịch thu thiết bị và xét xử các quan chức điều hành những công ty dầu mỏ hoạt động ở ngoài khơi quần đảo này. Phía Argentina cho rằng, những hành động khai thác dầu khí ở ngoài khơi quần đảo này là vi phạm các quyết định của Liên hợp quốc.

Trong khi đó, Anh lại cho rằng, các hoạt động thăm dò và khai thác của nước này tại đây là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Cơ sở pháp lý mà Anh đưa ra là trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 3/2013, 98% người dân tại quần đảo Falkland đã bỏ phiếu ủng hộ quy chế Malvinas/Falklands là một trong những lãnh thổ của Anh ở hải ngoại. Tuy nhiên, Argentina không chấp nhận và vẫn tiếp tục đưa tranh chấp về quần đảo này lên Liên hợp quốc.

Tháng 4/2014, Argentina còn tố cáo Anh biến quần đảo Malvinas thành "căn cứ quân sự hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đến nay, Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tiến hành các cuộc đàm phán song phương nhằm tìm kiếm giải pháp giải quyết vấn đề tranh chấp một cách hòa bình. Tuy nhiên, những nghị quyết này của Liên hợp quốc không nhận được sự hưởng ứng và đồng tình của cả hai phía. Vì vậy, vấn đề quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands vẫn là một ngòi nổ âm ỉ trong quan hệ giữa hai nước.

Ngày 1/4, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề quần đảo Malvinas thuộc Bộ Ngoại giao Argentina, Daniel Filmus đã lên tiếng phản đối việc các công ty của Anh đặt giàn khoan thăm dò dầu khí tại quần đảo tranh chấp Malvinas/Falklands. Ông Filmus cho biết, Chính phủ Argentina đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để đấu tranh chống lại việc Anh có ý định tiến hành khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển xung quanh quần đảo này.

Hồi tháng 2/2015, một giàn khoan khổng lồ thuộc dự án liên doanh của các công ty Anh đã được lai dắt ra Nam Cực tại khu vực đang có tranh chấp với Argentina.

Ông Filmus khẳng định, việc một giàn khoan vừa được đặt tại đây sẽ đe dọa nghiêm trọng môi trường sinh thái, đồng thời bày tỏ các công ty tham gia vào dự án này sẽ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp Argentina và luật pháp quốc tế.

Theo Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề quần đảo Malvinas thuộc Bộ Ngoại giao Argentina, tòa án Argentina thậm chí có thể ra lệnh bắt những người tham gia khai thác dầu khí trái phép tại vùng biển nước này.

Về phần mình, Chính phủ Anh cho rằng Luật Dầu khí Argentina không có giá trị tại Falkland/Malvinas. Ngày 24/3, Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố tăng cường năng lực phòng vệ tại quần đảo tranh chấp với Argentina nhằm đối phó với "mối đe dọa hiện hữu và cụ thể".

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, kế hoạch nói trên kéo dài 10 năm với tổng chi phí lên tới 268 triệu USD, bao gồm nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không và triển khai 2 trực thăng Chinook tới quần đảo phía Nam Đại Tây Dương này vào giữa năm 2016.

Phản ứng về vấn đề này, Ngoại trưởng Argentina Héctor Timerman đã bác bỏ việc nước này có kế hoạch tấn công quân sự quần đảo tranh chấp Malvinas/Falkland, đồng thời tuyên bố sẽ tố cáo lên Liên hợp quốc hành động leo thang quân sự của Anh tại đây.

Ngày 30/3, ông Timerman đã gửi thư lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki - moon, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt phi thực dân của Liên hợp quốc, cũng như các Tổng Thư ký của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), bày tỏ quan ngại về việc Anh quân sự hóa khu vực Nam Cực, khiến tình hình ở khu vực trở nên căng thẳng một cách không cần thiết.

Các nhà phân tích cho rằng, dù xung đột quân sự khó diễn ra, song căng thẳng giữa Anh và Argentina có thể sẽ hủy hoại kỳ vọng của Anh trong nỗ lực thắt chặt quan hệ với các nền kinh tế đang nổi tại Mỹ Latinh. Bởi hiện tại, các nước trong Khối thị trường chung Nam Mỹ (MECOSUR) luôn ủng hộ Argentina trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Anh tại Falkland/Malvinas.

Trong bối cảnh như vậy, câu trả lời cho cuộc tranh chấp giữa Anh và Argentina về chủ quyền quần đảo trên Đại Tây Dương vẫn còn đang ở phía trước.

Theo: Báo Tin Tức